Từ 1/7/2017, lương cơ sở tăng lên 1,3 triệu đồng/tháng. |
Chiều nay (11/11), với 391/402 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 81,54% tổng số ĐBQH), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2017.
Theo Nghị quyết, Quốc hội thông qua dự toán tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.212.180 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.390.480 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 178.300 tỷ đồng.
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước là 340.157 tỷ đồng.
Quốc hội giao Chính phủ điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; khuyến khích mở rộng việc thực hiện khoán xe công đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm.
Về vấn đề tăng lương, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2017.
Trình bày báo cáo thẩm tra về vấn đề này trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến đề nghị thực hiện tăng mức lương cơ sở cao hơn mức 7% như đề xuất của Chính phủ để góp phần nâng mức thu nhập của người hưởng lương. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với ý kiến ĐBQH đã nêu rằng đời sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, người hưởng lương còn gặp khó khăn, vì vậy Chính phủ đề nghị tăng mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng để giảm bớt khó khăn cho các đối tượng này.
Theo cơ quan thẩm tra, mặc dù mức tăng này chưa đáp ứng được toàn bộ nhu cầu nhưng trong điều kiện ngân sách gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay, với mức tăng như trên, ngoài việc yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải tự bố trí sắp xếp cân đối nguồn, ngân sách Trung ương phải chi khoảng 6.600 tỷ đồng, nếu tính cả 1.900 tỷ đồng hỗ trợ 50% nhu cầu tăng lương của lực lượng vũ trang thì ngân sách Trung ương phải chi khoảng 8.500 tỷ đồng. Đây là một cố gắng rất lớn của Chính phủ trong thời điểm hiện nay.
Xem thêm Video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận