Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải |
Dự kiến chi khoảng 16.200 tỷ đồng thực hiện cải cách tiền lương
Chiều nay (22/10), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, phương án phân bổ dự toán ngân sách Trung ương 2019 báo cáo trên cơ sở dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2019 là 1.411.300 tỷ đồng. Dự toán bội chi ngân sách nhà nước là 222.000 tỷ đồng. Dự toán tổng chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.633.300 tỷ đồng.
Cũng theo ông Dũng dự kiến chi khoảng 16.200 tỷ đồng thực hiện cải cách tiền lương trên cơ sở điều chỉnh tiền lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng bắt đầu từ 1/7/2019. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng cùng mức và thời điểm tăng lương cơ sở.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết để thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, Chính phủđã xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2019 bao gồm cả kinh phí thực hiện tinh giản biên chế và giao cơ chế tự chủ theo hướng cắt giảm chi lương và chi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình.
Về thực hiện cải cách tiền lương (tăng khoảng 7% từ ngày 01/7/2019), ông Hải cho rằng việc thực hiện cải cách tiền lương được thực hiện theo đúng lộ trình đã được Quốc hội quyết định trong Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức. Mặt khác, như đã phân tích, việc thực hiện cải cách tiền lương năm 2019 được thực hiện đi đôi với tinh giản biên chế theo Nghị quyết 18-NQ/TW là phù hợp. Vì vậy, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với phương án Chính phủ trình.
Nợ công vừa giảm, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài đã xu hướng tăng
Về bội chi ngân sách và nợ công, ông Hải cho hay Chính phủ dự kiến bội chi NSNN năm 2019 khoảng 3,6%GDP, giảm 0,1%GDP so với năm 2018.
“Trong bối cảnh khả năng tăng thu NSNN còn khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư lớn, nhiều nhiệm vụ chi cần được bảo đảm như chi lương và bảo đảm các chính sách an sinh - xã hội đã ban hành, việc giữ mức bội chi thấp hơn năm 2017 là tích cực” – ông Hải nhận định.
Đối với nợ công, Ủy ban TCNS nhận thấy tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây, song nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia lại xu hướng tăng lên, đặc biệt nợ nước ngoài của quốc gia đã dần tới mức trần cho phép (50%GDP).
Được biết, nếu như nợ công năm 2017 bằng 62,6%GDP, năm 2018 61,4%GDP , đến năm 2019, con số này dự kiến chỉ 61,3% GDP.
Trong khi đó, nợ Chính phủ năm 2017 bằng 51,8%GDP, năm 2018 bằng 52,1%GDP và năm 2019 dự kiến 52,2%GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 bằng 45,2%GDP, năm 2018 bằng 49,7%GDP, năm 2019 dự kiến bằng 49,9% GDP.
“Mặc dù các chỉ tiêu này vẫn trong giới hạn cho phép, song vẫn tiềm ẩn những rủi ro” – đại diện Uỷ ban TCNS nói và đề nghị Chính phủ thực hiện nghiêm các biện pháp đã đề ra để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận