Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 60/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2016 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý. Trong đó, có nhiều điểm mới, nhất là những quy định liên quan đến các dự án hầm đường bộ,...
Nới trần mức phí sử dụng hầm đường bộ
Điểm đáng chú ý nhất trong Thông tư 60 là Bộ GTVT đã ban hành bổ sung thêm biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng hầm đường bộ theo lượt. Đây là điểm khác biệt lớn nhất so với Thông tư 35, bởi trong Thông tư 35 chỉ có một biểu giá tối đa áp dụng chung cho cả dự án đường quốc lộ, cầu và hầm đường bộ. Trong khi, các hầm đường bộ có tổng mức đầu tư lớn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng do áp dụng chung biểu giá thu phí với các dự án cầu, đường trong Thông tư 35 nên dù mức phí được áp dụng kịch trần cũng không đảm bảo phương án tài chính khiến nhà đầu tư bị thua lỗ. Điển hình là dự án BOT hầm đường bộ Đèo Cả. Cụ thể, theo phương án tài chính và phụ lục hợp đồng BOT của dự án, mức giá áp dụng tại trạm thu phí Đèo Cả từ 1/1/2018 đến 31/12/2020 được quy định: Xe nhóm 1 (60.000 đồng/vé/lượt), xe nhóm 2 (72.000 đồng/vé/lượt), xe nhóm 3 (120.000 đồng/lượt), xe nhóm 4 (144.000 đồng/lượt) và xe nhóm 5 (288.000 đồng/lượt). Tuy nhiên, do Thông tư 35 quy định biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ theo lượt đối với xe nhóm 1 (52.000 đồng/vé/lượt), xe nhóm 2 (70.000 đồng/vé/lượt), xe nhóm 3 (87.000 đồng/vé/lượt), xe nhóm 4 (140.000 đồng/vé/lượt) và xe nhóm 5 (200.000 đồng/vé/lượt) nên mức phí không thể điều chỉnh theo phương án tài chính đã ký kết.
Theo Thông tư 60 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 35/2016. Trong đó, Thông tư 60 đã bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 6 của Thông tư 35 quy định về mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng hầm đường bộ theo lượt. Cụ thể, biểu giá tối đa đối với xe nhóm 1 là 110.000 đồng/vé/lượt; xe nhóm 2 (160.000 đồng/vé/lượt), xe nhóm 3 (200.000 đồng/vé/lượt), xe nhóm 4 (210.000 đồng/vé/lượt), xe nhóm 5 (280.000 đồng/vé/lượt).
Ông Lưu Xuân Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, do Thông tư 35 khống chế trần giá vé tối đa nên dự án hầm Đèo Cả không thể điều chỉnh áp dụng mức giá theo hợp đồng BOT từ 1/1/2018, khiến dự án thua lỗ. “Tính toán thực tế cho thấy, từ ngày 1/1/2018 đến 1/10/2018, dự án lỗ khoảng 65,7 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng 7,3 tỷ đồng”, ông Thủy nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Huy Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, trong Thông tư 60 (có hiệu lực thi hành từ ngày 3/2/2019), Bộ GTVT đã quy định mức giá tối đa cho dịch vụ sử dụng hầm đường bộ nhằm đảm bảo tính khả thi về phương án tài chính của các dự án hầm đường bộ và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân.
Đặc biệt, Thông tư 60 còn quy định mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án áp dụng cho từng loại phương tiện được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc khi thực hiện thu không vượt mức giá tối đa đối với nhóm phương tiện quy định.
“Điều này có nghĩa Thông tư 60 đã “nới” quy định cho phép cơ quan nhà nước và nhà đầu tư thống nhất mức phí trong hợp đồng dự án đến từng loại phương tiện chứ không phải nhóm phương tiện như trước đây”, ông Hiếu nói và dẫn ví dụ đối với xe nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt vận tải khách công cộng) quy định mức trần giá vé là 110.000 đồng/vé/lượt. Trong hợp đồng các bên có thể thống nhất mức thu xe dưới 12 ghế ngồi là 80.000 đồng/vé/lượt, nhưng xe tải dưới 2 tấn chỉ 50.000 đồng/vé/lượt hay xe buýt vận tải khách công cộng 60.000 đồng/vé/lượt, miễn sao không được vượt quá mức giá tối đa theo quy định của thông tư.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) đánh giá, Thông tư 60 cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc về mức thu giá dịch vụ đường bộ đối với các dự án hầm đường bộ, trong đó có dự án hầm Đèo Cả. “Sau khi Thông tư 60 có hiệu lực thi hành từ ngày 3/2/2019, Vụ PPP và nhà đầu tư sẽ đàm phán lại để điều chỉnh phương án tài chính của dự án hầm Đèo Cả, cũng như mức thu giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân”, ông Huy chia sẻ.
Giá vé cao tốc có đường song hành nên để thị trường quyết định
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Thông tư 60 của Bộ GTVT vừa ban hành đã quy định mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ riêng để các công trình hầm đường bộ có cơ sở áp dụng và giải quyết khó khăn cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả. “Dựa vào biểu giá trong Thông tư 60, nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ đưa ra mức thu trên cơ sở không được vượt quá mức giá tối đa, từ đó áp dụng vào để tính toán phương án tài chính cho dự án”, ông Thế nói và cho rằng, sắp tới, Bộ GTVT nên bổ sung quy định bỏ biểu giá tối đa với các dự án hầm và cả những dự án đường cao tốc có đường song hành, mức giá thu phí để thị trường quyết định.
Liên quan đến biểu giá áp dụng cho các dự án đường cao tốc, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, Bộ GTVT nên bỏ quy định áp giá trần đối với các dự án đường cao tốc có đường song hành. Theo lãnh đạo VEC, trong phương án tài chính, các dự án cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai sẽ được tăng mức giá vé theo lộ trình 3 năm/lần với mức tăng căn cứ theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tuy nhiên, Thông tư 35 khống chế trần giá vé đối với các tuyến đường cao tốc (2.100 đồng/km/xe tiêu chuẩn) nên có dự án đường cao tốc đã thu phí 8 năm (Cầu Giẽ - Ninh Bình), 5 năm (Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) nhưng không thể tăng giá vé. “Riêng cao tốc Long Thành - Dầu Giây, mức giá 2.000 đồng/km/PCU đã duy trì 5 năm nay, dự án không thể điều chỉnh do vướng quy định của Thông tư 35”, lãnh đạo VEC chia sẻ.
Ông Phạm Huy Hiếu, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính cho biết, đối với các dự án đường cao tốc có đường song hành, hiện mức thu giá dịch vụ vẫn áp dụng theo Thông tư 35. Theo ông Hiếu, quy định giá trần đối với các dự án đường cao tốc, cũng như hầm đường bộ theo quy định Nghị định 149/2016 của Chính phủ. Cụ thể, trong Nghị định 149 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá đã nêu rõ: Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ gồm đường quốc lộ, đường cao tốc, các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý.
“Để có cơ chế các dự án đường cao tốc, hầm đường bộ có đường song hành được tự định mức giá, Chính phủ cần sửa đổi Nghị định 149/2016. Chỉ khi nào Nghị định 149 bỏ điều khoản Bộ GTVT quy định giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ, lúc đó, các dự án cao tốc, hầm đường bộ có đường song hành mới có thể áp dụng cơ chế tự định giá”, ông Hiếu cho biết.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN:
Không để nhà đầu tư quyết định giá vé
Thông tư 60/2018 của Bộ GTVT chỉ đưa ra khung giá chung cho các công trình hầm, còn đối với từng dự án cụ thể sẽ có mức giá khác nhau nhưng không được vượt quá khung giá theo Thông tư quy định. Nguyên tắc là không thể để nhà đầu tư quyết định, muốn đưa ra giá vé bao nhiêu cũng được. Trong Thông tư và hợp đồng dự án đều quy định nhà đầu tư phải có báo cáo và được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về mức giá.
Ông Vũ Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư:
Không ảnh hưởng đến các dự án cao tốc Bắc - Nam
Các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã báo cáo Quốc hội về mức giá sử dụng dịch vụ. Trong Nghị quyết 52/2017, Quốc hội đã chấp thuận duyệt mức giá theo từng thời kỳ của các dự án cao tốc Bắc - Nam (từ 1.500 - 3.400 đồng/km/PCU), vượt với mức trần của Thông tư 35/2016. Do đó, mức giá trần áp dụng với đường cao tốc trong Thông tư 35 không ảnh hưởng đến các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Đối với các dự án cao tốc khác như: Mỹ Thuận - Cần Thơ, do mức giá không được vượt mức giá trần của Thông tư 35 nên trong phương án tài chính, mức giá được xây dựng chỉ tăng trưởng từ 1.500 đồng - 2.100 đồng/km/PCU là dừng, phần thiếu hụt còn lại khoảng 932 tỷ đồng, Bộ GTVT đã báo cáo và đề nghị Chính phủ hỗ trợ bằng ngân sách cho dự án. Tương tự, tất cả dự án khác đều đang xây dựng phương án tài chính với mức giá tăng đến bằng trần của Thông tư 35/2016, phần thiếu hụt trong phương án tài chính sẽ hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN:
Linh hoạt giá vé để thu hút đầu tư
Dự án hầm đường bộ thường là những công trình được đầu tư mới và có đường song song, việc làm hầm giúp rút ngắn quãng đường, đảm bảo an toàn cho phương tiện khi phải vượt đèo, có lợi cho ngành vận tải. Do đó, việc tăng giá cần xem xét trong hợp đồng BOT giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư đàm phán thời gian vốn vay của ngân hàng cho dự án có thời hạn là bao nhiêu, lãi suất như thế nào. Trên cơ sở đó, mới tính toán thời gian cụ thể thu phí hoàn vốn cho dự án, nếu thời gian thu phí vượt quá so với thỏa thuận thời gian vay vốn đối với ngân hàng thì có thể điều chỉnh mức giá vé đảm bảo quyền lợi, hiệu quả cho nhà đầu tư yên tâm và mới có thể kêu gọi được nhà đầu tư mới đầu tư vào các công trình khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận