Chất lượng sống

Từ anh “Chánh Văn” thành ông chủ chuỗi nhà hàng hải sản

30/06/2017, 08:14

Đang làm báo, anh “Chánh Văn” nổi tiếng của tờ Hoa học trò bất ngờ từ chức, rẽ ngang sang kinh doanh.

16

Anh “Chánh Văn” , nhà báo Hoàng Anh Tú

Tháng 5/2015, anh “Chánh Văn” nổi tiếng của tờ Hoa học trò, nhà báo Hoàng Anh Tú đã có đơn từ chức khiến ai nấy đều bất ngờ vì cơ quan đang có kế hoạch cử anh đi học và quyết định quy hoạch cán bộ nguồn cũng sắp công bố. Quyết định rẽ ngang đó đã biến anh “Chánh Văn” trở thành ông chủ của chuỗi nhà hàng hải sản khá thành công tại Hà Nội.

Tôi đã phụ bạc nghề báo

Đang làm báo, điều gì khiến anh đột ngột rẽ ngang sang kinh doanh? Có chút nào “liều lĩnh” trong quyết định đó không?

"Nhà báo Hoàng Anh Tú từng đảm nhận vị trí Trưởng ban Chuyên đề của báo. Anh là một cán bộ có năng lực, trách nhiệm với cơ quan và cũng là một cây viết uy tín. Trong thời gian phụ trách chuyên mục giải đáp thắc mắc tuổi học trò với bút danh Chánh Văn, Hoàng Anh Tú để lại những dấu ấn tích cực trong lòng bạn đọc. Do điều kiện gia đình, nhà báo Hoàng Anh Tú đã xin nghỉ để cùng vợ gánh vác công việc kinh doanh và cũng khá thành công. Hiện giờ, anh Tú cũng vẫn cộng tác tích cực với báo."

Ông Nguyễn Huy Lộc
Tổng biên tập báo Sinh viên Việt Nam - Hoa học trò

Năm 2013, tôi bắt đầu cùng vợ làm kinh doanh nhưng vẫn làm báo. Đến khi hoạt động kinh doanh lớn mạnh quá, tôi buộc phải rời bỏ toà soạn để tập trung cho công việc vào năm 2015. Để quyết định dừng công việc đã gắn bó với mình suốt 12 năm chính thức và 23 năm nếu tính cả thời làm cộng tác viên quả thực là một quyết định đau đớn. Áp lực của việc kinh doanh chồng lấn với áp lực của tia-ra báo khiến tôi nhiều khi bị luẩn quẩn.

Từ một tờ báo có số lượng phát hành lớn, sự khủng hoảng chung của báo giấy trên toàn thế giới khiến tờ báo của tôi phụ trách sụt kinh khủng, bù lỗ triền miên, mặc cho hàng trăm giải pháp được đưa ra.

Tôi rời nghề báo trong bối cảnh đó. Tôi vẫn nợ “đứa con” do mình sáng lập ra, nuôi dưỡng nó, gắn kết bằng tất cả thanh xuân của mình. Thế nên, nếu nói đúng ra thì là tôi “phụ bạc” nghề báo.

Thời điểm đó, khó khăn lớn nhất anh phải đối mặt là gì, vốn, kỹ năng kinh doanh, kinh nghiệm hay… nhớ nghề cũ?

Thời bắt đầu khởi nghiệp, cả tôi với vợ mình không ai có kỹ năng gì về ngành nhà hàng. Vợ tôi là giám đốc một sàn bất động sản. Vốn liếng chỉ có duy nhất 1 con xe ô tô “cùi mía”. Khi đó vợ chồng bảo nhau: Bán xe đi để lấy tiền kinh doanh. Một là sẽ đi xe đạp hai là sẽ mua xe đẹp. May thay, chỉ sau 1 năm chúng tôi có thể tậu một con xe mới đẹp hơn (cười lớn).

Sau này, khi dốc toàn tâm, toàn ý cho chuỗi nhà hàng hải sản rồi mở tiếp chuỗi thứ hai về đồ Thái, nói thật nhiều khi nhớ đến ngẩn ngơ mỗi khi cầm tờ tạp chí nào đó trên tay. Tôi vẫn mua báo của cơ quan cũ, xem đám đàn em mình đang thay đổi tờ báo thế nào, chống chọi với sự khủng hoảng của báo chí ra sao. Có đôi lần gọi điện cho thư ký toà soạn mắng em ấy như thể mình còn là sếp không bằng. Vẫn cà phê cà pháo với anh em cơ quan cũ, hiến kế bày mưu cho anh em.Nhưng đúng là không thể làm gì được nếu như mình không cùng chiến hào với họ.

Nghề báo có nhiều lợi thế khi kinh doanh

Nghề báo có giúp gì cho anh trong kinh doanh?

Tôi nghĩ, những người làm báo chuyển qua kinh doanh đều có những lợi thế nhất định. Nghề báo giúp chúng tôi năng lực đánh giá thị trường, nắm bắt xu hướng cũng như sử dụng kỹ năng làm báo để làm truyền thông, tạo dựng hình ảnh cho thương hiệu. Nhưng cũng vì đã từng làm báo mà chúng tôi sẽ dễ thất bại vì năng lực kinh doanh, hiểu biết tài chính, quản trị doanh nghiệp đều là số 0 tròn trĩnh.

Anh thường đặt cho mình những dấu mốc, mục tiêu kinh doanh như thế nào? Và thường mục tiêu đó đến nhanh hay chậm so với kỳ vọng?

Vợ chồng tôi đều có những mục tiêu cụ thể, song không phải là mỗi năm mở bao nhiêu nhà hàng hay bao lâu thì thu hồi vốn, mà là làm đầy khách trong bao lâu? Đến bao giờ có thể giảm giá? Tần suất ra các sản phẩm mới là bao lâu?… Chúng tôi không quan trọng đang bán giá rẻ hay đắt mỗi con tôm, con cua so với thị trường mà là khách vào nhà hàng tiêu hết bình quân bao nhiêu tiền để được no căng bụng trong thích thú? Và định mức bình quân đầu người chúng tôi đặt ra chỉ khoảng 120.000 - 150.000 đồng/người ăn tẹt ga.

Vợ chồng chúng tôi khá dị ứng với việc nài ép mời chào khách. Chúng tôi cho khá nhiều nhân viên nghỉ chỉ vì họ mời mọc khách ăn những thứ đắt tiền và gọi bừa phứa chỉ để tăng doanh thu.

Sau thời gian làm kinh doanh, cảm nhận của anh về nghề này so với nghề báo như thế nào? 

Mỗi nghề đều có những cái thú vị riêng. Cá nhân tôi thì vẫn muốn một ngày nào đó có thể viết được ra loạt bài về kinh doanh nhà hàng từ chính kinh nghiệm của bản thân. Tôi thực sự muốn chia sẻ về việc kinh doanh một cách thật lòng và cởi mở.Nếu ai đó rút ra được điều gì bổ ích từ những bài viết của mình, những chia sẻ của mình thì công việc kinh doanh của tôi sẽ giống như một bài báo sống.

Cảm ơn anh!

Ông chủ của 6 nhà hàng

Năm 2013, Hoàng Anh Tú cùng vợ mở nhà hàng kinh doanh hải sản đầu tiên với thương hiệu Hải sản 3 Yêu tinh (“3 Yêu tinh” chính là cách anh gọi yêu 3 đứa con của mình). Trong vòng hai năm (2013 và 2014), anh mở thêm 3 cơ sở nữa. Hiện nay, hệ thống hải sản “3 Yêu tinh” bình quân đạt doanh thu 3 tỷ đồng/tháng. 

Năm 2015, vợ chồng Hoàng Anh Tú quyết định lập ra một thương hiệu mới: Thai Deli chuyên về đồ Thái với “mong muốn thử thách và vượt qua thử thách”. Năm 2016, Thai Deli mở thêm 2 cơ sở. Hoạt động kinh doanh của hệ thống Thai Deli kém hơn một chút do đang là điểm trũng của ngành ăn uống tại Hà Nội (tháng 5-6-7) nhưng vẫn đạt doanh số khả quan nhờ việc tung ra những gói buffet 45 món Thái với giá chỉ 199.000 đồng/người.

Năm 2017, vợ chồng Hoàng Anh Tú quyết định tiếp tục mở ra một thương hiệu mới trong lĩnh vực rèm là Love is You với mục tiêu 3 tỷ/tháng. Rèm thiết kế Love is You bắt đầu nhận đơn hàng chạy thử từ tháng 4/2017. Đến nay vẫn chưa khai trương nhưng đã cán mốc doanh thu 1 tỷ đồng/tháng, số lượng nhân sự tăng gấp đôi. Nhờ chiến lược giá rẻ hơn 30% so với thị trường trong khi vẫn đảm bảo chất lượng vải nhập khẩu đi kèm với năng lực thiết kế tốt đã khiến Love is You bị quá tải và vợ chồng Hoàng Anh Tú dự kiến phải mở thêm nhà xưởng thứ hai trong tháng 7 tới.

Người khai sinh ra cụm từ “thế hệ 8X”

Hoàng Anh Tú bắt đầu sự nghiệp viết lách từ khi còn là học sinh và nổi danh sớm trong văn đàn học trò từ những năm 1994 trong Hội bút Hương đầu mùa báo Hoa học trò cùng thế hệ với Trang Hạ, Phong Điệp, Bình Nguyên Trang... Hoàng Anh Tú trở thành phóng viên - biên tập viên báo Hoa học trò khi còn ngồi ghế nhà trường. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp ĐH Sân khấu Điện ảnh, anh đã chính thức đầu quân vào báo Hoa học trò và trở thành Thư ký tòa soạn ấn phẩm Hoa học trò 2!- người đã khai sinh ra cụm từ “thế hệ 8X” từ chính tờ báo mình quản lý. 

Năm 2006, Hoàng Anh Tú trở thành Trưởng ban Biên tập phụ trách 2 ấn phẩm Hoa học trò 2! và 2! Đẹp, cùng nhiều tủ sách của báo Sinh viên Việt Nam - Hoa học trò.

Hoàng Anh Tú vừa làm báo vừa viết sách - viết kịch bản phim với hơn 20 đầu sách cá nhân và phim điện ảnh như: Chiến dịch trái tim bên phải, Ngủ với hồn ma (phim nhựa), Tuổi dậy thì” (phim sitcom). Bên cạnh đó, Hoàng Anh Tú phụ trách chuyên mục Giải đáp thắc mắc tuổi mới lớn với tên gọi Chánh Văn từ năm 2000 - 2012 và là khách mời quen thuộc của nhiều chương trình truyền hình trong các lĩnh vực về giới trẻ - hôn nhân gia đình - điện ảnh - dạy con...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.