Công ty CP Đầu tư Đèo Cả vừa phát đi thông tin về việc điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng hầm đường bộ tại trạm thu phí Đèo Cả áp dụng từ ngày 1/4/2019. Theo đó, mức giá vé thấp nhất theo lượt đối với xe nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng) là 90.000đồng/lượt, giá vé cao nhất là loại xe nhóm 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng container 40fit) là 240.000 đồng/lượt.
Biểu giá cụ thể như sau:
Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cũng cho biết, mức giá ban hành căn cứ theo quy định của Thông tư 60/2018 của Bộ GTVT và phụ lục hợp đồng 09 ngày 13/3/2019 được ký kết giữa Bộ GTVT và liên danh nhà đầu tư.
Cũng theo Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả được khởi công năm 2012 có tổng chiều dài 13.190m, điểm đầu tại Km1353+150 (Quốc lộ 1A, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), điểm cuối tại Km 1374+525 (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).
Trong đó, tuyến hầm Đèo Cả dài hơn 4km, tuyến hầm Cổ Mã dài 500m và 8.565 m đường dẫn. Mỗi tuyến hầm đều có 2 ống hầm được thiết kế cách nhau 30m, mỗi hầm rộng 9,75 m, gồm hai làn xe cùng với dải an toàn và hành lang bảo dưỡng hầm, tốc độ thiết kế 80 km/giờ.
Dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư ban đầu là 15.603 tỷ đồng, tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhà đầu tư đã nghiên cứu điều chỉnh thiết kế tối ưu, rút ngắn chiều dài hầm từ 5,7km xuống 4,3km, tiết giảm tổng mức đầu tư từ 15.603 tỷ đồng xuống còn khoảng 11.000 tỷ đồng. Số tiền tiết giảm gần 4.000 tỷ đồng đã được Bộ GTVT điều chuyển đầu tư cho dự án xây dựng hầm đường bộ Cù Mông.
Sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác (tháng 8/2017), công trình đã rút ngắn thời gian lưu thông từ Khánh Hòa đến Phú Yên xuống còn 10 phút, thay vì 45 phút đi đường đèo, giải quyết triệt để và xóa bỏ những điểm đen nguy hiểm, dễ ùn tắc giao thông trên tuyến QL1 khu vực dự án.
Để hoàn vốn cho dự án, trạm thu phí Đèo Cả được Bộ GTVT cho phép thu phí từ ngày 3/9/2017 theo phụ lục hợp đồng số 05 ngày 1/8/2017 giữa Bộ GTVT và liên danh nhà đầu tư với mức giá vé hiện đang áp dụng Thông tư số 35/2016 của Bộ GTVT. Tuy nhiên, trong Thông tư 35/2016 của Bộ GTVT chỉ có một biểu giá tối đa áp dụng chung cho cả dự án đường quốc lộ, cầu và hầm đường bộ. Trong khi, hầm đường bộ Đèo Cả có tổng mức đầu tư lớn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng do áp dụng chung biểu giá thu phí với các dự án cầu, đường trong Thông tư 35/2016 nên dù mức phí được áp dụng kịch trần cũng không đảm bảo phương án tài chính khiến nhà đầu tư bị thua lỗ.
Cụ thể, Thông tư 35 quy định biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ theo lượt đối với xe nhóm 1 (52.000 đồng/vé/lượt), xe nhóm 2 (70.000 đồng/vé/lượt), xe nhóm 3 (87.000 đồng/vé/lượt), xe nhóm 4 (140.000 đồng/vé/lượt) và xe nhóm 5 (200.000 đồng/vé/lượt).
Theo đại diện Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, do quy định của Thông tư 35/2016 nên dự án hầm Đèo Cả không thể điều chỉnh áp dụng mức giá theo hợp đồng BOT từ 1/1/2018, khiến dự án thua lỗ. “Tính toán thực tế cho thấy, từ ngày 1/1/2018 đến 1/10/2018, dự án lỗ khoảng 65,7 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng 7,3 tỷ đồng”, đại diện Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết.
Để khắc phục bất cập, ngày 21/12/2018, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 60/2018 về việc điều chỉnh bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016, trong đó đã quy định biểu giá cho dịch vụ sử dụng hầm đường bộ (công trình hầm có suất đầu tư cao hơn rất nhiều so với công trình đường bộ), đồng thời ngày 13/3/2019 Bộ GTVT và liên danh nhà đầu tư đã ký Phụ lục hợp đồng số 09/PLHĐ-26/HĐ.BOT-BGTVT trong đó điều chỉnh giá vé tại trạm thu phí Đèo Cả kể từ ngày 1/4/2019 theo biểu giá nêu trên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận