Nguồn thu trực tiếp không phản ánh hết hiệu quả của một sân bay
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia hàng không khẳng định, đề xuất của tỉnh Quảng Nam hoàn toàn khả thi.
“Nói về hiệu quả của việc kêu gọi tư nhân đầu tư vào sân bay này thì phải nói rõ nhìn từ khía cạnh nào. Nếu chỉ nhìn ngắn hạn, phiến diện sẽ bảo không hiệu quả. Như sân bay Vân Đồn, dù đã được đầu tư rất tốt, khai thác bài bản, được các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, khách đi máy bay đánh giá cao. Nhưng nếu đặt câu hỏi với số chuyến bay như hiện nay, trong 5 năm tới liệu thu có đủ chi không? Chắc chắn là không”, vị chuyên gia nói.
Cũng theo chuyên gia này, nếu chỉ nói hiệu quả trong phạm vi hoạt động hàng không, thu từ hàng không bao gồm cả vận tải và cho thuê mặt bằng ở Vân Đồn hiện tại, chắc chắn không đủ để chi cho bộ máy đang vận hành sân bay này. Tuy nhiên, hiệu quả với tỉnh Quảng Ninh, với KT-XH Quảng Ninh là vô cùng lớn và không thể phủ nhận. Quảng Ninh sẽ không bao giờ tính được bằng tiền rằng nhờ sân bay Vân Đồn họ sẽ tăng được thu hút đầu tư, kích cầu du lịch… như thế nào.
Phía nhà đầu tư, nếu chỉ tính doanh thu từ hàng không thì thu không đủ bù chi. Nhưng họ chắc chắn sẽ có những cái lợi gián tiếp cho các dự án khác đã và đang đầu tư tại Quảng Ninh cũng như cái lợi lâu dài từ chính sân bay Vân Đồn.
“Tôi muốn nhấn mạnh, đừng nhìn sân bay chỉ từ khía cạnh đơn thuần một sân bay. Bởi, sân bay có vai trò rất quan trọng trong phát triển KT-XH. Hay nói cách khác, nếu Sun Group nhìn Vân Đồn chỉ đơn thuần là đầu tư một sân bay, họ sẽ không làm. Nếu FLC nghĩ rằng cho không hệ thống đèn của sân bay Côn Đảo mà không được gì, chắc họ cũng không đề xuất. Họ phải nhìn rộng hơn, nhìn dài hơi hơn, thậm chí họ nhìn thấy cái mà những người khác không nhìn thấy. Với Chu Lai cũng vậy, tiềm năng là vô cùng lớn”, chuyên gia khẳng định.
Nhiều nhà đầu tư lớn ngấp nghé
Trao đổi với Báo Giao thông về đề xuất để tư nhân đầu tư vào Chu Lai của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch HĐQT TCT Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh cho hay, theo quy hoạch, sẽ phát triển Chu Lai là một trong những cửa ngõ quốc tế, một trung tâm trung chuyển hàng hoá. Vai trò của Chu Lai rất quan trọng của hệ thống cảng.
“Phía ACV đã lên kế hoạch chi hơn 56 nghìn tỷ đồng cho 15 cảng hàng không trọng điểm trong giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có CHK Chu Lai (hiện đang được quản lý, khai thác bởi ACV). Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở Quyết định 236 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, hiện tại, Bộ GTVT đang triển khai lập quy hoạch điều chỉnh Quy hoạch CHK quốc tế Chu Lai giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, việc ACV đầu tư như thế nào vào sân bay Chu Lai còn phụ thuộc vào Quy hoạch điều chỉnh này”, ông Thanh nói và khẳng định: Về chiến lược, Chu Lai vẫn là cửa ngõ quốc tế và là trung tâm trung chuyển hàng hoá bằng đường hàng không lớn nhất. Do vậy, việc để tư nhân đầu tư toàn bộ cảng này cần phải được cân nhắc trong chủ trương chính sách chung về xã hội hoá đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không.
Được biết, đã có một số doanh nghiệp tư nhân đề xuất đầu tư dự án nâng cấp sân bay Chu Lai. Đáng chú ý, từ năm 2016, Vietjet đã đề xuất lên Bộ GTVT làm nhà đầu tư dự án đầu tư, nâng cấp sân bay Chu Lai. Hãng này thậm chí đã thuê Tập đoàn Parsons (Mỹ) xây dựng phương án tổng thể nâng cấp sân bay Chu Lai với tổng mức đầu tư tới 20.000 tỷ đồng, phân kỳ dự án chia thành nhiều giai đoạn.
Cuối năm 2019, Tập đoàn Vingroup cũng đã đề xuất Chính phủ được xây dựng CHK Chu Lai mới để thay thế cảng cũ với tổng vốn đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh). Theo đó, nhà đầu tư sẽ bỏ chi phí đầu tư xây dựng sân bay mới. Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư sở hữu và được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định. Hết thời hạn, nhà đầu tư chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Vingroup cũng đề nghị đầu tư một khu đô thị sân bay Chu Lai quy mô hơn 1.000ha với tổng vốn hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Cũng trong thời gian này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ GTVT khẩn trương tổ chức triển khai lập điều chỉnh quy hoạch CHK Chu Lai, lựa chọn phương án tối ưu đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH của địa phương.
Theo Phó Thủ tướng, Chu Lai đã được quy hoạch đến giai đoạn năm 2030 là cảng hàng không quốc tế, với công suất 5 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, đến năm 2030, theo quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, yêu cầu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) gấp trên 2,5 lần năm 2020. Trong đó, về GTVT hàng không sẽ khai thác, sử dụng có hiệu quả và đầu tư nâng cấp mở rộng CHK quốc tế Chu Lai để dần chuyển thành trung tâm trung chuyển hàng hóa và sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay tầm cỡ khu vực.
Vì vậy, Phó Thủ tướng khẳng định, việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch CHK Chu Lai là cần thiết, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung.
Sân bay Chu Lai thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai.
Sân bay này được Mỹ xây dựng trong thời kỳ chiến tranh. Sau khi Khu kinh tế mở Chu Lai được thành lập, đầu năm 2004, nhà ga hành khách và các trang thiết bị khác nhằm phục vụ cho khai thác các chuyến bay thương mại đã được khởi công xây dựng và lắp đặt tại Chu Lai.
Sân bay Chu Lai là sân bay dự bị cho các sân bay khác trong vùng và khu vực. Trong bán kính 3.000km, sân bay Chu Lai là trung tâm của các vùng kinh tế năng động nhất Đông Nam Á và Tây Á.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận