Xã hội

Từ vụ khách sửa Macbook bị truy cập dữ liệu: Cách bảo mật thiết bị cá nhân

22/09/2021, 13:51

Chuyên gia hướng dẫn cách bảo mật khi mang máy tính, điện thoại đi sửa để tránh bị truy cập dữ liệu như trường hợp xảy ra tại FPT Shop…

Trước thông tin FPT Shop vừa sa thải nhân viên thâm nhập dữ liệu của khách hàng khi sửa MacBook, trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia công nghệ chia sẻ hướng dẫn bảo mật thông tin khi mang thiết bị cá nhân đi sửa chữa, bảo hành.

img

Chuyên gia khuyến cáo khách hàng cần thoát hết các tài khoản trên máy tính, điện thoại trước khi mang đi sửa chữa bên ngoài

Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Chiến lược, Công ty An ninh mạng Viettel lưu ý, trước khi mang mang thiết bị đi sửa chữa bên ngoài, khách hàng cần thoát tất cả các tài khoản trên máy.

Cụ thể, Apple ID/iCloud với MacOS, iOS; Microsoft Account với Windows; Google Account với Android.

Ngoài ra, các tài khoản email cá nhân, tài khoản mạng xã hội và các tài khoản đăng nhập sẵn trên máy khác như Email công ty, Chat,...cũng cần được đăng xuất.

Nếu máy vẫn bật được, cần sao lưu các dữ liệu quan trọng trước khi mang đi sửa. Cụ thể, với laptop, cần sao lưu ra ổ cứng di động gắn ngoài hoặc sử dụng các dịch vụ lưu trữ cloud uy tín.

Với điện thoại thì sao lưu ra máy tính hoặc đồng bộ lên các dịch vụ cloud.

“Trong trường hợp bất khả kháng, thiết bị không thể bật được thì nên yêu cầu cửa hàng tháo ổ cứng và đưa lại cho bạn trước khi sửa chữa đối với laptop; hoặc ký cam kết về đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân của khách hàng đối với điện thoại hoặc laptop không tháo được ổ cứng.

Một số trung tâm bảo hành có thể yêu cầu khách sao lưu dữ liệu trước khi mang đi sửa và không chịu trách nhiệm về dữ liệu khách hàng, người dùng nên cân nhắc trước khi sử dụng dịch vụ sửa chữa”, ông Nam khuyến cáo.

Cũng theo vị chuyên gia, khách hàng nên sử dụng các dịch vụ lưu trữ dạng điện toán đám mây uy tín, đảm bảo an toàn (như Apple iCloud, Microsoft OneDrive hay Google Drive) để đồng bộ liên tục các dữ liệu quan trọng, tránh các trường hợp hỏng thiết bị ngoài ý muốn.

Đồng thời bật các yếu tố bảo mật về đăng nhập như xác thực đa lớp, xác minh tài khoản theo thiết bị, vị trí địa lý.

“Các thông tin cá nhân nhạy cảm, quan trọng (thông tin tài khoản, thẻ,...) không nên lưu dạng văn bản (clear text) mà nên lưu trữ an toàn có sử dụng mật khẩu hoặc sử dụng các ứng dụng quản lý thông tin và mật khẩu uy tín như Lastpass, 1Password, PasswordKeeper,...”, ông Nam lưu ý.

Trước đó, đại diện FPT Retail cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh nhân viên tại FPT Shop số 54 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội tự ý truy cập thông tin khi sửa MacBook cho khách hàng, Công ty đã sa thải các cá nhân sai phạm.

“Để khắc phục, giám đốc Kỹ thuật của FPT Shop đã xóa tất cả dữ liệu liên quan đến khách hàng trên máy của nhân viên vi phạm. Đồng thời, chúng tôi cũng nhờ sự hỗ trợ từ Apple để đảm bảo dữ liệu được xóa hoàn toàn trên các thiết bị này, không thể khôi phục và sẽ tiếp tục theo dõi trong thời gian tới”, vị đại diện nói và cho biết: “Dù là vi phạm cá nhân của nhân viên nhưng Công ty đã sẵn sàng bồi thường thiệt hại tinh thần cho khách hàng.

FPT Shop cam kết bảo toàn thông tin dữ liệu của khách hàng, mọi vi phạm đạo đức nghề nghiệp như trường hợp này, đều sẽ nhờ pháp luật can thiệp xử lý nghiêm khắc”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.