Pháp luật

Tướng Phạm Xuân Quắc và chuyện bắt những ông “trùm”

12/11/2017, 06:23

Hơn 10 năm làm Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, tướng Phạm Xuân Quắc là khắc tinh của các băng nhóm tội phạm...

3

Tướng Phạm Xuân Quắc và vợ

Tên tuổi của ông gắn liền với nhiều chiến công huyền thoại. Giờ đây, khi đã ở tuổi thất thập, ông vẫn đi lại giữa ngôi nhà ở TP Hải Dương và ngôi nhà giữa bạt ngàn vải thiều ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

41 năm gắn với nghề hình sự

Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc tiếp chúng tôi trong căn nhà nằm trên phố Lương Thế Vinh (TP Hải Dương). Ở tuổi thất thập, ông vẫn còn tráng kiện lắm, giọng nói sang sảng, khúc chiết nhưng không hề giữ gìn câu chữ. Ở ông luôn toát lên thần thái của một vị tướng cầm quân đích thực. Đặc biệt nhất là mái tóc bạc trắng từ thời ông còn công tác tới nay vẫn vậy, nó không vào nếp hay rủ xuống như những người khác mà luôn dựng lên như những ngọn cờ lau. Dù vẫn một mực không muốn nhắc lại chuyện cũ nhưng khi người đối chuyện khơi gợi lại những vụ án lớn nhất, những tên tội phạm sừng sỏ nhất một thời, ký ức của vị tướng già ùa về và ông đã cởi lòng mình.

Các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen vươn vòi bạch tuộc ra khắp các lĩnh vực lần lượt bị triệt phá dưới thời tướng Quắc cầm quân. Từ một thời kỳ giang hồ lộng hành, tới nay không còn một ổ nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” còn tồn tại. Tuy nhiên, điều trăn trở của tướng Quắc là sự trẻ hóa của tội phạm ngày nay, những tên tội phạm không cần sự lọc lõi, chẳng cần nhiều “ong ve”, chân rết nhưng lại thừa sự manh động.

Ông sinh ngày 15/2/1946 ở xã Tân An, huyện Thanh Hà - một vùng quê đẹp nổi tiếng đất xứ Đông với bạt ngàn những vườn vải. Học xong cấp 3, chàng trai Phạm Xuân Quắc vào ngành Công an và gắn bó suốt 41 năm cho tới ngày nghỉ hưu (năm 2007). Nghề cảnh sát hình sự gắn bó với tướng Quắc từ những ngày ông mới bước chân vào ngành cho tới khi làm Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Hưng (sau tách ra thành tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên) rồi Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an).

Giai đoạn cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước là thời kỳ những băng cướp tàn khốc nhất lộng hành ở vùng Đông Bắc bộ. Tuyến QL5 chạy từ Hải Phòng lên Hà Nội qua Hải Hưng ngày đó là nỗi ám ảnh của người đi đường. Những băng cướp với vài ba tên bất ngờ xuất hiện chặn xe, nổ súng thị uy, thậm chí sẵn sàng bắn thẳng vào người đi đường để cướp gây nên bao nỗi kinh hoàng. Tướng Quắc ngày đó với vai trò là Thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Hưng đã cùng đồng đội lần lượt triệt phá từng băng, ổ nhóm để đem lại bình yên cho tuyến đường này. Với những thành tích trong đấu tranh chống tội phạm, năm 1993, ông được điều động về làm Cục phó Cục Cảnh sát điều tra, nay là Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra. Sau đó, ông được điều động giữ chức vụ Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) và giữ cương vị này suốt hơn 10 năm cho tới khi về hưu.

Đánh đông, dẹp bắc

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước được coi là thời kỳ mà các ổ nhóm xã hội đen hoành hành khắp trong Nam, ngoài Bắc: Hà Nội có Phúc Bồ, Khánh Trắng; Hải Phòng có Cu Nên, Dung Hà, Lâm Già chia nhau cát cứ. Dải đất miền Trung có Tin “Pales”, TP.HCM là địa bàn của Năm Cam.

Nằm giữa những “ông trùm” ấy là hàng trăm băng, ổ nhóm khác hoạt động độc lập và sẵn sàng triệt hạ, “lấy số” của các băng nhóm tiếng tăm hơn. Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên một bức tranh tội phạm rộng khắp, phức tạp. Nhiệm vụ của tướng Quắc trong suốt thời gian đó là phải cùng đồng đội đập tan những băng, ổ nhóm cộm cán nhất, đồng thời hỗ trợ các địa phương chiến đấu với tội phạm hình sự. Ông cùng đồng đội đã làm được điều đó khi các băng nhóm tội phạm khét tiếng nêu trên lần lượt bị Cục Cảnh sát hình sự tiêu diệt.

Tướng Quắc tâm sự: “Đặc thù của nghề cảnh sát hình sự là những trận đánh liên miên, thậm chí cùng trong một ngày phải đánh nhiều trận. Để có được chiến thắng, người lính hình sự phải biết rõ được từng chân tơ kẽ tóc, phán đoán được đường đi của đối tượng, từ đó đưa ra chiến thuật, chiến lược phù hợp mới giành chiến thắng. Nói đơn giản như vậy nhưng để làm được là lắm công phu, mồ hôi và cả máu, kèm theo một bản lĩnh nghề nghiệp và cái “chất” của nghề”.

Giờ đã nghỉ hưu, không muốn nói về những trận đánh lớn trong đời vì “đó là việc đã qua, báo chí nhắc mãi rồi”, nhưng tướng Quắc lại ấn tượng với đặc tính của những tên tội phạm khác nhau: Khánh Trắng ở Hà Nội, Cu Nên ở Hải Phòng là những tên giang hồ thực thụ theo kiểu võ biền, sẵn sàng cầm dao, súng trực tiếp bắn, chém. Khánh Trắng đâm chết người còn ngông cuồng mang xác đến trước công an phường vứt. Cu Nên sẵn sàng vác súng đi khắp nơi, nhả đạn vào đối thủ bất cứ khi nào hắn thấy “ngứa mắt”. Trong khi đó, Năm Cam lại có phong thái nhã nhặn, từ tốn trong từng lời ăn, tiếng nói nhưng phía sau lại chỉ đạo đàn em bắn, giết không nương tay. Tin “Pales” có sự hiểu biết của một công tử được học hành bài bản (vì là con của Đại sứ Việt Nam tại Palestin).

“Đối phó với mỗi băng nhóm giang hồ này cần một chiến thuật, chiến lược khác nhau. Khi đó, mỗi khi họp án tôi đều yêu cầu cấp dưới báo cáo tỉ mỉ về quá trình trinh sát, lên phương án cụ thể, chi tiết vì các băng, ổ nhóm chúng tôi triệt phá đều có chân rết rộng khắp, thậm chí có tai mắt ở trong chính quyền và lực lượng công an”, ông kể.

Hơn 10 năm làm Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, tướng Quắc đã ký lệnh bắt hàng nghìn tên tội phạm. Tuy nhiên, trong những năm đó, chính tay ông cũng ký lệnh bắt nhiều cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng công an, chính quyền tha hóa đạo đức, vi phạm pháp luật, tiếp tay cho tội phạm. “Đó là điều đau xót nhưng không thể không làm”, tới nay, sau nhiều năm tướng Quắc vẫn một mực khẳng định như vậy.

Ông nhắc tới những day dứt khi nói về vụ triệt xóa băng nhóm Năm Cam cùng đồng bọn: “Thằng bạn cùng quê với tôi khi đó là lãnh đạo công an quận ở TP.HCM. Quá trình thu thập chứng cứ thấy nó liên quan, dù rất đau xót tôi vẫn phải báo cáo vụ việc lên cấp trên để xử lý. Sau đó, nó cùng nhiều người khác bị cách chức, đuổi khỏi ngành”.

Phía sau một vị tướng

Trong suốt cuộc nói chuyện của chúng tôi với vị tướng già, có một người phụ nữ khuôn mặt đôn hậu lặng lẽ ngồi nghe, thi thoảng nhắc tướng Quắc chỉnh lại tư thế (ông Quắc hiện bị gai đốt sống lưng). “Tôi may mắn lấy được hoa khôi của làng. Bà ấy là tướng của tôi. Mấy chục năm bà ấy lo toan mọi việc để tôi yên tâm công tác”, tướng Quắc dí dỏm.

Vợ ông là bà Đỗ Thị Ưng. Ông bà lấy nhau khi mới ngoài 20 tuổi. Khi ông Quắc lên công tác ở Công an tỉnh Hải Dương, bà Ưng chuyển công tác lên TX Hải Dương (nay là TP Hải Dương) để gần chồng, chăm con. Tới khi ông lên nhận công tác tại Hà Nội, bà lại khăn gói theo chồng. Khi nghỉ hưu, ông bà về lại quê Hải Dương sống vui hưởng tuổi già.

Không biết nhiều về công việc của chồng thời còn đương chức, nhưng mỗi bước thăng trầm của tướng Quắc đều gắn với cuộc đời bà Ưng. “Ông ấy tính ngang tàng lắm. Ngày làm vụ triệt phá ổ nhóm Khánh Trắng, ông ấy vẫn hàng ngày đi bộ, khi thì đi xe máy đến chỗ làm. Mỗi khi ông ấy đi, tôi lo lắm. Tôi bảo ông ấy cẩn thận, đề phòng nhưng ông ấy chỉ cười. Tới khi ông ấy về hưu, vợ chồng về quê sống tôi mới thôi thấp thỏm mỗi khi ông ấy ra khỏi nhà”, bà Ưng tâm sự.

Vợ chồng tướng Quắc có bốn người con. Một người đang định cư ở nước ngoài, còn 3 người đang làm ở các cơ quan khác nhau và đều thành đạt, con cái đề huề. “Lính hình sự thời gian ở cơ quan, ở ngoài đường nhiều gấp mấy lần ở nhà. Mấy chục năm, việc nhà, việc nuôi dạy con cái tôi gần như “khoán” cho bà ấy. Rất may là cả bốn đứa con tôi đều ăn học nên người”, tướng Quắc tâm sự.

Đã ngoài 70 tuổi, không còn quan tâm nhiều tới thời cuộc, tướng Quắc giờ đây vui hưởng tuổi già với việc đi lại giữa 2 ngôi nhà (một ở TP Hải Dương và một ngôi nhà khác được ông xây ở quê Thanh Hà). Ngôi nhà ở quê của ông nằm giữa mấy sào vải xanh mướt, có ao cá, vườn hoa là nơi hàng tuần ông đều về.

Ngồi trò chuyện cùng tướng Quắc chưa đầy 1 giờ, thấy ông nhận được nhiều cuộc điện thoại. “Mấy thằng em, ngày xưa là lính dưới quyền tôi giờ giữ chức to ở nhiều địa phương. Chúng mời tôi đến chơi nhưng giờ mình già rồi, không đi thường xuyên được, đi thăm hết “bọn nó” thì mệt lắm. Mấy năm trước thỉnh thoảng còn đi, giờ chỉ nói mày về đây ăn vải tao trồng, ăn cá tao nuôi”, vị tướng già cười sảng khoái.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.