Chiều 1/10, tại cuộc họp báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM thường kỳ tháng 9 và 9 tháng năm 2024, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã có những chia sẻ về tiến độ thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.
Ông Lâm cho biết, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đã được quy hoạch từ rất lâu; là tuyến đường kết nối ga Thủ Thiêm với Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai).
Hiện, Bộ GTVT đang nghiên cứu, tiếp xúc nhà đầu tư, có thể thực hiện theo hướng dự án PPP hoặc ODA.
Ông Lâm nói thêm, theo thông tin mới nhất từ Bộ GTVT, trong năm 2024, dự án sẽ được thông qua chủ trương đầu tư với chiều dài khoảng 36km và mức đầu tư khoảng 3,4 tỷ USD. Dự án này dự kiến hoàn thành trước năm 2030.
Theo kế hoạch, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có điểm đầu là ga Thủ Thiêm (phường An Phú) Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối là sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Tuyến đường sắt này phần lớn chạy song song với cao tốc TP.HCM - Long Thành, đoạn qua TP.HCM dài khoảng 11,8km.
Dự kiến, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành có 20 ga, bao gồm ga trong sân bay Long Thành. Depot bố trí phía đông sân bay Long Thành, tại xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai).
Về các tuyến đường vành đai, ông Lâm chia sẻ, trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên TP tập trung triển khai, thông qua các tuyến đường vành đai 2, 3, sắp tới là đường Vành đai 4. Đây là điều khiến ngành giao thông rất phấn khởi.
Về tiến độ, đối với dự án Vành đai 2, chiều dài tuyến là 60km, đến nay, còn khoảng 14km chưa hoàn thành (đi qua địa bàn TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh). Trong đó, đoạn Vành đai 2 trên địa bàn TP Thủ Đức đã được triển khai, các đơn vị đang tập trung bồi thường giải phóng mặt bằng, phấn đấu khởi công trong quý II/2025.
Đoạn Vành đai 2 ở huyện Bình Chánh đã được nghiên cứu, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh nhiệm vụ, cân đối nguồn vốn; nếu thuận lợi, trong kỳ họp sắp tới sẽ trình chủ trương đầu tư. Theo ông Lâm, dự án dự kiến khởi công trong năm 2025, phấn đấu năm 2026 cơ bản khép kín Vành đai 2.
Với dự án Vành đai 3, việc giải phóng mặt bằng gần như hoàn thành, đạt hơn 99%. Dự án này đang bám sát tiến độ, những khó khăn về vật liệu cát đã được tháo gỡ. Theo kế hoạch, năm 2026 sẽ hoàn thành dự án cùng với các tỉnh thành khác.
Riêng dự án Vành đai 4, trước đây Chính phủ chia 5 đoạn trên 5 tỉnh thành gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Đồng Nai và TP.HCM. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc, đặc biệt các tỉnh như Long An, Đồng Nai gặp khó khăn về nguồn vốn, cần có những cơ chế để đẩy nhanh tiến độ như các tuyến cao tốc Bắc Nam, Vành đai 3...
Trước những trăn trở này, TP.HCM đã làm việc với nhiều bộ ngành, kiến nghị Thủ tướng, đứng ra đảm nhận là cơ quan đầu mối, lập tổng thể để trình chủ trương chung.
"Sáng nay, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp, thống nhất phương án TP.HCM sẽ chủ trì trình đề án tổng thể, bao gồm 5 tỉnh thành với 206 km, tổng mức đầu tư 136.000 tỷ đồng, trình Quốc hội vào kỳ họp sắp tới, sau đó phân chia dự án thành phần về các tỉnh", ông Lâm nói.
Ông Lâm cho biết thêm, nếu thuận lợi, được thông qua chủ trương trong năm 2024, vào quý III/2025 sẽ khởi công dự án Vành đai 4 và hoàn thành trong năm 2027 - 2028. "Đây sẽ là tuyến đường chiến lược để kết nối vùng Đông Nam Bộ", ông Lâm đánh giá.
Về đề án phát triển đường sắt đô thị TP.HCM, theo ông Lâm, TP đã báo cáo Thành ủy, UBND, trình đề án tổng thể phát triển mạng lưới đường sắt đô thị từ nay đến năm 2060. Hiện TP.HCM đang hoàn chỉnh đề án, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội trong năm để thông qua chủ trương.
"Đề án này sẽ hoạch định phương án, lộ trình đầu tư. Trong đó có 31 cơ chế chính sách, gồm gồm 19 cơ chế trình Quốc hội và 12 cơ chế trình Thủ tướng. Đây gần như là luật riêng để rút ngắn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc... chỉ dành cho dự án đường sắt đô thị", ông Lâm chia sẻ.
Nói về lộ trình thực hiện, ông Lâm dự kiến, từ năm 2025 - 2026 sẽ là giai đoạn chuẩn bị, lập đề án tiền khả thi, khả thi; năm 2027 bắt đầu triển khai, phấn đấu hoàn thành một số tuyến trước năm 2030 và hoàn thành 184km metro vào năm 2035.
Đối với dự án cảng Cần Giờ, dự án này có hai nội dung lớn. Đầu tiên là đề án phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, thành phố đã hoàn thiện đề án, Bộ GTVT cũng đã thẩm định xong và trình Chính phủ. Dự kiến Chính phủ sẽ ban hành, phân công nhiệm vụ để các bộ, ngành tập trung triển khai đồng bộ, phát triển dự án xây dựng cảng.
Nội dung thứ hai là đầu tư cảng Cần Giờ, hiện TP.HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì làm đầu mối; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất thẩm định, phấn đấu hoàn thành, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 10/2024. Sau đó, sẽ thực hiện các nội dung tiếp theo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận