Bóng đá

Tuyển thủ Việt Nam và nỗi lo quá tải

01/07/2019, 06:58

Nhiều tuyển thủ Việt Nam có dấu hiệu bị quá tải sau thời gian cày ải liên tục.

img
Trần Đình Trọng (trái) liên tục cày ải ở CLB và đội tuyển quốc gia

Nhiều tuyển thủ Việt Nam đang rơi vào tình trạng quá tải sau 1,5 năm cày ải liên tục. Từ đó, phong độ của họ không thực sự tốt nhưng nguy hiểm hơn là tiềm ẩn nguy cơ chấn thương.

Già néo đứt dây

Cuối tháng 6 vừa qua, trung vệ Trần Đình Trọng của Hà Nội FC đã trải qua ca phẫu thuật tại Singapore chữa trị chấn thương dây chằng. Cầu thủ quê Gia Lâm dính chấn thương đứt nửa phần dây chằng chéo trước và dập dây chằng bên mác trong trận gặp HAGL tại vòng 12 V-League 2019. Đáng nói hơn, Đình Trọng không hề va chạm mạnh với cầu thủ đối phương, nói cách khác là tự chấn thương. Đây là một trong những biểu hiện của việc quá tải, nền tảng thể lực đi xuống.

Chịu chung cảnh ngộ với Đình Trọng là Phan Văn Đức, anh chấn thương trong một buổi tập khi vừa hồi phục chấn thương và chắc chắn phải chia tay mùa giải năm nay. Theo thông tin từ CLB SLNA, tiền vệ này bị đứt dây chằng chéo đầu gối, buộc phải phẫu thuật mới có thể thi đấu trở lại. Trước đó, Văn Đức cũng gần như nghỉ hết giai đoạn lượt đi V-League 2019, chỉ ra sân đúng một trận cho đội bóng xứ Nghệ.

Mới nhất, tiền đạo Hà Đức Chinh cũng được xác định sẽ nghỉ từ 2-3 tháng để điều trị chấn thương cổ chân. Chân sút quê Phú Thọ gặp vấn đề từ vòng loại U23 châu Á 2020 diễn ra hồi tháng 3 năm nay nhưng nén đau thi đấu, dẫn tới chấn thương trở nên phức tạp. Tin xấu liên tiếp ập xuống các cậu trò cưng của HLV Park Hang-seo không quá ngạc nhiên bởi cả Đình Trọng, Đức Chinh lẫn Văn Đức đều cày ải liên tục cả trong màu áo CLB lẫn đội tuyển.

Không riêng bộ ba trên, nhóm cầu thủ trụ cột từng làm nên kỳ tích ở Thường Châu (giải U23 châu Á 2018) gồm: Nguyễn Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh, Đoàn Văn Hậu… gần như không được nghỉ ngơi bởi lịch thi đấu dày đặc. Theo thống kê của chuyên trang thống kê uy tín Soccerway, Quang Hải thi đấu tới 77 trận từ tháng 1/2018 đến nay. Riêng năm 2018, Hải thi đấu cả thảy gần 60 trận. Duy Mạnh thậm chí còn thi đấu nhiều hơn với 84 trận trong cùng quãng thời gian kể trên. Văn Đức, Văn Hậu, Tiến Dũng, Đức Chinh cũng đều chơi ngót nghét 60 trận. Riêng Đình Trọng chỉ chơi 43 trận nhưng đa phần rơi vào năm 2018 bởi đầu năm 2019 anh dính chấn thương và mới trở lại.

Đem những con số này so sánh với hai ngôi sao hàng đầu thế giới, chúng ta sẽ thấy được các tuyển thủ Việt Nam đã bị “vắt sức” như thế nào. Cụ thể, năm 2018 và nửa đầu 2019, Cristiano Ronaldo chơi 72 trận, tức ít hơn Duy Mạnh, Quang Hải. Lionel Messi chơi 89 trận, chỉ hơn cầu thủ thi đấu nhiều nhất của tuyển Việt Nam 5 trận. Cần phải nói thêm, Ronaldo và Messi được hỗ trợ bởi đủ loại khoa học kỹ thuật trong tập luyện, sinh hoạt, thi đấu. Ngược lại, Quang Hải cùng đồng đội gần như chỉ bơi sức mà đá.

Nửa đầu mùa giải 2019, Hà Nội FC chơi sa sút trông thấy. Nguyên nhân do nhóm cầu thủ trụ cột không còn duy trì được cảm giác tốt nhất vì phải thi đấu liên tục. Thậm chí, có giai đoạn Quang Hải còn rơi vào tình trạng chán bóng. Bùi Tiến Dũng của Viettel cũng chơi dưới phong độ với cùng nguyên nhân như trên. Tại King’s Cup 2019, với những cầu thủ nòng cốt này, đội tuyển Việt Nam không thể trình diễn lối đá tốc độ, sắc sảo. Nhưng nguy hiểm hơn, việc các cầu thủ quá tải còn tiềm ẩn nguy cơ chấn thương mà Đức Chinh, Đình Trọng hay Văn Đức là ví dụ điển hình.

Cầu thủ phải tự bảo vệ mình

Theo chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, việc các cầu thủ thi đấu với cường độ cao, suy giảm thể lực dẫn tới chấn thương là điều hết sức bình thường. “Văn Đức mỗi lần lên tuyển trở về CLB đều gấp gáp, không có thời gian nghỉ ngơi hồi phục, phải lao vào tập luyện và thi đấu vì đội bóng xứ Nghệ lực lượng quá mỏng. Đình Trọng là trụ cột không thể thay thế ở U23 Việt Nam, đội tuyển Việt Nam thi đấu các giải quốc tế. Ở Hà Nội FC, cậu ấy cũng chơi rất nhiều giải, dẫn tới nền tảng thể lực không đảm bảo, đến một mức nhất định thì dính chấn thương”.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của mình, bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng, việc các tuyển thủ phải thi đấu nhiều là có, quá tải cũng có nhưng chưa hẳn Đình Trọng, Văn Đức chấn thương là do quá tải. “Bóng đá là môn thể thao vận động và va chạm nên bất kỳ ai cũng có thể chấn thương. So về số trận đấu, Đình Trọng và Văn Đức không chơi nhiều bằng Duy Mạnh, Quang Hải nhưng Mạnh chỉ chấn thương nhẹ còn Quang Hải gần như không chấn thương. Điều này cho thấy, một cầu thủ chấn thương còn phụ thuộc vào cơ địa hay cách chơi. Văn Đức mỏng cơm, lại thi đấu ở vị trí phải di chuyển liên tục nên bị tổn thương cũng dễ hiểu. Cách chơi của Đình Trọng thường vặn người, khiến dây chằng luôn bị căng, dẫn tới đứt”.

Theo ông Tùng, nhằm hạn chế chấn thương cho các tuyển thủ, các CLB phải có thói quen sử dụng và chăm sóc cầu thủ khoa học. “Nhiều CLB vì thành tích, vì thiếu quân số nên cầu thủ dù không đạt trạng thái thể lực tốt nhất hoặc chấn thương nhẹ đều phải ra sân, từ đó có thể dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng. Thế nên, các CLB cần có đội ngũ y tế đạt chuẩn”.

Trong khi đó, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh nhìn nhận, trước khi chờ đợi sự chăm sóc chuyên nghiệp, cầu thủ nên tự bảo vệ mình. “Các cầu thủ, kể cả khi lên tuyển hay ở CLB đều phải biết lắng nghe cơ thể mình. Nếu thấy thể trạng không tốt hoặc phát hiện những chấn thương nhẹ nên chủ động xin không thi đấu, nhằm tránh mọi việc đi quá tầm kiểm soát. Đình Trọng, Đức Chinh hay Văn Đức đều có thể tránh được chấn thương nặng nếu không quá ham ra sân”, ông Vinh nói.

Đồng quan điểm, bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Thủy phân tích: “Chấn thương trong thể thao có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân chứ không hoàn toàn là do quá tải. Để hạn chế chấn thương, cầu thủ nên tự trang bị kiến thức phòng chống tổn thương. Ngoài ra, cầu thủ phải có thể trạng tốt nhất, trang phục phù hợp khi ra sân. Sau mỗi trận đấu cầu thủ cần biết tập phục hồi, nâng cao thể lực”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.