Bà Nguyễn Thị Kim Tiến là nữ Bộ trưởng duy nhất trong bộ máy Chính phủ hiện nay. (Ảnh: VPQH) |
Thảo luận việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới sáng 9/11, nhiều ĐBQH đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của phụ nữ, tuy nhiên, còn băn khoăn khi tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, cán bộ chủ chốt còn thấp.
ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, Chính phủ hiện chỉ có 1 bộ trưởng là nữ, chỉ có 16 tỉnh, thành có lãnh đạo chủ chốt là nữ, tỉ lệ như vậy là thấp. Vì thế, phải có chiến lược cụ thể để nâng cao vai trò của phụ nữ, tạo cơ hội đề bạt, cân nhắc xem xét hoặc không nên tính đến độ tuổi. “Nếu vẫn giữ độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ là 55 tuổi thì tôi đề nghị cách tính năm, tính hàm phải có sự thay đổi thế nào đó để khi nghỉ hưu thì bằng hàm như nam. Ví dụ, nam 3 năm nâng lương một lần, 3 năm nâng một cấp hàm đối với sĩ quan, thì đối với nữ chỉ cần 2,5 năm thôi”, ông Hoàng kiến nghị.
ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) cũng đề nghị cần phân tích, đánh giá kỹ và có giải pháp để nâng tỉ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, làm ĐBQH và HĐND. ĐB Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) nêu thực tế, quy định công thức tính lương hưu của nữ không có lộ trình thay dần 5 năm như của nam giới, dẫn đến số lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn hẳn so với nam giới.
ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng, nước ta đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính. Nếu năm 2006, tỉ lệ nam/nữ là 109/100, thì năm 2017 dự báo là 113/100, tỉ lệ mất cân bằng tăng lên rất nhanh. Theo bà Yến, đến giữa thế kỷ này, dự báo Việt Nam có 2,3-4,3 triệu nam giới ở độ tuổi trưởng thành “dư thừa”. Kinh nghiệm ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ cho thấy, tình trạng này làm nảy sinh nhiều hệ luỵ như “mua” cô dâu nước ngoài, phát sinh nạn hiếp dâm, bạo lực…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận