Uber gặp khó tại Đông Nam Á, Ấn Độ

08/08/2017, 07:00

Công ty cung cấp ứng dụng đặt xe trực tuyến Uber (Mỹ) đang tập trung mạnh vào thị trường Ấn Độ, Trung Quốc...

4

Ola - ứng dụng đặt xe của Ấn Độ

Công ty cung cấp ứng dụng đặt xe trực tuyến Uber (Mỹ) đang tập trung mạnh vào thị trường Ấn Độ, Trung Quốc trong bối cảnh đối mặt nhiều khó khăn, thách thức từ nội bộ đến cạnh tranh với các hãng đối thủ cùng lĩnh vực. 

Nội bộ lục đục, đối thủ cạnh tranh

Uber - công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới (khoảng 70 tỷ USD), đang đối mặt với nhiều vấn đề gây ảnh hưởng tới hình ảnh của hãng nhiều tháng nay như bị cáo buộc tấn công tình dục, phân biệt giới tính và tranh cãi pháp lý dai dẳng về công nghệ xe tự động lái với Waymo của Alphabet.

Tháng trước, Giám đốc điều hành Travis Kalanick - người đồng sáng lập Uber thông báo từ chức khiến Uber như “rắn mất đầu”, thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ lãnh đạo. Hiện nay, Uber vẫn chưa bổ sung được Giám đốc điều hành, Giám đốc Tài chính và Chủ tịch mới điều hành công ty.

Ông Chris Jones, Giám đốc đánh giá tại Công ty nghiên cứu Canalys có trụ sở tại California cho rằng: “Uber phải nhanh chóng ổn định con thuyền. Họ cần một ban lãnh đạo mới, mạnh mẽ và ổn định điều hành trụ sở chính tại Mỹ”. Nếu không, Uber sẽ sớm để mất các khoản đầu tư vào tay của đối thủ tại Mỹ như Lyft và các đối thủ khác trên toàn thế giới.

Hiện nay, các đối thủ của Uber trên thế giới đặc biệt là châu Á đang gia sức kêu gọi vốn. Chẳng hạn, Công ty Grab (Singapore) vừa thông báo Công ty Didi Chuxing và Soft Bank của Trung Quốc sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào Grab trong vòng huy động vốn hiện tại.

Grab dự kiến kêu gọi thêm 550 triệu USD từ các nhà đầu tư, đưa công ty này lên giá trị 6 tỷ USD - tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn nguồn thạo tin cho biết. Như vậy, Grab có thể trở thành công ty khởi nghiệp công nghệ giá trị nhất khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, theo Reuters, Công ty công nghệ Internet Tencent đã đầu tư từ 100 - 150 triệu USD vào Công ty Go-Jek của Indonesia khi công ty này đang tìm kiếm nguồn đầu tư lên tới 1 tỷ USD. Tại Ấn Độ, truyền thông cho biết, công ty cung cấp phần mềm gọi xe Ola có trụ sở tại Bangalore đã kêu gọi 200 - 300 triệu USD đầu năm nay để nâng giá trị của công ty lên 3,5 tỷ USD.

Chiến lược của Uber hướng đến Đông Nam Á và Ấn Độ 

Những diễn biến trên sẽ là mối đe dọa với Uber trong chiến lược phát triển thị trường tại Đông Nam Á và Ấn Độ sau khi hãng này rút khỏi thị trường đầy tiềm năng Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Gần đây, Uber cũng thông báo ý định tiến vào thị trường Campuchia một vài tháng sau khi vừa mở rộng thị trường sang Myanmar.

Tổng giám đốc Uber khu vực Mỹ La-tinh và châu Á - Thái Bình Dương Andrew MacDonald khẳng định, dù đang gặp khó khăn trong vấn đề nội bộ và cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ, công ty này không thay đổi chiến lược phát triển ở cả Đông Nam Á và Ấn Độ, đặc biệt là Đông Nam Á - nơi Uber coi là nguồn lực cho hàng loạt sáng tạo của họ.

Kế hoạch dài hạn của Uber tại châu Á là tiến vào thị trường Hàn Quốc và Nhật, nơi khái niệm đặt xe trực tuyến vẫn còn chưa khai thác triệt để. Giám đốc Công ty nghiên cứu Gartner, Adrian Lee cho biết: “Sự phát triển sẵn có tại thị trường đang nổi Đông Nam Á và Ấn Độ đồng nghĩa khu vực này vẫn là ưu tiên quan trọng hơn bao giờ hết với Uber. Để làm được điều đó, Uber cần củng cố ban lãnh đạo tại thị trường này để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển”. 

Grab là đối thủ mạnh nhất của Uber tại 7 nước Đông Nam Á: Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Philippines và Myanmar. Cuộc đua giành chiến thắng tại thị trường gọi xe qua ứng dụng di động ở Ấn Độ và Đông Nam Á đang rất sát sao nhưng số liệu mới nhất về lượng lượt tải phần mềm cho thấy, Uber đã mất khá nhiều đất cho các đối thủ tính đến năm nay.

Trong nửa đầu năm 2017, tại 6 thị trường lớn nhất ở Đông Nam Á mà Uber - Grab đang cạnh tranh, Grab có hơn 16 triệu lượt tải ứng dụng, trong khi đó Uber có 9,9 triệu lượt - theo dữ liệu từ công ty phân tích ứng dụng điện thoại có trụ sở tại San Francisco. Riêng tại thị trường Indonesia, Uber vượt ứng dụng Go-Jek với tương đương 9 triệu lượt so với 5,5 triệu lượt. Tại Ấn Độ, ứng dụng Ola nhận được 26 triệu lượt tải trong cùng kỳ còn Uber có 12 triệu lượt. 

Nhà phân tích Jones cho biết: “Các đối thủ cạnh tranh đã quan sát thành công của Uber tại Mỹ và dập khuôn mô hình này tại các thành phố lớn trên thế giới. Vì vậy, Uber hiện đã không còn giữ được vị trí công ty đi đầu tại tất cả các thị trường. Bản thân hãng này cũng nhận thấy họ rất khó để có thể thế chỗ các nhà cung cấp ứng dụng tại địa phương”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.