Vận tải

Uber, Grab phá vỡ quy hoạch vận tải khách công cộng

11/01/2017, 09:56
image

Trong khi số lượng taxi truyền thống bị khống chế theo quy hoạch từ năm 2012 thì xe Uber, Grab lại đang thoải mái...

7

Xe taxi truyền thống và không thương hiệu dừng đón khách không đúng quy định trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: Linh Hoàng

Taxi truyền thống bị “siết”, Uber, Grab mặc sức tăng

Có việc ra sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), PV Báo Giao thông đã “mục sở thị” cái gọi là tắc đường giờ cao điểm trên đường Cộng Hòa, Trường Sơn. Bác tài nói như thanh minh: “Chị thấy đó, ba làn xe trên đường đều kẹt cứng. Xe ô tô nối đuôi nhau, chạy nhanh thế nào được? Nhiều người cứ đổ cho taxi gây tắc đường nhưng hơn 11 nghìn taxi hoạt động ăn thua gì. Uber, Grab mới nhiều”, bác tài nói và bức xúc: Cứ vào đến sân bay sẽ thấy rõ thôi. Taxi đâu có nhiều bằng xe không phù hiệu. Trong số xe không phù hiệu thì có ai xác định được bao nhiêu xe Uber, Grab lẫn trong đó?

Về vấn đề này, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Văn Thắng, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Mai Linh cho biết, số lượng taxi truyền thống vào sân bay đều được đăng ký rõ ràng và cũng không nhiều. Tuy nhiên, dạo một vòng tại sảnh Tân Sơn Nhất sẽ thấy số lượng xe không có phù hiệu dày đặc.

“Xe taxi truyền thống đón, trả khách và đi ngay, nhưng xe cá nhân và xe không phù hiệu đứng đầy ở sảnh chờ đón”, ông Thắng nói và cho biết thêm: Không khó để nhận biết xe nào là xe cá nhân, xe nào là xe Uber, Grab bởi trong các xe Uber, Grab có gắn điện thoại thông minh…

Những phản ánh trên không phải không có lý bởi từ năm 2012, TP.HCM đã siết chặt số lượng xe taxi truyền thống, không cho tăng thêm, ổn định với 11.060 xe. 

Tuy nhiên, số liệu thống kê của Sở GTVT thành phố cho thấy, tính đến ngày 15/11/2016, Sở này đã cấp phù hiệu xe hợp đồng cho 15.344 xe 9 chỗ trở xuống, nhiều hơn hẳn số taxi hiện có trên địa bàn. “Lượng xe này không chỉ phá vỡ quy hoạch taxi mà còn áp lực mạnh lên hạ tầng giao thông, đẩy TP.HCM vào tình trạng kẹt xe nghiêm trọng”, một chuyên gia giao thông nhận định.

Xem thêm video:

Đường quá chật, xe quá đông

Liên quan đến mật độ xe trên đường, TS. Phạm Trung Cương, chuyên gia giao thông tại TP.HCM cho biết, tại nhiều nước trên thế giới, diện tích mặt đường tiêu chuẩn phải đạt 50m/xe. Tuy nhiên, tại Việt Nam cộng tất cả số lượng xe đăng ký tại TP.HCM bao gồm cả xe máy, ôtô cá nhân, taxi… thì tổng diện tích mặt đường cho một xe chỉ rơi vào khoảng 0,35m - 0,65m là cùng.

Đường chật, người đông, ùn tắc gia tăng, nhiều người đã nghĩ đến câu chuyện tiếp tục giảm số lượng taxi lưu hành.

Về vấn đề này, ông Đỗ Văn Thắng nói: Ở các nước phát triển như: Anh, Mỹ, Nhật Bản… đến giờ vẫn phát triển các hãng taxi truyền thống. “TP London với 10 triệu dân dù xe đông ùn ùn nhưng không kẹt. Quan điểm của thành phố là xe buýt, tàu điện và taxi là loại hình vận tải công cộng phục vụ chính”, ông Thắng nói và cho biết thêm: Taxi truyền thống tại nhiều nước không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là biểu tượng văn hoá, du lịch và được sơn màu riêng bắt mắt.

“Đến Thủ đô Moscow, Nga, tất cả taxi phải sơn màu vàng. Tương tự, tại Pháp, các xe taxi truyền thống đều được sơn màu đen”, ông Thắng cho biết.

Tỏ rõ sự bất bình khi taxi truyền thống bị “quản chặt”, Uber, Grab mặc sức tung hoành, ông Thắng nói: Trong khi các hãng taxi truyền thống được kiểm soát và cấp phép rất nghiêm, để có được một cái tem dán lên một chiếc taxi cũng không hề đơn giản thì ai sẽ kiểm soát số lượng xe Uber đây khi họ chỉ gắn phần mềm lên rồi chạy.

Cần phải nhắc lại rằng, tại một cuộc họp bàn giải pháp chống kẹt xe hồi cuối tháng 12 mới đây do Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì, nhiều đại biểu thống nhất quan điểm “vẫn đang quản được taxi truyền thống trong khi các loại hình xe hợp đồng điện tử như Grab hay Uber, hiện phát triển với số lượng rất lớn nhưng khó quản lý, ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề giao thông”.

Vấn đề này này đã được Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhìn nhận. Từ đây, ông Phong đã yêu cầu các sở liên quan cần có giải pháp hiệu quả, chấn chỉnh ngay tình trạng trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.