Các tài xế trong vụ kiện Uber vỡ òa trong niềm vui chiến thắng sau khi nghe tòa tuyên án
Đây là phán quyết từ Tòa án Tối cao Vương quốc Anh cuối tuần qua trong vụ kiện lao động của 2 lái xe với Uber. Ảnh hưởng từ phán quyết này có thể lan rộng tới toàn ngành kinh tế lao động tự do (Gig Economy) mới nổi trên toàn cầu.
Tài xế hợp tác với Uber là người lao động
Vụ việc pháp lý về lao động đầu tiên chống lại Uber tại Anh do 2 tài xế Yaseen Aslam và James Farrar khởi kiện từ năm 2016 - thời điểm họ vẫn còn hợp tác với Uber.
Trước khi đăng ký làm việc cho Uber, ông Aslam từng làm việc cho một công ty khác nhưng đã chuyển việc vì bị hấp dẫn trước những khoản lương, hoa hồng hậu hĩnh từ Uber. Nhưng những khoản “bổng lộc” đó nhanh chóng bị cắt giảm khi ngày càng có nhiều tài xế gia nhập vào nền tảng, khiến ông nhận được ít chuyến và phí trên mỗi cuốc xe cũng thấp đi.
Hai tài xế này đã thắng kiện ngay trong tòa xét xử đầu tiên và tiếp tục thắng thế trong 2 phiên tòa Uber kháng cáo sau đó.
Chúng tôi tôn trọng quyết định của tòa án. Quyết định này chỉ tập trung vào một số lượng nhỏ tài xế sử dụng ứng dụng Uber trong năm 2016. Từ thời điểm đó đến nay, chúng tôi có rất nhiều thay đổi lớn, lấy tài xế làm trung tâm trong tất cả các bước đi. Một số thay đổi mới mà hãng đã thực hiện bao gồm: Cho phép lái xe kiểm soát tốt hơn tiền lương, cung cấp những quyền lợi bảo vệ mới như bảo hiểm ốm đau/bị thương.
Ông Jamie Heywood, Tổng giám đốc Uber phụ trách khu vực Bắc và Đông Âu
Sau gần 6 năm kiện cáo, lần này, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh tuyên bố các lái xe trong vụ kiện không phải là lao động hợp đồng độc lập vì hoạt động của họ được Uber xác định và kiểm soát rất chặt chẽ.
Dẫn ra một số ví dụ, Thẩm phán cho biết, Uber đã kiểm soát về giá cả, đưa ra các điều khoản hợp đồng và buộc tài xế phải tuân thủ trong quá trình phục vụ.
Tòa án cũng cho rằng, tài xế phải làm việc kể từ thời gian họ bật ứng dụng Uber chứ không phải chỉ tính trong thời gian vận tải khách như phía công ty biện luận.
Tới đây, một tòa án về lao động của Anh sẽ quyết định mức bồi thường cho các tài xế trong vụ kiện này. Dự kiến, quá trình này có thể kéo dài thêm hàng tháng.
Chia sẻ với CNN Business, ông Aslam cho biết, tuy mức bồi thường mà ông và các đồng nghiệp có thể nhận là “rất nhỏ” so với những nỗ lực phải bỏ ra để theo đuổi vụ kiện nhưng quan trọng là “phải có người đứng ra làm việc đó”.
“Tôi nghĩ, điều đúng đắn Uber nên làm đó là, nếu họ muốn tiếp tục, họ cần tôn trọng người lao động - những con người là xương sống của ngành công nghiệp này”, ông Aslam nói thêm.
Về phía mình, Uber cho biết, họ đã cam kết tăng cường phối hợp và tham vấn cùng tất cả các tài xế đang hoạt động trên khắp nước Anh để nắm bắt tốt nhất những thay đổi ở Uber mà họ mong muốn.
Sức lan tỏa của phán quyết lớn đến đâu?
Hai lái xe trong vụ kiện Uber là Yaseen Aslam (trái), James Farrar (phải) đứng trước Tòa án Tối cao Vương quốc Anh năm 2018
Phán quyết của Tòa án Tối cao Vương quốc Anh không đồng nghĩa ngay lập tức tất cả tài xế hợp tác với Uber đều được coi là người lao động và được hưởng thêm một số quyền lợi bảo vệ. Nhưng quyết định này có thể ảnh hưởng tới cách Uber vận hành tại Anh về lâu dài. Trước mắt, phán quyết sẽ mở đường cho khoảng 1.000 vụ kiện tương tự chống lại Uber.
Ngoài ra, các lái xe từng sử dụng nền tảng Uber trong thời gian vụ kiện diễn ra cũng có quyền đệ đơn đòi bồi thường. Nếu tất cả các tài xế đều yêu cầu lương tối thiểu và thắng kiện, Uber đứng trước tổn hại rất lớn.
Rộng hơn, ảnh hưởng từ một công ty có thể lan ra toàn ngành chia sẻ xe tại Anh, thậm chí ảnh hưởng tới nhiều nơi trên thế giới.
Thậm chí, vụ kiện này còn đặt ra tiền lệ cho các công nhân và công ty khác trong nền kinh tế làm việc tự do (được gọi là Gig Economy) như giao nhận đồ ăn... “Gig” là nền kinh tế mà ở đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời, còn các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian.
Gig Economy đang phát triển rất mạnh, nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát nhưng còn tồn tại nhiều vướng mắc trong quản lý, điều hành và bảo vệ người làm việc vì còn non trẻ.
Các “ông lớn” công nghệ chi tiền vận động hành lang
Tại châu Âu, quyết định của Tòa án Tối cao Vương quốc Anh được đưa ra vào đúng thời điểm nhạy cảm khi khu vực này đang soạn thảo một dự luật mới để quản lý nền kinh tế làm việc tự do.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia vẫn đang chật vật tìm cách quản lý Gig Economy. Các nước vẫn chưa tìm được hướng đi chung để phân loại người lao động trong ngành cũng như những lợi ích mà họ có thể nhận được.
Một số tòa án tại Tây Ban Nha, Italy, Hà Lan, Pháp và Bỉ đều đưa ra phán quyết độc lập để tái phân loại người làm việc trong nền kinh tế làm việc tự do.
Trong bối cảnh đó, Uber không ngừng vận động hành lang các nhà làm luật châu Âu để đưa ra “tiêu chuẩn làm việc mới”. Điển hình, công ty của Mỹ từng công bố sách trắng, đề ra một số kiến nghị như thành lập các quỹ lợi ích linh động, cho phép người lao động độc lập có thể tích lũy quỹ từ các công ty khác nhau, qua đó tiếp cận những quyền lợi bảo vệ và lợi ích họ mong muốn.
Tại Mỹ, Uber đã quyết liệt vận động hành lang để chính quyền địa phương đưa ra một điều luật được gọi là Đạo luật 22 và đã thành công.
Đạo luật này cho phép loại bỏ các công ty như Uber ra khỏi luật lao động bang California, không phải coi người làm việc theo hợp đồng tại đây là lao động nên không cần trả lương tối thiểu và lo phúc lợi.
Một số công ty công nghệ quyền lực nhất tại Thung lũng Silicon cũng ủng hộ động thái đó như Lyft, Instacart và DoorDash. Họ đã chi tổng cộng 200 triệu USD trong các nỗ lực vận động hành lang các nhà làm luật Mỹ.
Trong khi đó, cánh lái xe tại Mỹ đều than trời rằng điều kiện làm việc của họ đã kém đi rất nhiều kể từ khi Đạo luật 22 được thông qua và đang nỗ lực thách thức, phản đối điều luật này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận