Xã hội

Ùn ùn giảm giá máy xét nghiệm Covid-19: Kỳ lạ mua xong mới "đàm phán" giá

28/04/2020, 06:29

Sau khi vụ việc CDC Hà Nội bị phanh phui, nhiều địa phương đồng loạt "đàm phán" giảm giá, kê khai mượn máy xét nghiệm Covid-19 của doanh nghiệp.

img
Hệ thống máy Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19

Đua nhau "đàm phán" giảm giá, hối hả "đi mượn" máy xét nghiệm

Sau vụ việc Bộ Công an bắt giam Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng đồng phạm để điều tra về việc chỉ định thầu, thổi giá mua máy xét nghiệm Covid-19, bỗng xuất hiện “động thái lạ” từ hàng loạt địa phương khi đồng loạt “đàm phán” với các nhà cung cấp để giảm giá máy xét nghiệm hàng tỷ đồng.

Như theo hợp đồng ban đầu (ký ngày 1/3) giữa Sở Y tế Quảng Ninh và liên danh nhà thầu (Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu y tế Việt và Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao), 1 hệ thống xét nghiệm Realtime PCR là 8,4 tỉ đồng. Ngày 23/3, Sở Y tế Quảng Ninh đã ký phụ lục hợp đồng với nhà thầu, giá hệ thống xét nghiệm Realtime PCR giảm còn 7 tỉ. Tới nay, giá hệ thống này tiếp tục được "đàm phán", hiện chỉ còn 5,2 tỉ.

Sở Y tế Thái Bình cũng vừa "đàm phán" để giảm giá 2 tỉ đồng hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR so với thời điểm ký hợp đồng, chế độ bảo hành tăng lên 5 năm thay vì 1 năm và yêu cầu nhà thầu kèm thêm 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng.

Trước thông tin cho rằng TP Hải Phòng đã trang bị hệ thống máy Realtime PCR tự động trị giá gần 10 tỉ đồng, bà Phạm Thu Xanh, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng khẳng định máy xét nghiệm Covid-19 đang dùng là "đi mượn" của doanh nghiệp, còn thành phố chưa phê duyệt mua.

Tương tự, CDC Lào Cai khẳng định, máy xét nghiệm mà Lào Cai đang sử dụng là "đi mượn" là của Công ty Tâm Việt. CDC Lào Cai chỉ phải bỏ tiền ra mua hoá chất sinh phẩm làm xét nghiệm và một số vật tư tiêu hao.

Quyết liệt điều tra sẽ tìm ra khuất tất

Một số chuyên gia trong lĩnh vực y tế phân tích, nếu tính cả chi phí lắp đặt, đào tạo và bảo hành thì cũng chỉ thêm khoảng 15% tổng giá trị thực của máy. Trong khi đó, hệ thống xét nghiệm Realtime khi nhập khẩu về Việt Nam có doanh nghiệp chào giá khoảng 2,3 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí vận hành cũng không quá 3 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an khẳng định: Cơ quan điều tra đang tích cực tiến hành các biện pháp nghiệp vụ điều tra vụ việc xảy ra CDC Hà Nội. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Một cán bộ điều tra (đề nghị giấu tên cho biết): Cơ quan điều tra mở rộng vụ án tới các tỉnh, thành phố vì thủ tục chỉ định thầu, giá thiết bị, quy trình đấu thầu… có những nét tương đồng với việc mua sắm thiết bị tại CDC Hà Nội. Việc các tỉnh đàm phán, giảm giá thiết bị chỉ là một tình tiết mà cơ quan điều tra xem xét trong quá trình điều tra. Đối với việc các tỉnh mượn máy bằng các văn bản như thế nào, khi điều tra cũng sẽ tìm ra.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Điệp – Đoàn Luật sư Hà Nội: “Thông thường, sau khi ký kết hợp đồng mua bán, đặt cọc thì nhà cung cấp mới tiến hành nhập khẩu máy móc và lắp đặt thiết bị. Vậy nhưng, hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 đưa vào sử dụng đến nửa tháng các tỉnh mới đàm phán lại giá khiến nhiều người không khỏi hoài nghi.

Thực tế, đã có khá nhiều vụ thông đồng đấu thầu nhằm trục lợi tài sản của Nhà nước, đến khi phát hiện sai phạm thì các bên liên quan mới “đàm phán” giảm giá sản phẩm” để né tội".

Theo luật sư Điệp, việc mua sắm máy xét nghiệm Realtime phòng chống Covid-19 tại các tỉnh bằng hình thức chỉ định nhà thầu là chưa thực sự hợp lý. Tốt nhất cần phải mua bán thông qua đấu thầu, bởi việc chỉ định thầu chắc chắn sẽ triệt tiêu sự cạnh tranh công bằng của những nhà cung cấp có chất lượng. Mặt khác, có thể biến việc mua sắm thành lợi ích nhóm gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Ngày 27/4, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, thẩm định lại và thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, Bộ Y tế đã gửi 2 công văn đến Sở Y tế các địa phương và nhiều bệnh viện đề nghị báo cáo kết quả mua sắm thiết bị. Các tài liệu đề nghị photocopy, đóng dấu sao y bản chính và gửi kèm báo cáo về Bộ Y tế gồm: Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu; hợp đồng mua bán giữa các bên, tài liệu về thông số, tính năng kỹ thuật của hệ thống; catologue của thiết bị chính và các thiết bị thành phần của hệ thống, chụp ảnh của các thiết bị nêu trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.