Ứng dụng

Ứng dụng công nghệ cao vào giảng dạy cùng “Giảng đường thông minh”

23/09/2016, 08:37

Ngày 22/9, Công ty Điện tử Samsung đã chính thức trao tặng giảng đường thông minh cho Đại học Y Dược Thái Nguyên.

vnp_1

Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, ĐH Y dược Thái Nguyên và đại diện Samsung cắt băng khánh thành giảng đường thông minh

Đây là giảng đường thứ hai được trao tặng (sau Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh). Tổng trị giá của hai giảng đường này theo tiết lộ của lãnh đạo Samsung vào khoảng trên 5 tỷ đồng. Dưới sự cố vấn của các chuyên gia về giáo dục thuộc tổ chức HAIVN (Health Advancement in Vietnam) gồm các giảng viên thuộc trung tâm Beth Israel Deadoness Medical Center (Boston, Mỹ), mô hình giảng đường thông minh do Samsung giới thiệu gồm hai phần chính.

Theo đó, phần cứng là giảng đường tương tác với thiết bị hiện đại; phần nội dung gồm xây dựng bài giảng bằng phần mềm chuyên dụng và tập huấn cho giảng viên, sinh viên làm quen với mô hình dạy học mới. Với mô hình này, giảng đường thông minh sẽ không truyền thụ kiến thức một chiều, thay vào đó là sự trao đổi hai chiều giữa người dạy và người học, nâng cao tính tương tác để phát triển tư duy của người học.

Các thiết bị hỗ trợ trong giảng đường gồm màn hình tương tác thông minh, phần mềm quản lý lớp học, máy tính bảng Samsung Galaxy Tab A 9.7 inch, hệ thống Internet. Đáng chú ý, phần mềm giảng dạy tương tác cho phép giảng viên đưa giáo trình hoặc các yêu cầu từ bảng tương tác điện tử đến từng học viên thông qua máy tính bảng Galaxy Tab.

Ứng dụng này cùng các nền tảng trực tuyến của trường sẽ hỗ trợ sinh viên gửi câu hỏi tới giảng viên, theo dõi lịch học tập hoặc bài học ở mọi nơi, giảng viên có thể quản lý được cả nội dung trên màn hình máy tính của từng sinh viên…

SV_giang duong thong minh

Các sinh viên được học trực tiếp trên máy tính bảng và các thiết bị, công nghệ hiện đại, được chia theo nhóm học để phát triển kỹ năng nhóm.

Ngoài ra, phương pháp học tập theo nhóm “Team based learning” cũng được đưa vào áp dụng. Đây là phương pháp học tập do Tiến sĩ Larry K. Michaelsen (Đại học Oklahoma, Mỹ) phát triển và nó đang được áp dụng rộng rãi. Mục đích của việc này là nâng cao khả năng tương tác giữa các sinh viên, phát triển tư duy phản biện, khả năng làm việc tập thể…

PGS – TS Nguyễn Văn Sơn, Hiệu trưởng trường Y Dược Thái Nguyên cho biết: “Trước đây, các bài giảng thường là "chay" hoặc được hỗ trợ bởi các máy chiếu với hình ảnh mờ nhạt và không có sự tương tác với sinh viên. Vì vậy, ngoài những sinh viên nào được giảng viên mời lên trình bày thì những người khác hoàn toàn có thể không tham gia vào hoạt động dạy vào học. Còn mô hình Giảng đường thông minh này thực sự rất hữu ích với người học bởi sinh viên dù ngồi ở vị trí nào cũng bắt buộc phải “động não” và chủ động tham gia vào tiết học, phải có trách nhiệm tham gia ý kiến và ra quyết định cùng nhóm. Tuy nhiên, giảng viên sẽ là những người vất vả nhất bởi sẽ phải tốn rất nhiều thời gian chuẩn bị bài giảng để làm sao thu hút được sự chú ý của sinh viên”.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Phó  Tổng giám đốc Công ty điện tử Samsung-Vina lại chia sẻ, Samsung sẽ không ngừng giới thiệu những ứng dụng công nghệ của mình vào lĩnh vực giáo dục toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.