Đăng kiểm

Ứng dụng công nghệ, minh bạch xử lý hồ sơ kiểm định

28/11/2023, 10:55

Việc số hoá hồ sơ đăng kiểm phương tiện và xây dựng quy trình xử lý cụ thể, rõ ràng giúp minh bạch hoá, rõ trách nhiệm trong quá trình cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất và lắp ráp.

Công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm

Theo ông Trần Hoàng Phong, quyền Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (VAQ), Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của các doanh nghiệp có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc cấp "Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng", cấp mã số riêng cho từng hồ sơ đã giúp Phòng VAQ quản lý hồ sơ chặt chẽ, tiện lợi và có hệ thống.

Ứng dụng công nghệ tạo sự minh bạch trong xử lý hồ sơ kiểm định - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc cấp "Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng" nộp hồ sơ trực tuyến về Cục Đăng kiểm Việt Nam qua cổng dịch vụ công trực tuyến (ảnh minh hoạ).

Việc xử lý hồ sơ được xây dựng theo lộ trình bắt buộc, trải qua nhiều công đoạn nhưng người thực hiện không thể đi tắt mà sau mỗi công đoạn hoàn thành, hồ sơ sẽ tự động nhảy vào "giỏ công việc" trên hệ thống của công đoạn tiếp theo để cán bộ phụ trách biết được và thực hiện công việc của mình.

Nhờ đó, tránh việc thất lạc, bỏ lọt hồ sơ, cũng như dễ dàng tìm kiếm, tra cứu được thông tin của mỗi hồ sơ đăng kiểm khi cần kiểm tra lại do cơ sở dữ liệu được quản lý tập trung và chính xác.

Ngoài ra, việc phân quyền công việc cho từng người ở từng khâu, mọi tiến trình thực hiện của các bộ phận được lưu vết trên hệ thống cũng tạo tính rõ ràng, minh bạch, nguyên tắc cao.

"Hồ sơ giao cho ai thực hiện thì chỉ người đó có quyền được truy cập và xử lý hồ sơ đó, không thể tự ý chuyển cho người khác làm hộ, do đó, giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ tại đơn vị", ông Phong nhấn mạnh.

Ứng dụng công nghệ tạo sự minh bạch trong xử lý hồ sơ kiểm định - Ảnh 2.

Giao diện cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Tăng hiệu quả công việc

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý hồ sơ trực tuyến còn giúp các cán bộ của Phòng VAQ có thể làm việc được bất cứ nơi đâu chỉ cần thông qua điện thoại thông minh, máy tính, giúp tăng hiệu quả công việc.

Theo các chuyên gia, đây chính là bước cải cách đột phá quan trọng, từ đó, tối ưu và đẩy nhanh tốc độ xử lý của toàn bộ các bước thực hiện theo tốc độ điện tử, tối ưu được thời gian thực hiện và trả kết quả ngắn nhất, giúp giảm tối đa thời gian và chi phí thực hiện và hạn chế đến mức thấp nhất các tiêu cực có thể phát sinh trong quá trình làm việc do đã hạn chế tối đa việc phải tiếp xúc trực tiếp giữa khách hàng với các bộ phận trong cơ quan đăng kiểm.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết, số lượng thủ tục mà Phòng VAQ được giao trực tiếp thụ lý, giải quyết chiếm khoảng 1/3 số lượng thủ tục của Cục. Vì vậy, việc chuyển sang phương thức điện tử là thách thức, nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi từng cá nhân trong tập thể phải nỗ lực thi đua sáng tạo, đổi mới.

Để phù hợp nhiệm vụ này, Phòng VAQ đã phải đổi mới cơ cấu tổ chức, làm mới toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục, từ việc kiểm tra ngoài hiện trường cho đến việc xử lý hồ sơ tại văn phòng, theo mô hình điện tử.

Ông Lê Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) cho biết, đăng kiểm là 1 trong 3 lĩnh vực được người dân và doanh nghiệp sử dụng nhiều dịch vụ công nhất trong ngành GTVT.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực đăng kiểm thời gian tới, Cục Đăng kiểm đang xây dựng để trình Bộ GTVT về Đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.