Xã hội

Ứng phó bão số 1: Các tỉnh sẵn sàng cấm biển, sơ tán dân

image

Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình khẩn trương triển khai ứng phó với bão số 1 đang hoạt động ở khu vực Bắc Biển Đông.

Tại Quảng Ninh, để chủ động ứng phó với bão số 1 (bão Talim), trước 16h ngày 17/7, đã hoàn tất việc tổ chức đưa người từ các khu nuôi lên bờ; khẩn trương gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương giữ liên lạc thường xuyên với các phương tiện đang hoạt động trên biển, thông tin về vị trí và diễn biến của bão để chủ động kêu gọi tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn, không đi vào vùng nguy hiểm.

img

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh giúp dân gia cố lồng bè nuôi thủy sản để ứng phó bão số 1 (Ảnh: Nguyễn Chiến).

Các địa phương (đặc biệt là tuyến đảo) nắm lại lượng khách du lịch và thông tin về bão cho du khách biết để có phương án di chuyển phù hợp, thống kê, báo cáo số du khách về Văn phòng thường trực Phòng chống thiên tai tỉnh trước 16h30 hàng ngày.

Tổ chức rà soát lại vị trí có nguy cơ sạt lở đất để có phương án ứng phó cụ thể, khơi thông hệ thống thoát nước, lưu ý khu đô thị. Khu vực miền núi sẵn sàng phương án phòng, chống lũ, sạt lở, tổ chức trực canh tại các vị trí nguy cơ cao khi mưa lớn xảy ra trên địa bàn.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh Quảng Ninh sẵn sàng lực lượng, phương tiện hiệp đồng với các địa phương, đơn vị đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và triển khai cứu hộ khi có yêu cầu.

Sở Giao thông vận tải chỉ đạo Cảng vụ nội địa rà soát lại số lượng tàu du lịch và khách du lịch tuyến biển, chỉ đạo các doanh nghiệp vận tải thủy bố trí đủ phương tiện để phục vụ việc đưa khách có nhu cầu về đất liền, sẵn sàng cấm biển khi có yêu cầu; chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ sẵn sàng phương án đảm bảo giao thông trong tình huống gió mạnh, mưa lớn do bão.

Tại Thái Bình, tính đến 14h ngày 16/7, tại huyện ven biển, các đồn biên phòng đóng trên địa bàn đã liên lạc với toàn bộ phương tiện tàu thuyền để thông báo về vị trí, hướng di chuyển của cơn bão và kêu gọi các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển tìm nơi tránh, trú an toàn.

img

Tàu thuyền về neo đậu, tránh trú bão số 1 tại cảng cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải (Thái Bình).

Đồng thời, theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu, thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra, kiểm tra hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền.

Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát phương án, sẵn sàng di dời, sơ tán lao động nuôi trồng, khai thác, đánh bắt thủy, hải sản, người sinh sống trong các khu vực nguy hiểm, các vùng bãi thấp ven sông, cửa sông vào nơi an toàn theo chỉ đạo của cấp trên.

Thực hiện kiểm tra, rà soát, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh xá, bến cảng, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, lồng, bè, trang trại... trên bãi sông, ven sông, trên sông, ven biển để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản đặc biệt ở các địa phương ven biển; sẵn sàng phương án chống úng để bảo vệ lúa lúa, hoa màu, vùng trũng, thấp; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó khi tình huống xấu xảy ra.

Các địa phương phối hợp với ngành chuyên môn kiểm tra, rà soát hệ thống đê sông, đê biển và các trọng điểm xung yếu ở 2 tuyến đê số 5 và số 6 để có phương án bảo vệ các công trình.

>>> Clip: Tàu thuyền của bà con ngư dân về tránh trú bão số 1 tại cảng cá Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải (Thái Bình):

Tại Hải Phòng, UBND thành phố giao Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước rà soát, sẵn sàng thực hiện phương án đảm bảo tiêu thoát nước khu vực đô thị. Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chỉ đạo thực hiện đảm bảo công tác phòng chống bão tại các khu, cụm công nghiệp quản lý.

UBND quận Đồ Sơn, huyện Cát Hải tổ chức rà soát, thống kê, chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho du khách tại các khu du lịch biển, đảo. Sẵn sàng phương án xử lý những tuyến đường ven biển, ven núi có nguy cơ sạt lở.

Căn cứ diễn biến của bão chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, cầu qua sông, hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển; chủ động thông tin, phối hợp với Tổng cục Đường bộ VN dừng hoạt động của cầu vượt biển.

Để ứng phó với bão số 1, Nam Định cũng có công điện khẩn yêu cầu các cấp, ngành thực hiện những biện pháp ứng phó trước khi bão đổ bộ như kêu gọi tàu, thuyền ở khu vực nguy hiểm về nơi tránh, trú an toàn.

Thông báo cho chủ và thuyền trưởng phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để tìm nơi tránh, trú an toàn, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Tăng cường công tác kiểm tra công trình đê điều, đặc biệt là các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu.

UBND huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo đôn đốc, thực hiện việc cắt tỉa cành cây, chằng chống lồng, bè, trang trại nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản ở ven sông, ven biển.

Sẵn sàng phương án di dời số lao động nuôi ngao, nuôi trồng thuỷ, hải sản và các hộ dân sinh sống trong khu vực nguy hiểm, vùng bãi thấp ven sông, cửa sông, ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, trên biển vào nơi an toàn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.