Xã hội

Vận động góp lương ủng hộ ở Vĩnh Long: Cần nhưng phải hợp tình, hợp lý!

03/08/2021, 14:33

Đồng tình với việc Vĩnh Long vận động trích lương ủng hộ người dân ở TP.HCM và các tỉnh nhưng nhiều ý kiến cho rằng không nên áp mức cụ thể...

Ngày 2/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã có văn bản thống nhất chủ trương theo tờ trình của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long về việc vận động cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn ủng hộ ít nhất từ 2-10 ngày lương. Văn bản này sau khi được ban hành đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

img

Chị H.N cho rằng, ngành Y tế không cần quyên góp bởi họ đang làm công tác phòng chống dịch Covid-19 cho địa phương.

Theo văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long, sau khi Sở LĐ-TB&XH có tờ trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận và thống nhất chủ trương vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ người dân Vĩnh Long đang ở TP.HCM và các tỉnh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Cụ thể, đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có hệ số lương từ 4.0 trở lên ủng hộ 10 ngày lương, 5 ngày lương đối với trường hợp có hệ số dưới 4.0.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Y tế, Công an, Quân sự và Thanh tra Giao thông trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19 ủng hộ ít nhất 2 ngày lương.

Riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang gặp khó khăn, giao thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xem xét mức đóng góp cụ thể từng trường hợp.

Có ý kiến cho rằng, ủng hộ đồng bào là việc làm rất cần thiết và nên khuyến khích, nhưng mức đóng góp như vậy là quá cao và có phần không phù hợp với tình hình khó khăn chung do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Anh K.T., viên chức làm việc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long bày tỏ, trong văn bản thể hiện nội dung việc đóng góp đưa ra là trên tinh thần tự nguyện nhưng lại “áp” mức hỗ trợ cụ thể từ 5-10 ngày là không phù hợp.

“San sẻ cho cộng đồng, chúng tôi rất ủng hộ. Nhưng chúng tôi là viên chức, lương không đáng là bao mà cũng phải lo đủ thứ giữa lúc dịch bệnh. Nếu tự nguyện thì chúng tôi chỉ chia sẻ nửa đến 1 ngày lương là cùng thôi", anh K.T. bày tỏ.

Đồng quan điểm, chị H.N., một viên chức làm việc tại tỉnh Vĩnh Long cho rằng, các cán bộ, công viên chức ngành y tế không cần quyên góp bởi họ đang đóng góp công sức lớn trong phòng chống dịch, chỉ những người không tham gia chống dịch được vì lý do nào đó mới quyên góp và chỉ nên 1-2 ngày lương.

Trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Trần Độ, Trưởng Văn phòng Luật sư Trần Độ (Đoàn luật sư tỉnh Hậu Giang) cho rằng, đối với người lao động bao gồm cả cán bộ, công chức, viên chức thì việc trích lương phải phù hợp với quy định của Bộ Luật Lao động.

Cũng theo Luật sư Trần Độ, việc vận động quyên góp nên kêu gọi từ nhiều nguồn khác nhau. “Không nên cho rằng những người không hưởng lương nhà nước là khó khăn, người hưởng lương nhà nước thì không khó khăn bởi vì họ có thu nhập. Vấn đề này bị ảnh hưởng bởi nhiều góc độ.

Có trường hợp hệ số lương cao nhưng lại là lao động chính trong một gia đình nhiều người, có trường hợp dù lương thấp nhưng lại có điều kiện kinh doanh nên cuộc sống cũng tương đối.

Trong trường hợp này, tôi cho rằng không nên đặt nặng vấn đề là trích bao nhiêu, trích thế nào. Trong điều kiện hiện nay, khó khăn là khó khăn chung của toàn xã hội, khi áp dụng quy định cần mềm dẻo, hợp tình, hợp lý, phù hợp với tình hình hiện tại", Luật sư Trần Độ phân tích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.