4 tỉnh không có trường hợp nào đổi thành công
Theo yêu cầu của Bộ GTVT, đến ngày 15/11 phải nhân rộng việc đổi giấy phép lái xe (GPLX) cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc ra toàn quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết.
Tại cuộc họp tổ chức chiều nay (22/9), ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, thống kê cho thấy, tại 12 tỉnh, thành phố, số GPLX cấp đổi trực tuyến thành công rất thấp. Cá biệt có 4 tỉnh không có trường hợp nào đổi thành công.
Việc cấp đổi GPLX trên cổng dịch vụ công quốc gia vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết - Ảnh minh họa
Cụ thể, từ ngày 27/9 - 31/12/2021, có 4 Sở GTVT chưa có hồ sơ đăng ký thành công đổi GPLX trên cổng dịch vụ công như Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Nam, Quảng Ninh. Tại 8 Sở GTVT còn lại, chỉ có hơn 130 GPLX đăng ký thành công. Đơn cử tỉnh Bắc Ninh chỉ có 1 hồ sơ, Hà Nam có 29 hồ sơ, Hà Nội có 34 hồ sơ. Từ ngày 1/1/2022 đến nay, có 26 GPLX đăng ký và trả kết quả thành công.
Theo ông Thống có 2 nguyên nhân chính khiến tỷ lệ đổi GPLX trên cổng dịch vụ công quốc gia thấp là do chưa kết nối được với cơ sở dữ liệu khám sức khỏe của Bộ Y tế và dữ liệu xử lý vi phạm của Cục CSGT.
Ngành Y tế chưa mở rộng các đơn vị cung cấp dữ liệu giấy khám sức khỏe trên cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện vẫn chỉ có 3 cơ sở y tế Hà Nội và 8 cơ sở y tế tại Hà Nam được kết nối.
Thực tế, để có được giấy khám sức khỏe chứng thực điện tử phục vụ đổi GPLX, người dân phải khám sức khỏe tại cơ sở y tế, sau đó đến UBND cấp xã chứng thực điện tử. Việc này phát sinh thêm thủ tục hành chính và chi phí nên số người sử dụng dịch vụ này còn hạn chế.
Thêm nữa, người dân gặp khó khăn khi đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia. Việc đăng ký sử dụng dịch vụ còn nhiều thao tác. Đa phần số hồ sơ đăng ký thành công đều có hướng dẫn và trợ giúp của công chức làm việc tại bộ phận một cửa thuộc Sở GTVT.
“Việc yêu cầu người dân phải có tài khoản ngân hàng thanh toán trực tuyến qua cổng dịch vụ công quốc gia, việc hoàn trả lại tiền khi đăng ký không thành công chậm cũng là những hạn chế đối với người dân sử dụng dịch vụ”, ông Thống cho hay.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Phương tiện và người lái, Sở GTVT Hải Phòng cho biết, kết thúc thí điểm, Hải Phòng có 106 hồ sơ đổi GPLX thành công.
Cũng theo ông Hiếu, mặc dù UBND thành phố có chỉ đạo nhưng không có cơ sở y tế nào xây dựng cơ sở dữ liệu khám sức khỏe lái xe.
Để hỗ trợ người dân, Sở GTVT Hải Phòng liên hệ các phường, xã nhưng không nơi nào làm chứng thực sức khỏe điện tử. Chỉ có duy nhất 1 phường có được tập huấn nhưng chưa làm trường hợp nào.
Cũng theo ông Hiếu, mấu chốt vấn đề vẫn là dữ liệu của cơ sở y tế, sở GTVT Hải Phòng đã tự xây dựng phần mềm kết nối liên thông và chuyển giao miễn phí cho 39 cơ sở y tế trên địa bàn. Các cơ sở y tế sử dụng chữ ký số ký chứng thực giấy khám sức khỏe, sau đó chuyển dữ liệu liên thông cho Sở GTVT.
“Đến ngày 14/9, có trên 28.000 hồ sơ khám sức khỏe được tải lên. Để tránh giấy khám sức khỏe giả, Sở chỉ tiếp nhận các hồ sơ khám sức khỏe khi đối chiếu được trên cơ sở dữ liệu. Tiếp đó là đối chiếu với dữ liệu vi phạm của CSGT. Trường hợp không có vi phạm giao thông sẽ làm thủ tục đổi GPLX cho người dân”, ông Hiếu cho hay.
Sẽ nhân rộng trước 1 tháng
Ông Phạm Thành Lâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế GTVT cho rằng, không phải cơ sở y tế nào cũng đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe.
Lẽ ra, cổng thông tin của Bộ Y tế phải công bố những cơ sở đủ điều kiện, từ đó mới có căn cứ xác định tính chính xác của giấy khám sức khỏe. Chính vì không làm được việc này nên nảy sinh kẽ hở mua bán giấy khám sức khỏe hay nói cách khác là giấy khám sức khỏe giả.
“Cục Y tế GTVT sẽ nhanh chóng kết nối với Bộ Y tế để đưa lên cổng thông tin các cơ sở y tế đủ điều kiện và cung cấp mẫu mã, tránh tình trạng giấy khám sức khỏe giả”, ông Lâm cho hay.
Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Cường, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, hàng năm Tổng cục Đường bộ và các sở GTVT cấp, đổi khoảng 2 triệu GPLX. Vì vậy, việc áp dụng công nghệ, Chính phủ số sẽ đem lại nhiều cho lợi ích cho người dân và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.
Để đảm bảo kết quả và đúng tiến độ nhân rộng đổi GPLX cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia ra toàn quốc vào ngày 15/11, ông Cường cho rằng, cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành.
Ông Cường cũng cho biết sẽ có văn bản đề xuất Bộ GTVT làm việc với Bộ Y tế về lộ trình, thời gian, tiến độ, kế hoạch xây dựng dữ liệu khám sức khỏe. Tổng cục Đường bộ sẽ làm việc trực tiếp với các đơn vị liên quan đến giấy khám sức khỏe của Bộ Y tế nắm bắt được rõ kế hoạch triển khai giấy khám sức khỏe điện tử.
Trước mắt, sẽ kiên trì thực hiện theo xác nhận thông tin điện tử, người dân đi khám sức khỏe, đến cơ quan hành chính địa phương xác nhận và đưa lên mạng. Đây là căn cứ vào đây thực hiện đổi GPLX.
Khi chưa có cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế, trên cơ sở 11 cơ sở y tế đã kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia sẽ nhân rộng ra các địa phương trên tinh thần mỗi quận, huyện có 3 - 4 cơ sở y tế kết nối được với cổng thông tin quốc gia.
Đối với kết nối dữ liệu vi phạm giao thông, ông Cường cho biết, sẽ làm việc với CSGT, bước đầu sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung về xử phat vi phạm giao thông làm cơ sở cấp, đổi GPLX cấp độ 4.
Tổng cục Đường bộ VN cũng sẽ kiến nghị hoàn thiện, nâng cấp phần mềm cổng dịch vụ công quốc gia để người dân dễ thao tác hơn khi đổi GPLX.
"Việc đổi GPLX trực tuyến cấp độ 4 qua cổng dịch vụ công quốc gia đem lại nhiều lợi ích cho người dân, nhất là đối với người dân vùng sâu, vùng xa. Tổng cục sẽ nỗ lực hoàn thành nhân rộng ra toàn quốc vào ngày 15/10, trước 1 tháng so với chỉ đạo của Bộ GTVT”, ông Cường cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận