Văn hóa - Giải Trí

Văn nghệ sĩ cần làm gì để văn hóa không còn là “cờ, đèn, kèn, trống”?

01/03/2023, 23:29

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, đổi mới về văn hoá bắt đầu từ đổi mới tư duy về văn hoá. Văn hoá không chỉ là câu chuyện “cờ, đèn, kèn, trống”.

Chiều 1/3, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua”.

Đây là cuộc tọa đàm chuyên sâu bàn về sự kế thừa, phát triển của văn học, nghệ thuật nước ta trong 80 năm qua trên cơ sở những luận điểm gốc, cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943).

img

Tọa đàm khoa học "Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật 80 năm qua". Ảnh: VGP/DA

Tọa đàm với hơn 30 tham luận, với mục tiêu chủ yếu là căn cứ vào nội dung của Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943), xuất phát từ đời sống lý luận, phê bình và thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà để đánh giá, làm rõ những vấn đề cơ bản:

Một là, phân tích làm rõ quan điểm cơ bản về văn hoá, văn nghệ và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943).

Hai là, làm rõ quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung quan trọng của Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943) trong việc xây dựng và phát triển tư duy lý luận văn nghệ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Tập trung phân tích sâu sắc quá trình vận dụng, sáng tạo và phát triển của đường lối văn nghệ thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Ba là, đề xuất định hướng và những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển để xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Văn hoá không phải chỉ là câu chuyện của giải trí

Tại tọa đàm, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, văn hoá luôn đóng vai trò thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Theo TS. Bùi Hoài Sơn, Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943) đã giúp cho chúng ta khai sáng, thức tỉnh, tập hợp văn nghệ sĩ trí thức, trong đó lấy vận mệnh đất nước đặt lên hàng đầu. Tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 1946, Bác Hồ có nói “văn hoá soi đường cho quốc dân đi” thì tư tưởng, quan điểm này thực sự giúp cho văn hoá vực dậy đất nước.

Ông cho rằng, chúng ta phải xem văn hoá là trung tâm của phát triển đất nước. Nhiều vấn đề của văn hoá xuất phát từ những lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, giáo dục… Chính vì vậy để giải quyết vấn đề văn hoá, cần giải quyết một cách tổng thể.

“Đổi mới về văn hoá bắt đầu từ đổi mới tư duy về văn hoá. Văn hoá không phải chỉ là câu chuyện “cờ, đèn, kèn, trống”… Văn hoá còn sâu sắc và nhiều yếu tố. Văn hoá không phải chỉ câu chuyện của giải trí.

Đó là câu chuyện của chính trị, kinh tế, sức mạnh mềm quốc gia tạo ra sự bản lĩnh, tự tin của dân tộc khi chúng ta hội nhập quốc tế. Văn hoá còn lan toả sang lĩnh vực kinh tế khi mà nó chuyển tải sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hoá”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nói.

img

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: T.Vương

Bàn về vấn đề tập hợp, đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ 80 năm qua, PGS. TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu quan trọng mà đội ngũ văn nghệ sĩ trong thời gian gần đây, chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận những khiếm khuyết của Văn học nghệ thuật hiện nay.

Thực tế cho thấy, nền nghệ thuật những năm qua chưa có tác phẩm, tên tuổi lớn, không đáp ứng kỳ vọng của Nhà nước và nhân dân.

Ông nhắc lại tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc cuối năm 2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Giờ tôi không thấy có bài hát mới nào hay, đáng để nhớ cả", khiến giới sáng tác buộc phải nhìn nhận thiếu sót.

Việc này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự sa sút nghiêm trọng của các loại hình dân gian, bác học; các môn hàn lâm như kịch nói, ballet, điện ảnh chưa cập nhật, giao lưu với các xu hướng đỉnh cao của thế giới. Ngoài ra, sự đầu tư cho các tài năng nghệ thuật chưa tương xứng.

Ông Quân cho rằng, nhiều giá trị văn hóa bị bóp méo, làm cho thanh thiếu niên, bạn bè hiểu sai về tính dân tộc. Chẳng hạn, đa số chương trình nghệ thuật xây dựng hình ảnh văn hóa âm nhạc Tây Nguyên sôi động với cồng chiêng trong khi âm nhạc vùng này thực chất trầm lắng, có chiều sâu.

Ngoài ra, tính chuyên nghiệp trong sáng tác, biểu diễn ngày một hạ thấp, kéo theo xu thế nghiệp dư hóa, khiến thị trường xuất hiện nhiều tác phẩm nhảm nhí, lai căng, phản cảm.

Đề xuất hướng giải quyết trong thời gian tới, ông Quân cho rằng, cần kết hợp nhuần nhuyễn 3 nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng trong sáng tác Văn học nghệ thuật và “không được nhân danh tính đại chúng để hạ thấp tính chuyên nghiệp”.

Cùng với đó, mỗi nghệ sĩ trước hết cần tự nâng cao trình độ, nhận thức, hiểu biết, đồng thời bám sát ba yếu tố không thể tách rời mà Đảng và Nhà nước đã đề ra trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, đó là tính dân tộc, khoa học và đại chúng.

“Đại chúng không có nghĩa là làm cho quần chúng mà quần chúng là một yếu tố cấu thành của đời sống Văn học nghệ thuật, cũng cần được giáo dục, nâng cao trình độ hiểu biết về Văn học nghệ thuật”, ông Đỗ Hồng Quân nói.

Con đường của văn nghệ sĩ dưới ánh sáng của Đề cương

Lắng nghe các đại biểu tham luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình mục tiêu tổng thể về chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Phó Thủ tướng mong muốn các nhà nghiên cứu, đại biểu, khoa học tiếp tục nghiên cứu và có những dự báo để văn hóa, văn nghệ tham gia đóng góp sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

img

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP/DA

Phát biểu tổng kết sự kiện, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam đã kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cách mạng; trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ nhân dân ta, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ hăng hái tham gia cách mạng; cống hiến tài năng, trí tuệ và cả máu của mình để góp phần quan trọng làm nên thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

"Giờ đây đọc lại những dòng hồi ký, hồi ức, nhật ký của những văn nghệ sĩ tiền bối như: Đặng Thai Mai, Kim Lân, Trần Huyền Trân, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Học Phi, Nguyễn Huy Tưởng... chúng ta luôn nhớ cuộc đời và sự cống hiến để cảm nhận sâu sắc nhiệt huyết sục sôi, niềm hạnh phúc lớn lao của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà khi tham gia truyền bá và tiếp nhận Đề cương khi văn kiện mới ra đời.

Dưới ánh sáng của Đề cương, đội ngũ văn nghệ sĩ yêu nước và có tinh thần dân tộc đã gia nhập và tích cực hoạt động, xây dựng, phát triển Hội Văn hóa cứu quốc.

Đến năm 1948, Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam) đã được thành lập, tiếp tục tập hợp lực lượng, ghi dấu ấn quan trọng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp hình thành và phát triển nền văn hóa - nghệ thuật Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh", ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói.

img

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo tọa đàm. Ảnh: VGP/DA

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng từ Đổi mới đến nay, tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật đã không ngừng được bổ sung, phát triển và ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt, 3 nguyên tắc chính là “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa” và “khoa học hóa” luôn được Đảng ta chú trọng.

Cũng theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới, có ý nghĩa then chốt đối với vận mệnh và tương lai dân tộc. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền tảng văn hóa, con người Việt Nam...

"Tôi trân trọng đề nghị các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục tham gia tích cực, phát huy tâm huyết, trí tuệ trong quá trình tổng kết, đóng góp, tham mưu, tư vấn giúp Đảng tổng kết toàn diện, sâu sắc Nghị quyết.

Từ đó đề ra những quyết sách phù hợp, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.