Tài chính

Vàng tăng giá vùn vụt, hệ sinh thái Bảo Tín Minh Châu làm ăn ra sao?

15/05/2024, 15:44

Bảo Tín Minh Châu và Bảo Tín Mạnh Hải là hai thương hiệu nổi bật nhất trong hệ sinh thái của nhóm Vàng Bảo Tín, song lợi nhuận chỉ khiêm tốn vài tỷ đồng.

`Thời gian qua, giá vàng liên tục phá đỉnh với mức trần có thời điểm lên tới 92 triệu đồng/lượng giá bán ra. Bất chấp giá trong nước chênh lệch lớn với giá thế giới, người dân vẫn đổ xô đi mua vàng. 

Trong bối cảnh đó, hoạt động, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp vàng thu hút sự quan tâm lớn. Nhiều người cho rằng, ngành kinh doanh vàng đứng trước cơ hội "hái ra tiền" khi được hưởng lợi từ giá tăng cũng như chênh giữa giá mua vào và bán ra. 

Tại thị trường Việt Nam, thương hiệu vàng Bảo Tín Minh Châu vốn quen thuộc với người dân. Vậy doanh nghiệp nổi tiếng này làm ăn ra sao trong bối cảnh giá vàng liên tục dậy sóng? 

Tiềm lực Bảo Tín Minh Châu

Bảo Tín Minh Châu là thương hiệu ra đời từ năm 1989, sau khi ông Vũ Minh Châu, người con cả của bà Lương Thị Điểm theo học nghề kim hoàn, tự mua sách về học, tự phân kim, chế tác nhẫn.

Ông Vũ Minh Châu sinh năm 1953. Năm 1971, khi đang học lớp 9, ông Vũ Minh Châu nhập ngũ, sau 6 năm sinh hoạt trong môi trường quân đội, ông rời quân ngũ. Ông từng có 8 năm làm công nhân tại Công ty Vận tải Thương nghiệp. Trước khi bắt đầu với cửa hàng kim hoàn đầu tiên, ông là thợ sửa chữa và khôi phục lại những chiếc xe lam cũ.

Ông Châu từng chia sẻ, vì gia đình ông chỉ buôn bán vàng theo hình thức trao tay chứ không chế tác nên ông tự học từ thợ kim hoàn cách đánh nhẫn. Ông tự mua đồ nghề về tập đánh, từ đánh nhôm, đồng sau đánh bạc, quen rồi thì chuyển sang vàng.

Năm 1989, cửa hàng kinh doanh Bảo Tín Minh Châu đầu tiên ra đời tại 29 Trần Nhân Tông Hà Nội. Sau 6 năm, ông nâng cấp từ doanh nghiệp tư nhân lên Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu.

Vàng tăng giá vùn vụt, hệ sinh thái Bảo Tín Minh Châu làm ăn ra sao?- Ảnh 1.

Năm 2022, doanh thu Bảo Tín Minh Châu cán mốc 1.069 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với năm 2021.

Đến nay với hơn 30 năm phát triển, thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đã có hơn 5 cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội và rất nhiều đại lý trải dài khắp miền Bắc.

Bảo Tín Minh Châu được thành lập tháng 5/1995. Hiện ông Vũ Minh Châu giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: Ông Vũ Minh Châu góp 90,17 tỷ đồng (90,17%), và ông Vũ Phương Nam góp 9,83 tỷ đồng.

Dù là thương hiệu có tiếng, song doanh nghiệp của ông Châu chỉ ghi nhận doanh thu dao động từ 150 đến 300 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2018, sau đó tăng lên hơn 531 tỷ đồng vào năm 2019 với mức lợi nhuận sau thuế chỉ vài tỷ đồng.

Phát triển cùng thị trường vàng, trong năm 2022, doanh thu Bảo Tín Minh Châu cán mốc 1.069 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với năm 2021. Lãi ròng công ty ở mức 4,1 tỷ đồng, tăng gấp đôi.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản Bảo Tín Minh Châu ở mức 152,9 tỷ đồng, giảm hơn 3,2% so với số đầu năm. Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu đạt 104 tỷ đồng, nợ phải trả là 48,9 tỷ đồng, giảm 12,6%.

Bảo Tín Mạnh Hải kinh doanh ra sao?

Bảo Tín Mạnh Hải tiền thân là một cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý tại địa chỉ 39 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội từ năm 1992, được sáng lập bởi ông Vũ Mạnh Hải, một thành viên trong gia tộc Bảo Tín.

Tính đến tháng 11/2018, Bảo Tín Mạnh Hải có 3 cổ đông là bà Nguyễn Thị Thanh Vân (60%), ông Vũ Hùng Sơn (20%) và ông Vũ Sơn Tùng (20%). Trong đó, ông Sơn là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật. Được biết, ông Vũ Hùng Sơn và Vũ Sơn Tùng là hai người con trai của nhà sáng lập Vũ Mạnh Hải.

Vàng tăng giá vùn vụt, hệ sinh thái Bảo Tín Minh Châu làm ăn ra sao?- Ảnh 2.

Doanh thu thuần Bảo Tín Mạnh Hải năm 2022 tăng đột biến lên mức 934 tỷ đồng.

Ngoài pháp nhân này, nhóm Bảo Tín Mạnh Hải còn có một số doanh nghiệp khác trong lĩnh vực vàng như Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Kinh Bắc hay Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Hải Dương.

Không chỉ vậy, ông Vũ Sơn Tùng cũng hiện là cổ đông nắm 45% cổ phần tại Công ty TNHH Tư vấn và Quản lý Đầu tư Bảo Tín kiêm vai trò Chủ tịch HĐQT (thành lập tháng 7/2016).

Ngoài ông Tùng, hai cổ đông góp vốn còn lại là ông Đỗ Mạnh Cường (45%) và ông Đinh Ngọc Dương (10%). Theo tìm hiểu, ông Đinh Ngọc Dương hiện là Phó Viện Trưởng phụ trách Viện Kinh tế Pháp luật Quốc tế.

Bên cạnh lĩnh vực kinh doanh truyền thống, Bảo Tín Mạnh Hải từng có tham vọng trong lĩnh vực buôn bán xe ô tô. Năm 2007, showroom Sơn Tùng Auto được thành lập bởi ông Vũ Sơn Tùng.

Vốn điều lệ ban đầu của Ô tô Sơn Tùng là 20 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông gồm ông Nguyễn Quang Trọng (17,5%), ông Phan Hoàng Sơn (17,5%), ông Vũ Sơn Tùng (30%), bà Sầm Thị Huệ (17,5%) và ông Nguyễn Tiến Hải (17,5%).

Sau nhiều lần thay đổi, tháng 4/2020, doanh nghiệp chỉ còn 2 cá nhân là bà Sầm Thị Huệ (66,010%) và ông Nguyễn Quang Trọng (33,99%). Ô tô Sơn Tùng sau đó đổi tên thành Công ty TNHH Huệ Minh Auto Việt Nam.

Về tình hình kinh doanh, doanh thu thuần Bảo Tín Mạnh Hải năm 2022 tăng đột biến lên mức 934 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với 2 năm trước đó (năm 2020 và 2021 lần lượt đạt 79,1 tỷ đồng và 64,9 tỷ đồng). Do đó, lãi ròng doanh nghiệp đạt 1,8 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lỗ 2,7 tỷ đồng và 2020 lỗ 1,9 tỷ đồng.

Tại thời điểm ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Bảo Tín Mạnh Hải ở mức 162,3 tỷ đồng, tăng gần 67% so với số đầu kỳ. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu ở mức 98 tỷ đồng, nợ phải trả là 64,3 tỷ đồng (tăng gấp hơn 64 lần).

Dấu ấn Sunshine Group tại Bảo Tín Mạnh Hải

Bảo Tín Mạnh Hải từng có kế hoạch lấn sân sang lĩnh vực địa ốc khi hợp tác cùng Hợp tác xã dịch vụ Hạ Đình thực hiện một dự án địa ốc nằm tại nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến. Diện tích khu đất xây dựng công trình là 4.925,2m2, tổng diện tích sàn xây dựng là khoảng 51.193m2.

Khi đó, chủ đầu tư của dự án là công ty TNHH Bảo Tín Sơn Tùng. Được biết, Bảo Tín Sơn Tùng (thành lập năm 2007) là pháp nhân từng thuộc nhóm Bảo Tín Mạnh Hải.

Tại tháng 7/2016, cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp bao gồm: Ông Vũ Sơn Tùng (20%) và người cùng địa chỉ nhà là bà Nguyễn Thị Thanh Vân (80%).

Vàng tăng giá vùn vụt, hệ sinh thái Bảo Tín Minh Châu làm ăn ra sao?- Ảnh 3.

Sau nhiều năm, dự án Sunshine Boulevard vẫn bị bỏ trống.

Tháng 3/2017, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine xuất hiện trong danh sách cổ đông với tỷ lệ sở hữu 20%. Hai cổ đông còn lại vẫn là bà Nguyễn Thị Thanh Vân (60%) và ông Vũ Sơn Tùng (20%).

Khi đó, Chủ tịch Sunshine Group Đỗ Anh Tuấn, nắm các vị trí Tổng giám đốc, kiêm người đại diện theo pháp luật Bảo Tín Sơn Tùng.

Tháng 10/2020, Sunshine nâng tỷ lệ sở hữu lên 35%. Đặc biệt, dường như nhóm Bảo Tín Mạnh Hải đã thoái toàn bộ vốn và thay thế là Công ty Sunshine Marina Nha Trang (51,67%) và ông Đinh Hữu Cảnh (13,33%).

Song song với sự xuất hiện của nhóm ông Đỗ Anh Tuấn, dự án tại nút giao Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến cũng sở hữu tên mới là Sunshine Boulevard. Đây là một trong những dự án nối tiếng trên "đất vàng" nhưng vẫn bị bỏ trống nhiều năm tại Hà Nội.

Tính đến cuối tháng 3/2023, các cổ đông tại Bảo Tín Sơn Tùng gồm: Sunshine Marina Nha Trang (55%), Công ty TNHH Thiết kế Công trình Trịnh Gia (35%) và ông Đinh Hữu Cảnh (10%). Trong đó, Sunshine Marina Nha Trang hay Trịnh Gia đều là những pháp nhân liên hệ đến nhóm Sunshine.

Hiện tại, Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là ông Đỗ Văn Trường. Ngoài pháp nhân này, ông Trường còn đứng tên nhiều công ty khác như: Công ty Cổ phần Sao Anh Dương, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunshine, Công ty Cổ phần Bất động sản Fulland, Công ty Cổ phần Sunshine CAB…

Vàng Bảo Tín là một trong những thương hiệu có tiếng nhất trên thị trường kim hoàn phía Bắc từ vài chục năm nay.

Đồng hành cùng Vàng Bảo Tín là một loạt các thương hiệu khác như Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải, Bảo Tín Thanh Vân… Ít ai biết rằng, chủ sở hữu của những cửa hàng này lại đều là anh em cùng nhà kế nghiệp từ mẹ.

Được biết, người sáng lập ra thương hiệu Bảo Tín chính là bà Lương Thị Điểm. Bà Điểm sinh năm 1936 tại Hà Nội. Thời kháng chiến chống Pháp, bà cùng chồng là ông Vũ Văn Khâm tham gia dân công làm nhiệm vụ tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khi hòa bình, ông Khâm được điều về làm công nhân cho Tổng Cục đường sắt. Bà cũng theo chồng chuyển công tác từ ga Thanh Hóa, về Phủ Lý, Thường Tín quê bà và sau cùng định cư ở thị trấn Văn Điển (Hà Nội).

Nhìn cơ nghiệp của bà Điểm, ít người hình dung được bà chủ của hệ thống vàng Bảo Tín hôm nay từng là người phụ nữ ngày ngày bán ốc luộc, khoai lang ở cổng chợ Văn Điển ngày nào. Nghề vàng cũng từ việc bán thuê, bán hộ mà ra.

Ông Khâm và bà Điểm có 6 người con, 3 trai 3 gái, trong đó có đến 5 người theo nghiệp vàng của bố mẹ.

Năm người con của ông bà sau khi đứng ra kinh doanh riêng đều đặt tên thương hiệu bằng chữ Bảo Tín kèm với tên của mình (Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Hồng Quân, Bảo Tín Mạnh Hải, Bảo Tín Thanh Vân, Bảo Tín Hoàng Long). Hiện bà Điểm vẫn tiếp tục quản lý cửa hàng vàng Bảo Tín trên đường Ngọc Hồi, thị trấn Văn Điển, Hà Nội cùng cô con gái út.

Trong số những cái tên này, Bảo Tín Minh Châu và Bảo Tín Mạnh Hải là hai thương hiệu nổi bật hơn hẳn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.