Vàng trang sức là một trong hai loại vàng bị xuất lậu ra nước ngoài |
Chênh lệch càng lớn, xuất lậu càng tăng
Tính từ tháng 3 đến nay, giá vàng trong nước diễn biến trong xu hướng giảm. Đồng thời, nhiều năm nay, thị trường vàng mới xuất hiện tình trạng giá trong nước thấp hơn giá vàng thế giới. Có lúc, mức chênh lệch giá giữa 2 thị trường lên tới 600 - 700 ngàn đồng/lượng (trong khi có thời điểm, giá trong nước đắt hơn thế giới tới trên 6 triệu đồng/lượng). Diễn biến này làm dấy lên lo ngại vàng bị xuất lậu. Để việc này kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng chảy máu vàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia ngành vàng quốc tế cho rằng, nguyên tắc chung, cứ khi nào có chênh lệch khoảng 2% giữa giá vàng trong nước và quốc tế là có hiện tượng nhập/xuất lậu vàng.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, vàng thế giới giao ngay quanh ngưỡng 1.272,86 -1.273,31 USD/ounce. Mức giá này quy đổi tương đương (chưa kể thuế, phí) 34,145 triệu -34,295 triệu đồng/lượng. Trong khi, giá vàng miếng SJC trong nước giao dịch 33,920 triệu -34,020 triệu đồng/lượng, rẻ hơn giá thế giới khoảng 150.000-270.000 đồng/lượng (giá mua vào - bán ra). Có thời điểm, vàng trong nước rẻ hơn thế giới 600.000-700.000 đồng/lượng. |
Ông Khánh dẫn chứng cụ thể, ở Ấn Độ, thuế nhập khẩu vàng 10% trong khi ở Thái Lan 0%. Chính vì chênh lệch quá lớn như vậy nên năm 2013 - 2014, hàng trăm tấn vàng nữ trang từ Thái Lan được xuất sang Ấn Độ theo tinh thần Hiệp ước tự do mậu dịch giữa hai bên.
Theo ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam, mức chênh lệch chỉ cần 1% vẫn có thể dẫn đến xuất lậu vàng, bởi vàng có giá trị vật chất rất lớn. Nếu giá vàng là 33 triệu đồng/lượng mà lợi nhuận là 2% nghĩa là một lượng sẽ lời 600 nghìn đồng. Chỉ cần mang trót lọt qua biên giới vài lượng vàng - hết sức nhỏ gọn, dễ che giấu - tiền lời có thể vài triệu đồng rồi. “Giá vàng “nội” thấp hơn vàng “ngoại” thì hiện tượng chảy máu vàng ra khỏi biên giới là điều đương nhiên”, ông Hải nói.
Suốt năm 2015, khi giá vàng trong nước liên tục cao hơn giá vàng thế giới vài triệu đồng/lượng, tình trạng nhập lậu vàng nguyên liệu từ nước ngoài qua đường tiểu ngạch liên tục tái diễn. Vụ điển hình nhất là vào tháng 1/2015, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) đã bắt quả tang 33 bọc hàng hóa có trọng lượng hơn 33,5 kg vàng trang sức nhập lậu qua biên giới Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) với trị giá cả triệu USD.
Vàng nữ trang và vàng nguyên liệu đang bị xuất lậu do giá trong nước thấp hơn giá thế giới |
Xuất lậu vàng đổi lấy hàng hóa
Do vậy, khi vàng có hiện tượng đảo chiều theo hướng giá trong nước thấp hơn giá thế giới, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng đã cảnh báo về tình trạng vàng xuất ngược ra nước ngoài.
Theo ông Minh, hiện nay, xuất lậu vàng dưới hai hình thức: Một là, vàng nguyên liệu (vàng lượng, vàng bóng ký)… được cắt nhỏ và hai là vàng nữ trang. Đổi lại, bên cạnh nhận USD, đối tượng xuất lậu vàng cũng có thể nhận về một số mặt hàng có lợi nhuận cao hơn.
“Tuy nhiên, quy mô xuất lậu hiện nay rất nhỏ, không đáng kể. Theo dõi diễn biến trên thị trường cho thấy điều này không ảnh hưởng đến thị trường vàng trong nước. Hiện nay NHNN và Chi cục Quản lý thị trường, CA TP.HCM và các đơn vị cũng đang phối hợp tích cực trong vấn đề này”, ông Minh nói.
Lý giải thêm về việc xuất lậu vàng nữ trang, ông Dương Anh Vũ, chuyên gia ngành vàng (TP.HCM) cho rằng, chênh lệch vàng nội và ngoại chỉ vài trăm nghìn đồng/lượng. Nếu xuất khẩu “chính ngạch” vàng nữ trang đi nước ngoài sẽ phải chịu thuế cao nên sẽ không đem lại lợi nhuận cao. Trước đây, giá vàng trong nước cao hơn thế giới mà Việt Nam cũng không cho DN nhập khẩu vàng nên tình trạng nhập lậu vàng vẫn thường xuyên xảy ra.
“Cứ có độ chênh lệch giá giữa trong nước - thế giới ở ngưỡng nào đó ắt sẽ không tránh khỏi tình trạng nhập lậu hoặc xuất lậu. Dù thị trường vàng đã tương đối ổn định nhưng trước nguy cơ xuất lậu vàng ra ngoài biên giới vẫn cần bàn tay quản lý linh hoạt của cơ quan điều hành”, ông Vũ nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận