Thời sự

Vàng son một thuở

14/02/2016, 11:57

Cuộc chiến đấu trên mặt trận GTVT ở khắp miền Bắc là một thiên anh hùng ca của các chiến sỹ GTVT...

3

Ngành GTVT dũng cảm, thông minh, sáng tạo lập nhiều thành tích xuất sắc trên mặt trận GTVT trong thời kỳ chống Mỹ (Trong ảnh: CBCN ngành Đường sắt đặt ray tới ga Vinh ngày 25/4/1964)

“Cuộc chiến đấu trên mặt trận GTVT ở khắp miền Bắc là một thiên anh hùng ca của các chiến sỹ GTVT và của đồng bào ta dọc các tuyến đường”.

(Trích báo cáo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước Quốc hội khóa III, Kỳ họp thứ tư tại Hà Nội)

Đảng bộ GTVT T.Ư ra đời trong hoàn cảnh nào?

Ngày 27/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt lần thứ nhất và phát động phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt”. Chỉ mấy tháng sau, ngày 5/8/1964, Đế quốc Mỹ dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc bộ”, bắt đầu đánh phá miền Bắc với quy mô ngày càng ác liệt mà mục tiêu chủ yếu là hệ thống GTVT.

Trước tình hình đó, ngành GTVT đã sắp xếp lại tổ chức, chuyển hướng hoạt động phù hợp với thời chiến. Bộ GTVT lập “cơ quan tiền phương” gọi là “B4” ở Khu 4 do một Thứ trưởng phụ trách để trực tiếp điều hành các đơn vị, phối hợp với UBND các tỉnh, Quân khu 4, Bộ Tư lệnh 559 bảo đảm giao thông. Tháng 5/1965, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ được cử vào Trường Sơn làm Tư lệnh trưởng kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh 559 (lúc này đã được nâng lên cấp Quân khu).

Cuối năm 1965, Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân được lệnh bàn giao công việc ở B4 cho Thứ trưởng Dương Bạch Liên đang làm Thứ trưởng Thường trực ở Bộ vào, để nhận nhiệm vụ Phó tư lệnh Đoàn 559 cùng Đại tá Võ Bẩm chỉ đạo mở đường 20. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Mai từ Ban Công nghiệp T.Ư được điều về phụ trách chung và thường trực ở Bộ GTVT.

Đầu năm 1966, khi đường 20, một mắt xích quan trọng của đường Hồ Chí Minh sắp hoàn thành, đồng chí Phan Trọng Tuệ được lệnh bàn giao nhiệm vụ Tư lệnh Đoàn 559 cho đồng chí Võ Bẩm và nhiệm vụ Chính ủy cho đồng chí Vũ Xuân Chiêm để trở về với trách nhiệm Bộ trưởng Bộ GTVT.

Ngày 21 - 25/3/1966, một sự kiện có ý nghĩa lịch sử là ngành GTVT tổ chức Đại hội thi đua “Quyết tâm bảo đảm GTVT đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” tại Hà Nội, Quốc hội và Chính phủ đã ghi nhận và tuyên dương: “Ngành GTVT đã dũng cảm, thông minh, sáng tạo lập nhiều thành tích xuất sắc trên mặt trận GTVT”. Đặc biệt, Bác Hồ đến thăm và nói chuyện: “GTVT là một mặt trận. Mỗi cán bộ, công nhân, TNXP, xã viên vận tải là một chiến sỹ. Quyết tâm làm cho GTVT thắng lợi là chiến tranh đã thắng lợi phần lớn rồi”.

Ngày 30/9/1966, T.Ư Đảng quyết định thành lập Đảng bộ GTVT T.Ư bao gồm tổ chức Đảng các ngành: Đường bộ, Đường sắt, Đường biển, Đường sông, Công nghiệp giao thông, các Cục Công trình I và II, Ban 64, Ban 67, Cục Cơ khí, Cơ quan Bộ, Viện Thiết kế giao thông... Đảng ủy GTVT T.Ư do Bộ trưởng, ủy viên T.Ư Đảng Phan Trọng Tuệ làm Bí thư, cùng các ủy viên: Dương Bạch Liên, Hà Đăng Ấn, Trịnh Ngọc Điệt, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Hữu Mai, Vũ Quang, Hồ Sĩ Ngợi, Nguyễn Đình Tuy...

Trang sử oanh liệt

Sự ra đời và hoạt động của Đảng bộ GTVT T.Ư gắn liền với thời kỳ oanh liệt của dân tộc chống chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của giặc Mỹ. Cũng là thời kỳ mà ngành GTVT phát huy cao nhất truyền thống “Dũng cảm, thông minh, sáng tạo” đã được Quốc hội và Chính phủ ghi nhận, cùng với quân đội và nhân dân ta dọc các tuyến đường, dòng sông, những nơi có cây cầu, bến phà, hải cảng... đã chịu đựng, hy sinh và tổn thất to lớn, đóng góp sức người, sức của với tinh thần “xe chưa qua, nhà không tiếc”.

Toàn ngành với phương châm “4 trước” (dự kiến âm mưu, biện pháp đối phó, chuẩn bị vật tư và nhân lực, tranh thủ thi công trước); Với khẩu hiệu “Địch phá, ta sửa ta đi. Địch lại phá, ta lại sửa ta đi”, tiến lên phá thế độc tuyến để “Địch phá, ta cứ đi”. Biết bao tấm gương dũng cảm, hy sinh vì sự sống của con đường ra tiền tuyến.

Năm 1968, địch ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra, thực chất là tập trung lực lượng không quân, thực hiện ý đồ bẻ gẫy bằng được “vùng cán xoong” từ Nghệ An trở vào. Trước tình hình đó, tháng 8/1968, T.Ư thành lập Bộ Tư lệnh bảo đảm GTVT Khu VI do Bộ trưởng, Bí thư Đảng ủy GTVT T.Ư Phan Trọng Tuệ làm Tư lệnh trưởng, Tướng Đinh Đức Thiện và Tướng Lê Quang Hòa làm Phó Tư lệnh. Đảng ủy GTVT T.Ư và Bộ GTVT chỉ thị “Phải phát huy mạnh và tăng cường chỉ đạo vận tải ô tô”, ưu tiên dồn lực lượng cho chiến trường Khu IV. Đến ngày 1/11/1968, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và chấp nhận ngồi vào đàm phán. Tranh thủ thời cơ đó, chỉ sau 24 giờ, các tuyến đường bộ bắc xong cầu phao, có ca nô và phà ở các điểm vượt sông, QL1A thông tuyến vào đến Vĩnh Linh. Cũng chỉ sau ba ngày, đường sắt thông tuyến, ô tô ray kéo đoàn goòng vào tới Vĩnh Linh. Vận tải biển mở chiến dịch vận tải VT5...

Nhưng không được bao lâu, ngày 1/4/1969, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố ném bom trở lại hạn chế từ vĩ tuyến 20 trở vào, song tập trung đánh phá khốc liệt hơn vào GTVT. Ngày 9/5/1972, Nixon đích thân ra lệnh thực hiện chiến dịch thả thủy lôi lớn nhất trong chiến tranh phá hoại phong tỏa đường biển miền Bắc. Rồi cuối năm 1972, Mỹ tiến hành cuộc tập kích chiến lược bằng “pháo đài bay B52” vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều khu vực ở miền Bắc, hòng đưa “Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá” và giành thế mạnh tại bàn đàm phán ở Hội nghị Paris...

Với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và khát vọng thống nhất Tổ quốc, chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 buộc Mỹ phải chính thức ký Hiệp định Paris. Ngành GTVT khẩn trương khôi phục, hàn gắn vết thương nặng nề sau chiến tranh, tiếp tục phục vụ chiến dịch Tây Nguyên, giải phóng hoàn toàn miền Nam để có ngày vui đại thắng 30/4/1975. Năm 1974 đến 1976, Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Chính phủ, T.Ư Đảng quyết định Bộ trưởng Dương Bạch Liên làm Quyền Bí thư Đảng ủy GTVT T.Ư.

Hoàn thành sứ mệnh vẻ vang

Đảng bộ GTVT T.Ư sau hơn 10 năm hoạt động đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang trong thời chiến. Tháng 6/1977, T.Ư Đảng ra quyết định giải thể Đảng bộ GTVT T.Ư và thành lập Ban cán sự đảng Bộ GTVT. Các Đảng bộ trực thuộc Đảng ủy GTVT T.Ư được chuyển giao về trực thuộc cấp ủy địa phương nơi cơ quan, đơn vị đóng trụ sở. Chỉ có Đảng bộ Tổng cục Đường sắt Việt Nam là chuyển về trực thuộc Ban Bí thư T.Ư Đảng. Công đoàn GTVT T.Ư được đổi tên thành Công đoàn GTVT Việt Nam tiếp tục trực thuộc Tổng Công đoàn Việt Nam. Đoàn Thanh niên GTVT T.Ư được đổi tên là Đoàn TNCS HCM ngành GTVT...

Những năm tháng kháng chiến chống xâm lược, giải phóng và bảo vệ đất nước của ngành GTVT dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy GTVT T.Ư do Bộ trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Phan Trọng Tuệ đứng đầu là thời kỳ oanh liệt, dũng cảm, đầy hy sinh, với những sáng tạo và kỳ tích độc đáo mà kẻ thù cũng phải kinh ngạc và nể phục. Để ghi nhận, Đảng và Nhà nước ta đã tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho ngành GTVT (1995); Truy tặng Huân chương Sao vàng cho nguyên Bộ trưởng, Bí thư Đảng ủy GTVT T.Ư Phan Trọng Tuệ (2007), người lãnh đạo tài năng, đức độ được toàn ngành tôn kính, tin cậy và gần gũi như người anh cả của thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

 Nguyên Bí thư Đảng ủy Cơ quan Bộ,
nguyên ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.