Quản lý

Vật liệu làm cao tốc: Xử nghiêm chủ mỏ “vượt rào”, gỡ cơ chế GPMB

05/04/2023, 06:00

Trường hợp chủ mỏ bán vật liệu với giá cao, nhà thầu cần chủ động báo cáo để UBND tỉnh xử lý. Không có chuyện chủ mỏ muốn bán giá nào thì bán...

Kỳ 1: Trữ lượng đủ, công suất thiếu, giá “nhảy múa”

Kỳ 2: Lúng túng cấp phép khai thác mỏ đặc thù

Tình trạng các chủ mỏ lợi dụng “hét giá” vật liệu trong bối cảnh nhiều dự án giao thông lớn thi công đồng loạt và khó khăn trong cấp mỏ đặc thù đòi hỏi sự vào cuộc rốt ráo hơn nữa từ các cấp, ngành chức năng.

Thu hồi giấy phép mỏ tăng giá vượt niêm yết

img

Hiện các địa phương đang hy vọng hướng dẫn mới sẽ được Bộ TN&MT ban hành trong tháng 4 để sớm tháo gỡ nút thắt trong cấp phép mỏ vật liệu (Trong ảnh: Thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ)

Tiếp nhận phản ánh của PV Báo Giao thông về tình trạng một số chủ mỏ “hét giá” vượt mức niêm yết, gây khó khăn cho nhà thầu huy động vật liệu bứt tốc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, ông Nguyễn Quốc Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị này đã yêu cầu các chủ mỏ công khai niêm yết giá để gửi về Sở.

Sắp tới, địa phương sẽ thành lập đoàn thanh, kiểm tra các mỏ về các nội dung như: Trữ lượng; công suất khai thác; xác định lại xem với trữ lượng đã cấp đã xuất bán bao nhiêu, còn lại bao nhiêu; hóa đơn xuất ra để xác định bán có hóa đơn hay không. “Đoàn sẽ chú trọng việc kiểm tra, niêm yết giá, bán ra, có tình trạng bán nhiều nhưng xuất hóa đơn ít hay không?”, ông Hà thông tin.

Tại Quảng Ngãi, Q. Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung khẳng định, hiện các mỏ VLXD trên địa bàn đã công bố giá. Quy hoạch mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc, xây dựng khu tái định cư đã có.

“Trường hợp chủ mỏ bán với giá cao, các nhà thầu cần chủ động báo cáo để Sở tham mưu UBND tỉnh xử lý. Không có chuyện chủ mỏ muốn bán giá nào thì bán”, ông Trung nói và lưu ý, đối với các mỏ đã có giấy phép thăm dò, nếu việc thăm dò của chủ mỏ diễn ra chậm nhằm “câu giờ”, chủ đầu tư, nhà thầu cần phản hồi ngay. Nếu phát hiện có tình trạng trên, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh rút giấy phép.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh khẳng định, tất cả các mỏ VLXD được địa phương đưa vào quy hoạch phục vụ dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đều được giám sát chặt.

Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm việc găm hàng, đầu cơ, bán vượt giá công bố để trục lợi. Đơn vị nào vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép khai thác mỏ.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, vừa qua, hiệp hội đã đề nghị Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) kiểm tra, rà soát lại đơn giá vật liệu xây dựng tại các địa phương công bố có chính xác, sát với thị trường hay không, tránh tình trạng địa phương công bố một đằng, chủ mỏ bán một nẻo.

Đề xuất giải pháp giúp nhà thầu có được nguồn vật liệu ổn định với giá thành phù hợp, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cho rằng, đối với các mỏ đã đấu thầu, đang khai thác, địa phương có thể mời chủ mỏ làm việc cùng chủ đầu tư, nhà thầu thương thảo dành riêng khối lượng vật liệu tại mỏ phục vụ công trình cao tốc.

Nhà thầu đồng thời cam kết chỉ mua vật liệu tại mỏ được giới thiệu với giá bán bằng giá niêm yết tại địa phương.

Đồng quan điểm, theo đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), các tỉnh, thành có thể yêu cầu doanh nghiệp mỏ cam kết trữ lượng cho dự án theo nhu cầu tư vấn đã đưa ra và giá cả.

Nếu chủ mỏ không cung cấp, hết hạn cấp phép sẽ không gia hạn hoặc điều chuyển cho doanh nghiệp khác có cam kết cung cấp vật liệu cho dự án.

Địa phương làm “trọng tài”

Đầu tháng 4/2023, việc gỡ khó cho công tác cấp phép mỏ đặc thù cho nhà thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 đón tín hiệu tích cực.

Tiết lộ với PV, một lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tại buổi làm việc mới đây, lãnh đạo Bộ TN&MT đã cơ bản thống nhất sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét để có một văn bản đưa ra nguyên tắc cụ thể để các địa phương thực hiện thuận lợi trong công tác GPMB mỏ vật liệu thi công dự án.

“Chúng tôi kỳ vọng hướng dẫn mới sẽ được Bộ TN&MT ban hành trong tháng 4/2023”, vị này chia sẻ.

Trước đó, gửi văn bản trả lời Báo Giao thông ngày 28/3/2023, ông Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) cho biết, Thông báo 167 ngày 25/11/2022 của Bộ TN&MT đã có hướng dẫn, đối với các mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án thuộc các hạng mục của dự án được phê duyệt theo quy định thì thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất theo quy định (khoản 1, Điều 62, Luật Đất đai).

Các địa phương sẽ thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định, kinh phí sử dụng từ nguồn kinh phí GPMB dự án.

Mặc dù vậy, một cán bộ thuộc TEDI cho rằng, những hướng dẫn của Bộ TN&MT chưa đi tận cùng vấn đề khi các địa phương chưa rõ các mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường có thuộc hạng mục của dự án hay không? Hình thức khai thác mỏ nào sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính.

“Phương án hài hòa nhất trong GPMB mỏ vật liệu hiện nay là đền bù tài sản trên đất một thời gian nhất định với ràng buộc phải tính chi phí tài sản trên đất và tài sản phát sinh cho chủ sở hữu trong thời gian khai thác mỏ.

Sau khi khai thác xong, mặt bằng mỏ vật liệu sẽ được bàn giao lại cho chủ sở hữu”, cán bộ TEDI nêu quan điểm.

Chia sẻ thêm, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, theo quy định của Luật Khoáng sản, mỏ vật liệu xây dựng thông thường không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất. Việc thu hồi mặt bằng muốn thực hiện đòi hỏi phải trình Quốc hội thông qua nghị quyết.

Trường hợp không thể thu hồi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thuê có thời hạn mặt bằng khai thác là hai cách để công tác GPMB mỏ vật liệu đặc thù được thuận lợi, thời gian cấp phép mỏ đặc thù được đẩy nhanh, giúp nhà thầu chủ động nguồn vật liệu, tránh tình trạng rủi ro bị ép giá từ các mỏ thương mại.

“Vấn đề đặt ra là giá chuyển nhượng sẽ thế nào? Giá thuê và bồi thường cây cối, hoa màu ra sao? Quá trình đàm phán, địa phương cần đứng ra làm trọng tài để người dân và nhà thầu thống nhất được giá bồi thường, chuyển nhượng hoặc cho thuê tốt nhất; Đồng thời, có sự xác nhận để nhà thầu được chủ đầu tư thanh, quyết toán theo giá thương thảo với người dân. Không thể để tình trạng người dân đưa ra mức giá “trên trời”, gây khó cho nhà thầu.

Bộ TN&MT cũng cần có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp chuyển nhượng, kinh phí sẽ được lấy từ đâu, sau khi hoàn thành khai thác thì nhà thầu bàn giao lại như thế nào, cho cấp thẩm quyền nào quản lý?”, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng gợi mở thêm.

Bổ sung vật liệu chưa có trong danh sách công bố giá

Bộ Xây dựng cho biết đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT cung cấp các thông tin vật liệu sử dụng thi công các dự án cao tốc và phối hợp với các địa phương để chủ động xác định công bố giá vật liệu trên địa bàn.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương chủ động phối hợp với chủ đầu tư những dự án cung cấp danh sách các loại vật liệu xây dựng có trên thị trường tại địa phương, được phép sử dụng trong thiết kế dự án/công trình đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn, nhưng chưa có trong danh sách công bố giá vật liệu của địa phương hoặc đã công bố giá nhưng chưa đúng với giá trị trường để điều chỉnh, bổ sung kịp thời phục vụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo đúng quy định.

Tái khởi động mỏ cát “treo”

Tại khu vực ĐBSCL, trước tình trạng khối lượng vật liệu cát mới chỉ đáp ứng được 3 triệu m3 trên tổng số hơn 18 triệu m3 cần cho hai dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau, ông Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, địa phương này đã có những bước chuẩn bị tái khởi động các mỏ cát đã tạm dừng khai thác trước đó.

“Sau khi quy hoạch chung các mỏ cát ở tỉnh Vĩnh Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng tôi sẽ cho đấu thầu để khai thác cát. Tỉnh cũng đã thống nhất gia hạn một số mỏ cát để đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh, trước mắt là cho dự án cao tốc trong vùng”, ông Liệt thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.