Ẩm thực

Vây cá mập được ví như thuốc bổ thượng hạng, xa xỉ nhưng có thực sự tốt?

28/06/2022, 12:00

Món ngon đắt đỏ và quý hiếm này liệu có thực sự tốt cho sức khỏe như lời đồn.

Theo ghi chép trong lịch sử Trung Quốc, từ thời nhà Minh vây cá mập được xem là một món ngon quý hiếm. Đến thời nhà Thanh, vây cá mập đã trở thành món ăn không thể thiếu trong các bữa tiệc lớn của triều đình. Vào cuối thời nhà Thanh, danh tiếng về vây cá mập lan rộng ra nước ngoài.

img

Nếu trước đây chỉ có những gia đình giàu có, quyền quý mới được ăn vây cá mập, bây giờ việc mua bán trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Tại các nhà hàng cao cấp ở Trung Quốc đều bán vây cá mập, rẻ nhất cũng chỉ vài chục tệ một bát, hầu hết mọi người đều có thể thưởng thức.

Điều này là do nguồn cung dồi dào nhưng theo thời gian, công nghệ đánh bắt hiện tại cùng với nhu cầu người dân tiêu thụ tăng cao, nó dẫn tới thảm họa cho sự sinh trưởng của cá mập.

img

Vì giá trị của thịt cá mập rất thấp, trong khi phần vây của nó mới là thứ đáng giá nhất nên sau khi đánh bắt được cá mập, người ta chỉ cắt vây rồi vứt xác cá mập xuống biển. Cách làm này sẽ giúp họ tiết kiệm được chi phí, giết nhiều cá mập hơn và có thêm khoảng trống trên thuyền để chứa vây.

Những con cá mập không vây này không có khả năng bơi, có thể chết hoặc trở thành thức ăn cho những sinh vật khác. Mỹ đã cấm loại hình đánh bắt này từ năm 2000.

img

Vào tháng 8 năm 2001, cảnh sát biển Mỹ đã bắt giữ một tàu đánh bắt cá mập gần San Diego và phát hiện trên tàu không có xác cá mập nhưng có 32 tấn vây cá mập, tương đương với hơn 20.000 con cá mập đã bị giết.

Liên hợp quốc đã ước tính rằng 10 triệu con cá mập bị giết mỗi năm. Tình hình thực tế có thể nghiêm trọng hơn rất nhiều. Theo một nghiên cứu năm 2006 của Đại học Imperial College London, 38 triệu con cá mập bị giết mỗi năm vì thị trường vây cá mập. Và thị trường vây cá mập không ngừng mở rộng, tăng trưởng ước tính khoảng 5% mỗi năm.

img

Thực chất, bản thân vây cá mập không có mùi vị, có mùi hơi tanh, vị ngon của món súp làm từ nó chủ yếu đến từ nguyên liệu đi kèm. Vì vậy, vây cá mập rất dễ bị làm giả bằng các chất liệu như gelatin.

Tại sao vây cá mập lại được ưa chuộng như vậy? Điều này có liên quan tới văn hóa của người Trung Quốc, họ tin rằng nó là một loại thuốc bổ thượng hạng.

Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng, vây cá mập có tác dụng bổ khí, dưỡng can, khai vị. Trong khi đó, người sành ăn hiện đại cho rằng, vây cá mập là một bộ phận cực kỳ giàu chất dinh dưỡng, chứa nhiều collagen, giúp ngăn ngừa loãng xương, ung thư, làm đẹp da, kéo dài tuổi thọ.

Trên thực tế, dưới góc độ dinh dưỡng, vây cá mập không có giá trị dinh dưỡng đặc biệt. Thành phần chính của vây cá mập là collagen - một loại protein.

Cho dù protein có tác dụng thần kỳ như thế nào, việc tiêu thụ nó không thể có tác dụng trực tiếp ngay đối với cơ thể. Protein sẽ được tiêu hóa thành các axit amin trong dạ dày và ruột, sau đó được cơ thể con người hấp thụ.

img

Vì vậy, bất kể bạn ăn loại protein nào, kết quả đều giống nhau, nó được tiêu hóa thành các axit amin. Có 20 loại axit amin tạo nên protein.

Một số protein có trong trứng, sữa, thịt chứa tất cả 20 loại axit amin, được gọi là protein hoàn chỉnh và có giá trị dinh dưỡng cao hơn. Trong khi một số protein thực vật là protein không hoàn chỉnh, thiếu một số axit amin nhất định, giá trị dinh dưỡng kém.

Vì thế, giá trị dinh dưỡng của vây cá mập không cao, không thể so sánh với thịt cá chứa protein hoàn chỉnh.

Dù dựa trên quan điểm nào đi chăng nữa, việc ăn vây cá mập không có lợi, ngược lại nó còn gây hại cho sức khỏe. Hàm lượng thủy ngân và các kim loại nặng trong vây cá mập cao hơn nhiều so với các loại cá khác.

img

Điều này là do nước thải công nghiệp liên tục được xả ra đại dương làm cho hàm lượng kim loại nặng trong nước biển cao và xâm nhập vào cơ thể các sinh vật biển. Cá mập thường nuốt chửng các loài cá khác nên hàm lượng kim loại nặng tích tụ trong cơ thể nó cũng cao hơn.

Năm 2001, một cuộc kiểm tra ngẫu nhiên vây cá mập ở chợ Chinatown, Bangkok cho thấy, cứ 10 chiếc vây cá mập thì có 7 chiếc chứa hàm lượng thủy ngân cao gấp 42 lần lượng cho phép.

Một cuộc kiểm tra tại chỗ thị trường Hồng Kông năm 2008 cho thấy 8/10 chiếc vây cá mập chứa hàm lượng thủy ngân cao gấp 4 lần lượng cho phép.

img

Việc nấu nướng không loại bỏ được độc tính của thủy ngân hoặc các kim loại nặng.

Sau khi ăn vây cá mập, thủy ngân và các kim loại nặng khác đi vào cơ thể, khó đào thải ra ngoài mà tích tụ lại bên trong, có thể gây hại cho hệ thần kinh trung ương.

Ngoài ra, nó còn gây chóng mặt, nhức đầu, run cơ, loét miệng, tổn thương thận, rối loạn chức năng tình dục, sẩy thai…

Ăn vây cá mập cũng tương tự như ăn tổ yến và chân gấu, xương hổ, sừng tê giác và túi mật gấu. Tất cả đều được xem là dược liệu quý, một phần trong văn hóa bồi bổ sức khỏe truyền thống của Trung Quốc. Nhưng loại thực phẩm này không có cơ sở khoa học tốt cho cơ thể người.

img

Việc quá tin vào tác dụng của vây cá mập đang đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của các loài cá mập trên khắp thế giới. Việc cấm ăn vây cá mập rất khó thực hiện nhưng bạn nên có ý thức từ chối việc thưởng thức món ăn này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.