Ngày 17/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã công bố danh mục cổ phiếu thành phần của chỉ số Phát triển bền vững VNSI (Vietnam Sustainability Index) có hiệu lực từ ngày 7/8.
Theo đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) là một trong 20 cổ phiếu được đánh giá có chỉ số phát triển bền vững tốt nhất thị trường.
Chỉ số Phát triển bền vững Việt Nam (VNSI) được HOSE phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam ra mắt vào tháng 7/2017. VNSI được sử dụng để đánh giá đối với các công ty niêm yết dựa trên hơn 100 tiêu chí theo những nguyên tắc của OECD về quản trị doanh nghiệp và Tiêu chuẩn Toàn cầu về Báo cáo Phát triển bền vững (GRI).
Vietcombank ký kết hợp đồng tín dụng 300 triệu USD với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) để hỗ trợ cho các dự án năng lượng xanh và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Chỉ số VNSI phản ánh xu hướng đầu tư bền vững theo tiêu chí ESG với các mục tiêu: Xác định chuẩn phát triển bền vững cho các công ty niêm yết; Hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức và cá nhân xác định những doanh nghiệp có đặc tính "xanh" để đầu tư; Tăng cường xu hướng phát triển bền vững của toàn bộ nền kinh tế; Xác định các tiêu chí về thông lệ tốt nhất về môi trường, xã hội và quản trị; Bổ sung thêm một công cụ đầu tư mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng thị trường chứng khoán và nền kinh tế.
Tổng điểm các hạng mục đánh giá của VCB 2023 có sự gia tăng cho thấy ngân hàng này đã chủ động rà soát và từng bước cải thiện các tiêu chí về chính sách, hệ thống quản lý, chỉ số hiệu suất môi trường - xã hội, quản trị công ty, công bố và minh bạch thông tin….
Đến nay, tổng tài sản Vietcombank đã đạt trên 1,8 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế vượt mốc 1,5 tỷ USD. Với quy mô vốn hóa xấp xỉ 20 tỷ USD, Vietcombank đã ghi tên mình vào danh sách 100 ngân hàng niêm yết lớn nhất thế giới theo quy mô vốn hóa (theo xếp hạng của Reuter).
Giao dịch cổ phiếu VCB trong thời gian qua.
Tính đến hết tháng 6 năm 2023, huy động vốn và tín dụng của Vietcombank tăng trưởng lần lượt 6,6% và 2,6%; đạt quy mô tương ứng 1,3 và 1,2 triệu tỷ đồng. Chất lượng tín dụng được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 350%.
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã triển khai nhiều đợt giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Lũy kế đến hết 30/6/2023, Vietcombank đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm gần 87% tổng dư nợ của Vietcombank.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày 19/6, hàng loạt cổ phiếu quay đầu giảm khiến VN-Index đứt chuỗi 8 phiên tăng điểm liên tiếp. Trong bối cảnh đó, cổ phiếu VCB của Vietcombank trở thành điểm sáng khi tăng 2,1% lên lập đỉnh lịch sử mới tại mức giá 106.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn 33% so với đầu năm.
Vốn hóa thị trường của ngân hàng này tương ứng đạt hơn 504.000 tỷ đồng, tương đương 1/10 tổng giá trị vốn hóa toàn sàn chứng khoán. Con số nửa triệu tỷ đồng là mức vốn hóa cao kỷ lục mà một doanh nghiệp từng đạt được trong suốt 23 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam và Vietcombank là cái tên đầu tiên chạm đến ngưỡng lịch sử này.
Ngày 26/7 tới đây, Vietcombank sẽ chốt danh sách đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020. Theo đó, Vietcombank sẽ phát hành phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu tại ngày chốt quyền được nhận thêm 181 cổ phiếu mới).
Sau khi phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến sẽ tăng thêm gần 8.566 tỷ đồng, lên mức 55.891 tỷ đồng. Con số này sẽ đưa Vietcombank vượt qua VietinBank và BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn thứ hai hệ thống, chỉ sau VPBank. Theo Vietcombank, việc tăng vốn điều lệ sẽ tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động.
Ngoài phát hành cổ phiếu trả cổ tức, lãnh đạo Vietcombank cho biết ngân hàng còn đang triển khai 2 kế hoạch tăng vốn khác. Cụ thể, ngân hàng sẽ tăng vốn từ lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước trước năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đang triển khai phương án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến sẽ thực hiện được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2024.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận