Xã hội

Về làng đẽo cây tìm trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh

24/01/2024, 10:36

Từ những cây dó trầm, người thợ sẽ chế tác ra nhiều loại sản phẩm có giá trị kinh tế cao bằng sự kỳ công đục, tỉa để lần theo từng mạch dầu li ti nhằm lấy lõi trầm hương mỏng dính ẩn bên trong thân cây.

Xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) từ lâu được xem là thủ phủ của cây dó bầu (hay còn gọi là dó trầm) với gần 2.000 hộ sản xuất. Trung bình mỗi hộ sở hữu từ một sào đến vài chục ha đất, trồng từ 50 đến hàng nghìn cây.

Về làng đẽo cây tìm trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh- Ảnh 1.

Cây dó bầu trưởng thành cao trung bình 20m, đường kính 30-40cm, tán rộng 8-10m. Sau 7-10 năm, thân cây xuất hiện nhiều lỗ nghĩa là có trầm tự nhiên, được giữ nguyên. Các lỗ hình thành do bị sâu đục thân tấn công, buộc cây tiết tinh dầu bảo vệ, từ đó tạo ra gỗ trầm (gỗ ngấm tinh dầu). Với cây không có lỗ, người dân bắt đầu khoan, đục lỗ trên thân, bôi dầu vào để kích thích cây tạo dầu, gỗ trầm (trầm nhân tạo). Sau 2,5 năm, những cây đã khoan lỗ có thể cho thu hoạch.Gỗ trầm được chế tác, trưng bày trong nhà, làm các đồ trang sức, mỹ nghệ. Tinh dầu trầm có tác dụng cải thiện bệnh viêm khớp, bệnh tiêu hóa, giảm hen suyễn và chăm sóc răng miệng…

Về làng đẽo cây tìm trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh- Ảnh 2.

Trước năm 1980, cây dó trầm được người dân địa phương xem là bình thường, chỉ khi nhiều người ở các địa phương khác đến khai thác, dó trầm trở nên có giá trị cao. Phong trào trồng dó ở Hà Tĩnh và nghề xoi trầm ở xã Phúc Trạch cũng từ đó mà thành.

Về làng đẽo cây tìm trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh- Ảnh 3.

Thời điểm cận Tết cổ truyền, những ngày này các cơ sở làm trầm hương, trầm cảnh tại xã Phúc Trạch, Hương Khê đang tất bật làm hàng để phục vụ thị trường.

Về làng đẽo cây tìm trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh- Ảnh 4.

Khi đẽo khúc cây thành những miếng gỗ nhỏ, thấy xuất hiện trầm màu đen, thợ sẽ dừng lại. Sau đó, họ dùng đục tỉa những phần gỗ trắng, để lại phần trầm màu đen. Thợ xoi, tỉa trầm thường là người trung niên, có kinh nghiệm, lương một ngày 250.000 đồng.

Về làng đẽo cây tìm trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh- Ảnh 5.

Ông Hiểu, 50 tuổi, một người có thâm niên đẽo cây tìm trầm hơn 30 năm qua cho biết, quê ông ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cũng hay làm nghề đẽo trầm. Dịp này ông cùng hai người trong xã đến tại Hà Tĩnh để làm theo thời vụ.Theo ông Hiểu, nghề đẽo, tỉa trầm cần tính kiên trì, tỉ mỉ và cẩn thận mới cho ra sản phẩm đẹp, chất lượng.

Về làng đẽo cây tìm trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh- Ảnh 6.

Những miếng trầm nguyên liệu được công nhân lấy ra từ cây dó bầu tại cơ sở sản xuất. Một kg trầm bán giá 10 triệu đồng trở lên.

Về làng đẽo cây tìm trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh- Ảnh 7.

Trung bình, một cây dó bầu cao khoảng 3m, đường kính 2cm, do người dân tự khoét lỗ, sẽ lấy ra được khoảng 4-5 lạng trầm. Còn những cây dó trầm có lỗ phát triển tự nhiên còn tùy thuộc nhiều yếu tố để xác định khối lượng trầm.

Về làng đẽo cây tìm trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh- Ảnh 8.

Nhiều cơ sở chế tác ra những cây trầm cảnh lớn để bán. Giá một cây trầm cảnh từ 2 triệu đồng đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng, có những sản phẩm trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Về làng đẽo cây tìm trầm nức tiếng ở Hà Tĩnh- Ảnh 9.

Những chiếc vòng tay được chế tác từ cây dó trầm.

Xã Phúc Trạch đã có hàng chục cơ sở với hàng trăm thợ trầm đang ngày đêm chế tác.

Lãnh đạo xã Phúc Trạch cho biết, toàn xã hiện có khoảng hơn 100 người theo nghề xoi dó trầm và kinh doanh các sản phẩm mỹ nghệ từ trầm.

Do cây dó bầu có giá trị kinh tế cao, chính quyền khuyến khích bà con phát triển. Hằng năm tổng số tiền thu về từ bán cây và chế tác sản phẩm trầm hương gần 60 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.