Chất lượng sống

Về thủ phủ “giày phong”

01/02/2017, 20:56

Gần 20 năm, xưởng đóng giày tại Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định) trở thành “thủ phủ”...

68

Những “dương bản” chân của bệnh nhân phong được tạo hình để đóng những đôi giày thích hợp - Ảnh: V.N

Gần 20 năm, xưởng đóng giày tại Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định) trở thành “thủ phủ” sản xuất quy mô lớn nhất, cho ra đời hàng trăm nghìn đôi giày cấp phát miễn phí cho bệnh nhân phong 11 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Khác với các cơ sở giày khác, mỗi chiếc giày ở đây là một số phận.

Công phu đóng “giày phong”

Những ngày cuối năm, mưa như trút nước khiến đường vào Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa nằm khuất sau ngọn đồi Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) thêm cách trở. Trong căn phòng nhỏ của xưởng sản xuất giày bày la liệt những vật dụng bằng da, xốp. Tiếng máy cắt, may, gõ, đóng đinh rền trong sự làm việc chuyên nghiệp của 6 người thợ đóng giày kỳ cựu. Vừa đạp máy may quai giày, ông Nguyễn Văn Tâm, Tổ trưởng Tổ đóng giày nói: “Đóng giày đẹp đã khó, đóng giày cho bệnh nhân phong càng phức tạp hơn. Giày ở đây không có số, không có kích thước, kiểu dáng chuẩn nhưng lại phải phù hợp với bệnh nhân phong”.

"Những bệnh nhân phong có cơ thể không lành lặn khiến họ tự ti, mặc cảm với người bình thường. Hơn nữa, cuộc sống của những người này cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại. Ở đây, anh em đã tạo ra những đôi giày phù hợp để bệnh nhân phong dễ dàng sinh hoạt trong cuộc sống đời thường hơn."

Ông Lê Việt Đức

Hàng chục năm gắn bó “thủ phủ” sản xuất giày đặc biệt này, ông Tâm như cuốn từ điển kỹ thuật về đóng giày phong. Theo ông Tâm, khâu đầu tiên trước khi đóng giày là phải kiểm tra chân để xác định được mức độ thương tật của bệnh nhân phong, lấy số đo bàn chân rồi vẽ khuôn phác thảo mẫu giày. “Với những bệnh nhân phong mà chân đã biến dạng như bị lật, vẹo, cụt hết ngón thì phải băng chân bệnh nhân bằng băng cuộn thạch cao để tạo âm bản. Sau đó, cho bột thạch cao và nước vào trong âm bản, đợi khi thạch cao bên trong khô mới tách âm bản, lấy dương bản rồi thiết kế mẫu giày”, ông Tâm tường tận.

Phụ trách tất cả các khâu đoạn để cho “ra lò” một đôi giày phù hợp với bệnh nhân phong, ông Tâm đúc kết: “Khó nhất là công đoạn làm đế giày. Bệnh nhân phong thường có tổn thương ở lòng bàn chân khiến bàn chân không cân bằng như bình thường nên đế giày phải được chế tạo vừa khít với lòng bàn chân. Khi sử dụng, trọng lượng cơ thể bệnh nhân sẽ phân đều lên đế giày để tránh những tổn thương mới và giúp những vết thương cũ mau lành hơn”.

Ông Lê Việt Đức, thợ đóng giày tại cơ sở này cho biết giày phong bắt buộc phải có quai hậu. Ngoài đế giày, quai giày cũng đặc biệt với độ tăng giảm, nới lỏng phòng khi chân bệnh nhân phong sưng viêm, hoặc băng bó để tránh tổn thương các mô.

69

Những đôi giày đặc biệt cho bệnh nhân phong - Ảnh: V.N

Mỗi đôi giày là một số phận

Ông Tâm tâm sự: Mỗi đôi giày không chỉ là kỹ thuật mà còn là tâm huyết, tình cảm, sự thấu hiểu và sẻ chia. Gần chục thợ giày tại xưởng từng công tác ở các vị trí khác nhau trong Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa. Năm 1997, khi bệnh viện mở xưởng đóng giày này, nhiều người tình nguyện xuống làm. “Một số người nghĩ chỉ làm trước mắt nhưng thoắt cái đã 20 năm. Gắn bó với bệnh nhân phong, thấy họ vui, ưng thuận đi giày là mình ấm lòng rồi”, ông Tâm nói.

Theo ông Lê Việt để đóng được giày, mọi người phải vào tận TP.HCM học nghề. Buổi đầu hoạt động của xưởng khó trăm bề. Cặm cụi mày mò, chế tác từng chiếc giày phong, người ở xưởng phải băng rừng lội suối, gõ cửa từng nhà người bệnh để vận động, giới thiệu, cung cấp giày miễn phí. “Nhiều người bị bệnh phong nhưng không chịu đo chân và dùng giày của mình đóng vì mặc cảm, sợ xã hội biết họ bị bệnh phong sẽ xa lánh”, ông Đức nhớ lại.

Năm 1997, hai tổ chức phi Chính phủ Handicap International (HI) và Hội Cứu trợ bệnh phong Hà Lan (NLR) tài trợ thành lập xưởng đóng giày tại Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa. Đây là một trong 7 cơ sở đóng giày cho người bệnh phong, ở các tỉnh Quảng Nam, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Kon Tum, Khánh Hòa, TP Quy Nhơn và TP Đà Nẵng. Trong đó, cơ sở tại Quy Nhơn lớn nhất, là nơi cung cấp vật tư, đào tạo kỹ thuật cho các nơi khác.

“Mỗi đôi giày là một số phận!”, ông Đức nói và kể về trường hợp bệnh nhân Trần Bửu Đức (trú TP Tuy Hòa, Phú Yên). Khi đến Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa điều trị, các bác sĩ chỉ định xuống xưởng để đóng giày nhưng bệnh nhân này nhất quyết chỉ đi các loại giày ngoài thị trường để che giấu bệnh tật. Nhiều ngày thuyết phục, ông Đức mới chịu mang thử đôi giày “chuẩn đến từng mi-li-mét” cho bàn chân mình. Rồi những tháng ngày đi thực tế, ông Đức mới thấy sự hữu dụng trong việc di chuyển và mới tin tưởng sử dụng giày của chúng tôi. Mỗi năm, đều đặn hai lần ông Đức bắt xe ra xưởng đặt hai đôi giày”.

46 tuổi, thợ giày Nguyễn Văn Quế cũng có thâm niên hơn chục năm đóng giày cho bệnh nhân phong. Theo ông, cảm xúc nhất khi trực tiếp thử đôi giày đã hoàn thành vào chân bệnh nhân. Ông Quế vẫn nhớ mãi bệnh nhân Thê’k tại Đắk Đoa (Gia Lai), người dân tộc Bana mắc bệnh phong bị dân làng ruồng rẫy phải vào rừng dựng bạt làm nhà. “Khi chúng tôi tìm đến, ông Thê’k đang sốt cao, đôi chân bị phong cùi “ăn” gần hết. Các “lỗ đáo” dưới chân chảy mủ xanh vón thành cục. Chúng tôi lập tức nhờ nhân viên y tế lo thuốc men cho để hạ sốt rồi mới đo chân đóng giày. Mất cả tuần, giày mới hoàn thành vì rất phức tạp. Lúc ông Thê’k tĩnh bệnh hồi phục sức khỏe, ông mừng rơn nhìn vào đôi giày mới, đôi giày đã giúp ông che những khuyết tật của căn bệnh phong, khiến ông tự tin trở về làng sinh sống”, ông Quế kể.

Theo bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Phó giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quy Hòa, với những người bị bệnh phong, một đôi giày vừa chân sẽ giúp họ đi lại thuận tiện và giảm thiểu những tai nạn, thương tật trong cuộc sống hàng ngày. Thống kê, mỗi năm xưởng giày này sản xuất khoảng 2.500 đôi giày cấp phát miễn phí cho bệnh nhân phong ở 11 tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên; trở thành thủ phủ đóng giày phong lớn nhất cả nước. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.