Hoạt động kinh doanh ngân hàng khởi sắc, giá cổ phiếu “họ” ngân hàng có sự bứt phá - Ảnh: Trần Hải |
Các chuyên gia tài chính cho rằng nguyên nhân là do nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn cao và tăng trưởng tín dụng vừa qua thực ra là cho vay mới để trả lãi và nợ cũ.
Cổ phiếu tăng nhờ tín dụng khởi sắc
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/6, cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chốt 19.950 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ 50 đồng/cổ phiếu so với ngày hôm trước. Tính chung trong một tháng qua, mã BID đã tăng giá 8,7% và trong 3 tháng qua tăng tới 29,31%.
BID là một trong những mã cổ phiếu “họ” ngân hàng liên tục tăng giá thời gian qua. Ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng duy trì được đà đi lên. Đơn cử như cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SHB), đã tăng 8,7% trong tháng và tăng 29,31% trong 3 tháng qua. Tương tự, cũng trong thời gian 1 tháng và 3 tháng, cổ phiếu STB của ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng lần lượt 11,81% và 26,79%; cổ phiếu VIB của ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB Bank) tăng lần lượt 1,35% và 30,06%; cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) tăng lần lượt 13,54% và 41,56%...
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 3, tổng tài sản có toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng nhẹ 2,63% so với đầu năm, vượt mức 8,7 triệu tỷ đồng. Theo đó, tổng tài sản có của các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước và NHTM cổ phần cùng tăng nhẹ hơn 2% lên lần lượt 3.946 nghìn tỷ đồng và 3.503 nghìn tỷ đồng; ngân hàng liên doanh, nước ngoài tăng 4,84% lên 868 nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ toàn hệ thống các TCTD tăng 2,18% so với đầu năm lên 499 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống ở mức 33,32%, trong đó tỷ lệ này tại các NHTM Nhà nước và NHTM cổ phần cùng vượt mức 37%; tại các công ty tài chính, cho thuê tài chính hơn 52%. |
Cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng tăng là nhờ hoạt động kinh doanh ngân hàng từ đầu năm đến nay diễn biến tích cực.
Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017 tổ chức hồi đầu tháng 6 vừa qua, nguyên Chủ tịch ngân hàng Liên Việt (LienVietPostBank) Dương Công Minh cho biết, tính đến ngày 31/5/2017, tổng vốn huy động của ngân hàng đạt 137 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng trên 94 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 5 tháng đầu năm của LienVietPostBank đạt trên 730 tỷ đồng và ước tính nửa đầu năm đạt 900 tỷ đồng, tương đương 60% kế hoạch năm.
Tại ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), 5 tháng đầu năm huy động trên 312 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với hồi đầu năm; dư nợ tín dụng đạt gần 213 nghìn tỷ đồng, tăng 9%. Lợi nhuận trước thuế 5 tháng đầu năm của Sacombank đạt trên 400 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ và tương đương 90% kế hoạch cả năm.
Đặc biệt, Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV), 5 tháng qua, huy động vốn đạt 826 nghìn tỷ đồng, dư nợ tín dụng 790 nghìn tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 7% so với đầu năm; Lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV giảm từ 2,14% cuối quý I/2017 xuống 1,64%. Năm 2017, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 7.750 tỷ đồng, cổ tức tối thiểu 7%.
Nợ xấu “ăn” lãi nhiều ngân hàng
Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp kết quả hoạt động của các ngân hàng khá lạc quan là tăng trưởng tín dụng đã khởi sắc trở lại. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tính đến ngày 25/5 đã đạt mức 6,53%, tăng 0,77% so với cuối tháng 4 và tăng 25% so với cùng kỳ năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 đạt 5,22%). Do mảng kinh doanh tín dụng thường đóng góp tới 80% doanh thu, lợi nhuận, nên những ngân hàng có dư nợ tín dụng tăng, lợi nhuận tăng cũng là dễ hiểu.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, cũng cảnh báo, dù Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất trong khu vực, nhưng tín dụng tăng không thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế. Đó là vì nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn cao và tăng trưởng tín dụng vừa qua thực ra là cho vay mới để trả lãi và nợ cũ. Chính vì vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đói tín dụng mặc dù tín dụng cho cả nền kinh tế tăng 18,25% trong năm 2016 và 6,53% trong 5 tháng đầu năm 2017. “Do đó, lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng thương mại thông qua xử lý nợ xấu và nâng vốn chủ sở hữu phải là ưu tiên chính sách hàng đầu”, ông Thành khuyến nghị.
Thực tế cũng cho thấy, dù đã rất nỗ lực xử lý, song nợ xấu tại một số ngân hàng vẫn tăng và đây cũng là những đơn vị có kết quả kinh doanh khá ảm đạm. Đơn cử như ngân hàng Hàng Hải (MaritimeBank), báo cáo cập nhật quý I/2017 cho thấy tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,36% lên 2,75% (trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm 2,25%, tương đương 750 tỷ đồng). Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của MaritimeBank đạt 34 tỷ đồng (giảm tới 90% so với quý I/2016), song chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng tới 65 tỷ đồng đã khiến ngân hàng này lỗ 31 tỷ đồng trong quý I (quý I/2016 lãi sau thuế 131 tỷ đồng).
Một ngân hàng khác có nợ xấu tăng từ 2,47% lên 2,55% là Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Quý I/2017, ngoại trừ thu nhập lãi thuần tăng 5%, đạt hơn 172 tỷ đồng, các mảng kinh doanh còn lại của PGBank hầu hết sụt giảm. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của PGBank tuy giảm gần 30%, còn hơn 22 tỷ đồng, nhưng chi phí hoạt động của ngân hàng tăng hơn 7% lên 111 tỷ đồng. Do vậy, lãi ròng của PGBank giảm 6% so với cùng kỳ, đạt 43 tỷ đồng.
Một bức tranh “ảm đạm” khác là ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank). Tính đến cuối quý I/2017, ngoại trừ lãi thuần hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 16% lên 24 tỷ đồng, các hoạt động chính khác đều ghi nhận lãi sụt giảm. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng này chỉ đạt vỏn vẹn 2 tỷ đồng, bằng 1/10 cùng kỳ năm 2016...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận