Trường Phổ thông Huế Star đóng tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế |
Theo đó, đã có 24 phòng học của Trường Phổ thông Huế Star (đóng tại xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) bị Ngân hàng Thương mại cổ phần công thương Việt Nam (Viettinbank) chi nhánh Nam Thừa Thiên- Huế niêm phong từ ngày 14/7.
Phụ huynh hoang mang
Ông Vệ Văn Lẫm- Hiệu trưởng Trường Phổ thông Huế Star cho biết, trường Phổ thông Huế Star là trường tư và ông không nằm trong hội đồng quản trị (HĐQT) nên không rõ chuyện nợ nần khiến trường bị niêm phong nhiều phòng học. HĐQT đã chỉ đạo cho nhà trường xin hoạt động một số phòng học cần thiết để phục vụ cho việc dạy và học trong năm học 2017-2018. Hiện hoạt động dạy và học của trường được bố trí tại 22 phòng học thuộc diện không bị niêm phong, ông Lẫm nói thêm.
Hiện trường Phổ thông Huế Star có 80 học sinh từ khối 6 đến khối 12. Trong năm học 2017-2018 nhà trường không tuyển học sinh lớp 6. Tổng cộng có 30 giáo viên giảng dạy tại trường, trong đó 10 giáo viên cơ hữu, còn lại là giáo viên dạy hợp đồng.
Theo ông Lẫm, Trường Phổ thông Huế Star đã đi vào hoạt động 8 năm, nếu trong tương lai doanh thu không đảm bảo thì sẽ xin phép tạm ngừng hoạt động. Trong trường hợp trường tạm ngừng hoạt động thì chỉ có thể xảy ra vào cuối năm học 2017-2018 để đảm bảo cho học sinh được học trọn vẹn năm học.
Được biết, Trường Phổ thông Huế Star thuộc Hệ thống giáo dục Huế Star, hoạt động theo quy chế tổ chức của các trường ngoài công lập và Điều lệ trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học của Bộ GD-ĐT. Trước đây hệ thống giáo dục này do ông Nguyễn Xuân Lý- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế làm Chủ tịch HĐQT.
Trước tình trạng này, nhiều phụ huynh có con đang theo học ở trường rất lo lắng vì học phí thu thì cao, từ 1,6-1,8 triệu đồng/tháng, chất lượng học được quảng cáo là “chất lượng quốc tế” nhưng giờ bị niêm phong phòng học vì mắc nợ, nguy cơ giải thể trường đang cận kề, con em không biết xin vào chỗ nào để học nếu trường đóng cửa.
24 phòng học bị đóng cửa khiến nhiều học sinh lo lắng |
Từ tháng 2/2014, chức vụ Chủ tịch HĐQT của hệ thống được bàn giao cho ông Bùi Đức Long- Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland. Đến tháng 7/2016, hệ thống giáo dục này do Nguyễn Tuấn Biên- Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng quản lý nhà An Trung Phát làm Chủ tịch HĐQT.
Trường nợ ngân hàng bao nhiêu?
Trao đổi PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Tuấn Biên Chủ tịch HĐQT trường THCS Huế Star cho biết, hiện HĐQT đang kêu gọi các nhà đầu tư, ngân hàng hỗ trợ đầu tư, trước mắt trường sẽ ổn định để học sinh tiếp tục học hết khóa học. Trên cơ sở đó trường sẽ xin ý kiến của Sở giáo dục và đào tạo tỉnh để có hướng giải quyết.
Ông Đặng Phước Mỹ - Phó Giám đốc Sở GDĐT Thừa Thiên-Huế cho hay sẽ có biện pháp đảm bảo quyền lợi cho học sinh trường này. Vấn đề cơ sở vật chất trường học do Trường Phổ thông Huế Star quản lý, còn Sở GDĐT tỉnh chỉ quản lý về mặt chuyên môn. Nếu việc niêm phong phòng học gây ảnh hưởng đến việc dạy và học thì Sở sẽ làm việc về chuyện này.
"Một trường học trước khi giải thể phải có báo cáo quy trình cụ thể để Sở GDĐT chỉ đạo đưa học sinh về học chỗ nào. Sau đó Sở sẽ họp với các phụ huynh và yêu cầu nhà trường phải giải quyết vấn đề chỗ học cho học sinh, không được để học sinh rơi vào cảnh không có chỗ học", ông Mỹ nói thêm.
Ông Phạm Bá Nam- Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Nam Thừa Thiên- Huế cho biết, việc Trường Phổ thông Huế Star bị niêm phong phòng học là do Hội đồng quản trị (HĐQT) Hệ thống giáo dục Huế Star đang nợ chi nhánh số tiền rất lớn. Cụ thể, hiện khoản nợ này lên đến hơn 60 tỷ đồng (gồm cả gốc, lãi) và rất lâu rồi phía HĐQT Hệ thống giáo dục Huế Star không trả nợ cho ngân hàng.
Nợ hơn 60 tỷ đồng không trả, trường PT Huế Star bị ngân hàng niêm phong phòng học |
Theo ông Nam, Ban Giám đốc Vietinbank chi nhánh Nam Thừa Thiên- Huế trước đây đã tạo điều kiện hết sức cho Hệ thống giáo dục Huế Star trong vấn đề trả nợ vì đây là ngành tương đối đặc biệt chứ không phải giống như doanh nghiệp thông thường. Việc tạo điều kiện là để phía HĐQT hệ thống tìm đối tác nhằm có đầu ra cũng như nâng cao chất lượng giáo dục, qua đó thu hút được học sinh. Tuy nhiên vì địa bàn Huế khó khăn nên kết quả thu được không đáng kể.
Ông Nam cho biết thêm, hiện Vietinbank chi nhánh Nam Thừa Thiên- Huế đang tích cực tìm đối tác đầu tư vào Hệ thống Giáo dục Huế Star nhằm tạo ra hệ thống giáo dục ở tỉnh chất lượng. Động tác lấy tài sản để bán chỉ là giải pháp cuối cùng.
Việc để Trường Phổ thông Huế Star tiếp tục hoạt động thì khi có nhà đầu tư tới sẽ được mua với giá cao hơn. Tuy nhiên, trên thực tế HĐQT Hệ thống giáo dục Huế Star không muốn nuôi bộ máy của trường này nữa. Ông Nam nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận