An ninh hình sự

Vì sao anh em đại gia Lã Quang Bình bị Bộ Công an đề nghị truy tố?

16/10/2024, 13:14

Cơ quan An ninh điều tra cáo buộc, từ năm 2021 đến tháng 2/2023, bị can Lã Quang Bình và đồng phạm sử dụng hơn 60 công ty lập khống hồ sơ để được giải ngân trái quy định tổng cộng hơn 2.200 tỷ đồng.

Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án liên quan Lã Quang Bình (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty ECPAY) và đề nghị truy tố ông Bình cùng 15 bị can về các tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ và Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Trước khi vướng lao lý, ông Bình ngoài chức danh nêu trên còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư thương mại dịch vụ Điện lực (ECInvest), Tập đoàn LALUNA và khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel).

Vì sao anh em đại gia Lã Quang Bình bị Bộ Công an đề nghị truy tố?- Ảnh 1.

Bị can Lã Quang Bình cùng em gái Lã Thị Phương Liên đều bị đề nghị truy tố.

Theo cáo buộc, từ năm 2005-2016, ông Bình thành lập một số công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong đó, Công ty ECPAY làm đại lý trung gian thu hộ tiền điện theo hợp đồng đã ký với các công ty điện lực.

Từ tháng 4/2016 đến 12/2020, bị can Bình bị cáo buộc sử dụng 8 công ty lập hồ sơ vay tiền tại ngân hàng với mục đích thanh toán ứng trước tiền điện cho các công ty điện lực và đầu tư kinh doanh bất động sản.

Đến giai đoạn 2018-2020, Công ty ECPAY được cấp hạn mức tín dụng 1.000 tỷ đồng/năm, tài sản bảo đảm là các hợp đồng tiền gửi và trái phiếu do ngân hàng phát hành. Bên cạnh đó, các công ty khác của Lã Quang Bình cũng được cấp hạn mức tín dụng 100 tỷ đồng/năm, gồm 50% được bảo đảm bằng các hợp đồng tiền gửi và 50% vay tín chấp. 

Cơ quan điều tra xác định, cuối năm 2020, Công ty ECPAY kinh doanh đình trệ. Ông Bình sử dụng tiền vào hoạt động lĩnh vực bất động sản nên các khoản vay từ nhà băng bị quá hạn. Các công ty điện lực cũng dừng hợp tác khiến công ty này bị mất nguồn thu, khoản vay của doanh nghiệp rơi vào diện nợ xấu.

Năm 2021, Đoàn kiểm tra của ngân hàng tiến hành kiểm toán đối với chi nhánh ở Hà Nội và phát hiện Công ty ECPAY sử dụng vốn sai mục đích hơn 258 tỷ đồng. Đến tháng 5/2021, tổng dư nợ của 5 công ty liên quan bị can Bình lên đến hơn 1.400 tỷ đồng.

Sau đó, ngân hàng yêu cầu chi nhánh ngừng giải ngân cho vay, thu hồi khoản nợ đến hạn với Công ty ECPAY, song bị can Lã Quang Bình vẫn cấu kết với nhóm cán bộ chi nhánh nhà băng lập khống hồ sơ để giải ngân.

Cáo buộc nêu, ông Bình lập công ty mới, thuê người đứng tên đại diện pháp nhân rồi cùng đồng phạm làm giả giấy tờ, hợp thức hồ sơ vay tiền. Từ năm 2021 đến tháng 2/2023, ông Bình và đồng phạm sử dụng hơn 60 công ty lập khống hồ sơ để được giải ngân trái quy định tổng cộng hơn 2.200 tỷ đồng.

Với những hành vi trên, cơ quan điều tra cho rằng, đối chiếu dư nợ và giá trị tài sản đảm bảo, các bị can gây ra tổng thiệt hại cho ngân hàng là hơn 1.086 tỷ đồng. 

Ngoài hành vi trên, đại gia Lã Quang Bình còn bị xác định vay lãi nặng của nhiều cá nhân và có sự tham gia của một số cựu nhân viên ngân hàng. 

Cụ thể, các bị can Nguyễn Hoài Anh, Phạm Như Hà, Vương Thị Bích Ngọc, Nguyễn Hải Long bị cáo buộc cho ông Bình vay với các mức lãi suất trái quy định (ví dụ như 146%/năm, 182,5%/năm...) để hưởng lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.