Bóng đá

Vì sao bóng đá miền Tây lạc nhịp?

23/03/2020, 06:30

Từng có quá khứ đáng tự hào nhưng giờ đây bóng đá miền Tây lại đang gặp vô vàn khó khăn, gần như biến mất khỏi bản đồ bóng đá đỉnh cao Việt Nam.

img
CLB Long An chưa thể trở lại V-League sau 2 năm xuống hạng

Đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng đáng buồn này?

Nỗi buồn bóng đá miền Tây

V-League 2020 là mùa giải thứ hai liên tiếp bóng đá miền Tây không đóng góp đại diện nào ở sân chơi cao nhất bóng đá Việt Nam. Trước đó, 3 năm liên tiếp, V-League chia tay các đội bóng miền Tây gồm Đồng Tháp (2016), Long An (2017) và Cần Thơ (2018). Đến nay, cả ba cái tên này vẫn đang thi đấu tại Giải hạng Nhất Quốc gia.

Đây là thực tế hết sức đáng buồn bởi bóng đá xứ Tây Nam bộ từng có một thời hào hùng. Đồng Tháp hai lần lên ngôi vô địch giải quốc gia giai đoạn trước chuyên nghiệp (1989, 1996). Trong khi đó, Long An (tiền thân là Đồng Tâm Long An) cũng hai lần thống trị V-League (2005, 2006). Cần Thơ tuy chưa lần nào được nâng cúp nhưng trong quá khứ nhiều thời điểm là thách thức không nhỏ ở V-League.

Trên bình diện đội tuyển quốc gia, cầu thủ miền Tây cũng vắng bóng hoàn toàn trong vài năm trở lại đây. Đội hình tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 không có bất kỳ cái tên nào gốc ĐBSCL. 10 năm trước, đội hình Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 có tới 8 danh thủ miền Tây gồm: Đoàn Việt Cường, Phan Thanh Giang, Nguyễn Minh Phương, Phan Thanh Bình, Nguyễn Việt Thắng, Phan Văn Tài Em, Nguyễn Vũ Phong và Trần Trường Giang.

Theo ông Võ Thành Nhiệm, Chủ tịch CLB Long An, nguyên nhân cơ bản nhất khiến bóng đá miền Tây nói chung, Long An nói riêng sa sút là do kinh phí hạn hẹp. Không giống như nhiều CLB mạnh có doanh nghiệp lớn chống lưng, các đội bóng khu vực miền Tây đều chỉ sống dựa vào doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Ngân sách địa phương chỉ hỗ trợ các tuyến trẻ. Bản thân Long An nếu không có các công ty thành viên của Tập đoàn Đồng Tâm giúp sức mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng thì cũng khó tồn tại. Thiếu tiền sẽ không nâng cấp được đội hình để tạo đòn bẩy về chuyên môn. Giai đoạn này chúng tôi cố gắng duy trì để chờ cơ hội bứt lên”, ông Nhiệm nói.

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, số tiền Đồng Tháp hay Cần Thơ nhận được từ nhà tài trợ mỗi năm cũng không quá con số 20 tỷ đồng. Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thì cho rằng, ngoài yếu tố tiền bạc, khả năng đào tạo trẻ, khả năng quản trị của bóng đá miền Tây cũng đang là rào cản cho sự phát triển.

“Trước đây, thời nào bóng đá miền Tây cũng có danh thủ nhưng hiện tại hoàn toàn không có. V-League từng chứng kiến nhiều đội bóng nghèo nhưng khéo co kéo, có nhân lực kế cận tốt thì vẫn chơi được như SLNA, Khánh Hòa. Ngoài ra, tôi cảm nhận bóng đá miền Tây thiếu sự năng động, họ hiền lành, chân chất trong khi vòng xoáy bóng đá chuyên nghiệp ngày càng yêu cầu cao. Yếu tố quản trị cũng đóng vai trò quan trọng. Các đội bóng nơi này thiếu những nhà quản lý giỏi, am hiểu bóng đá”, ông Tú nói.

Từng trưởng thành, nổi danh từ bóng đá miền Tây, cựu danh thủ Phan Văn Tài Em tỏ ra rất buồn trước thực trạng trên: “Thời bóng đá Việt Nam mới lên chuyên nghiệp, nhiều ông bầu còn “máu”, đầu tư mạnh. Giờ họ giãn ra thì đương nhiên các đội bóng khó khăn. Miền Tây cũng không có nhiều doanh nghiệp lớn như các địa phương khác để tìm kiếm nguồn tài trợ ổn định”.

Cần sự chung tay

Cũng theo cựu danh thủ Tài Em, bóng đá miền Tây muốn bứt lên thì cần sự chung tay của nhiều phía: “Về phần CLB, phải xác định chơi bóng đá đẹp, vì khán giả. Sự việc Long An chơi bóng ma trên sân Thống Nhất mùa 2017 hay tình huống đá phản lưới nhà rất khó hiểu của Văn Quân (Cần Thơ) khiến hình ảnh bóng đá miền Tây trở nên xấu xí. Muốn có tài trợ thì trước hết cầu thủ phải đá hết mình vì màu cờ sắc áo, nếu có suất lên tuyển thì càng tốt bởi khi đó thương hiệu sẽ mạnh hơn.

Các CLB cũng phải tăng cường công tác đào tạo trẻ để tạo ra lực lượng kế cận tốt. Trong khi đó, các địa phương cần vào cuộc, giúp đỡ đội bóng bằng việc chi ngân sách hoặc kêu gọi đầu tư cho bóng đá địa phương bằng những chính sách hấp dẫn. Nếu tất cả đồng lòng, quyết tâm, tôi tin bóng đá miền Tây sẽ trở lại”.

Chung quan điểm, ông Trần Anh Tú nhìn nhận, bóng đá miền Tây rất cần những doanh nghiệp lớn tạo cú hích trong tương lai gần: “Nếu lãnh đạo địa phương có những ưu đãi cho doanh nghiệp thì tôi nghĩ sẽ có đơn vị họ nhảy vào đầu tư làm bóng đá”.

Thực tế, câu chuyện bóng đá miền Tây sa sút cũng đại diện cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Tiếng là lên chuyên nghiệp nhưng lại hoạt động mang nặng tính bao cấp, dựa quá nhiều vào “bầu sữa” ngân sách và nhà tài trợ. Nam Định lên V-League mùa thứ ba nhưng vẫn điêu đứng vì không thể tự nuôi mình, đi ăn đong từng mùa.

Dẫu vậy, theo ông Trần Anh Tú, việc dựa vào doanh nghiệp gần như là điều kiện bắt buộc trong giai đoạn hiện tại. “Chúng ta không thể so với bóng đá thế giới, với những đội bóng có hàng trăm năm lịch sử. Bóng đá Việt Nam vẫn đang vừa làm vừa học hỏi để dần dần trở nên chuyên nghiệp hơn, phấn đấu tương lai không xa mỗi đội bóng đều có nền tảng tài chính tốt, không phụ thuộc hoàn toàn vào một hai nguồn tiền cố định”.

Dưới góc nhìn khác, ông N.P.H., một nhà môi giới thể thao đang làm việc tại Việt Nam cho rằng, để bóng đá miền Tây phát triển thì giao thông và kinh tế phải phát triển trước. “Rất khó tìm được các doanh nghiệp tiềm lực mạnh ở vùng đất này. Giao thông dù đã cải thiện nhiều nhưng cơ bản đi lại vẫn khó khăn, logistics kém phát triển nên không dễ thu hút đầu tư, nhất là cho bóng đá”, ông N.P.H. nói.

“Một điểm đáng lưu ý nữa là bóng đá miền Tây dường như đang thu mình lại, không giao thoa với phần còn lại. Các đội bóng chủ yếu dùng cầu thủ cây nhà lá vườn, HLV cũng vậy, loanh quanh trong tỉnh hoặc vài tỉnh lân cận. Dần dần như vậy tạo thành lối mòn, thiếu sự năng động, kéo tụt sự phát triển”, ông H. phân tích thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.