Chuyện dọc đường

Vì sao chưa thể bỏ khái niệm F0, F1?

03/03/2022, 09:52

Việt Nam vẫn cần phân định rõ về F0, F1, từ đó có phương án kiểm soát, tránh chủ quan, buông lỏng khi dịch vẫn còn, tăng cả ca mắc và tử vong.

Hiện một số ý kiến cho rằng ở thời điểm này Việt Nam cũng đã xác định chung sống an toàn với SARS-CoV-2, các quy định mở cửa, nối lại đường bay được thực hiện, thì cần có cách ứng phó với dịch phù hợp hơn. Đã đến lúc bỏ khái niệm F0, F1 và coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu.

img

Nếu thả lỏng, ca mắc Covid-19 tăng cao sẽ khiến hệ thống y tế quá tải, ca nặng và tử vong tăng cao.

Cũng có những ý kiến tương tự khi cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên cân nhắc bỏ dần khái niệm F0, F1, đặc biệt tại những khu vực biến chủng Omicron lây lan rộng.

Theo đó, các F0, F1 chủ động cảnh giác cá nhân là yếu tố cốt lõi. Với các F1, nếu quá trình giao tiếp không rõ ràng, không xuất hiện triệu chứng của bệnh, cũng nên bỏ qua việc xét nghiệm và có thể đeo khẩu trang đi làm bình thường. Điều quan trọng là bảo vệ nhóm có nguy cơ diễn biến nặng, tử vong cao.

Tuy nhiên, tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn cần phân định rõ về F0, F1, từ đó mới kiểm soát được tình hình dịch, tránh chủ quan, buông lỏng khi nguy cơ dịch vẫn còn và hiện có xu hướng tăng cả về số ca mắc mới, ca tử vong.

Chúng ta vẫn phải giữ khái niệm về F1 để người dân biết cách phòng bệnh, dù không còn truy vết như trước kia.

Đơn cử như trong 1 đơn vị, khi 1 người phát hiện mình nhiễm Covid-19, trở thành F0 có thể thông tin để người từng tiếp xúc gần biết và cảnh giác phòng bệnh, tránh lây lan cho gia đình, người xung quanh, đặc biệt là với người già, người mắc bệnh nền và trẻ nhỏ...

Bên cạnh đó, vẫn phải biết ai là F0 để thống kê, qua đó bám sát tình hình dịch để có những giải pháp kiểm soát dịch phù hợp. Nếu không nắm bắt được con số F0 thì không thể dự báo được tình hình dịch tễ. Vấn đề là cách ly bao nhiêu ngày, có cách ly hay không sẽ cần tính toán thêm.

Số ca mắc Covid-19 sẽ phải tăng rồi mới giảm, tuy nhiên số người nhiễm Covid-19 chưa thể giảm được trong vài tuần tới.

Biến chủng Omicron lây lan nhanh nhưng đa số người nhiễm không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ.

Hiện chúng ta không thể và cũng không cần ngăn cản triệt để sự lây lan của biến chủng vì nếu ngăn cản quá sẽ phải cấm đoán nhiều hoạt động, khi đó sẽ làm ảnh hưởng tới kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần hạn chế sự lây lan và chấp nhận số ca nhiễm ở mức độ nhất định để không khiến dịch bùng phát quá mạnh.

Bởi nếu buông lơi, tỷ lệ nhiều người nhiễm Covid-19 tăng cao có thể dẫn tới quá tải hệ thống y tế, kéo theo số người chuyển nặng và tử vong cũng sẽ tăng lên.

Chính vì những lý do như vậy, Việt Nam vẫn chưa thể thả lỏng trước tình hình dịch hiện nay và phải kiểm soát ở mức độ nhất định.

Ngoài ra, thời điểm nào Việt Nam nên coi Covid-19 là bệnh thông thường sẽ cần được cân nhắc kỹ lưỡng hơn.

Bộ Y tế vẫn rất cẩn trọng, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới cũng đang tiếp tục theo dõi tình hình dịch. Trong khi đó, hệ thống y tế của Việt Nam chưa thể so sánh với các nước phát triển để có thể đưa ra những quyết định giống như họ.

PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.