Hạ tầng

Vì sao chưa thi công xây dựng cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu?

10/08/2021, 14:30

Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi có chiều dài tuyến khoảng 15,2km, tổng mức đầu tư khoảng 8.140 tỷ đồng.

Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Sóc Trăng về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Đại Ngãi, vượt sông Hậu trên QL60 để tạo điều kiện phát triển KT-XH tỉnh Sóc Trăng.

img

Phối cảnh cầu Đại Ngãi vượt sông Hậu trên QL60

Bộ GTVT cho biết, do tính chất quan trọng và cấp bách của dự án xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 nên ngay từ năm 2015 Bộ GTVT đã triển khai thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng dự án gồm 2 hợp phần.

Trong đó, hợp phần 1 đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, hợp phần 2 sử dụng vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao Bộ GTVT lập dự án đầu tư tại Văn bản 1769 ngày 7/10/2015.

Tuy nhiên, do không có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ tuyển nên Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi phương thức đầu tư dự án sang sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Sau khi đề xuất trên được Chính phủ chấp thuận tại Văn bản 2743 ngày 22/3/2017, Bộ GTVT đã giao Ban QLDA7 khẩn trương tổng hợp, cập nhật các nghiên cứu của tư vấn trong nước, tư vấn Nhật Bản, ý kiến các bộ, ngành và địa phương để hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Ngày 28/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1478 phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu Đại Ngãi sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Đến ngày 31/10/2019, Bộ KH-ĐT đã có văn bản gửi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đề nghị cấp vốn vay ODA cho dự án.

Theo đó, dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi có chiều dài tuyến khoảng 15,2km, gồm: 7 cầu (2 cầu chính là cầu Đại Ngãi 1 dài 2.240m và cầu Đại Ngãi 2 dài 860m; 5 cầu trung và nhỏ) và đường dẫn với tổng mức đầu tư khoảng 8.140 tỷ đồng.

Do dự án có quy mô lớn, vị trí xây dựng trên khu vực địa chất phức tạp lớp bùn dày, gần cửa biển nên Bộ GTVT có Văn bản 9697 ngày 15/10/2019 đề nghị Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cung cấp khoản tài trợ không hoàn lại để các chuyên gia Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ Bộ GTVT lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Theo Bộ GTVT, hiện JICA đã triển khai tuyển chọn tư vấn để tiến hành nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Ban đầu, JICA dự kiến sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam bắt đầu tiến hành triển khai nghiên cứu dự án vào tháng 4/2021 nhằm mục tiêu vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản trong tài khóa năm 2021 và bắt đầu triển khai thi công vào đầu năm 2023.

Tuy nhiên, do tình hình đại dịch Covid-19 đang rất phức tạp và kết quả giải ngân vốn vay JICA đối với các dự án đang triển khai bị chậm nên Chính phủ Nhật Bản vẫn đang xem xét.

“Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với JICA trong thời gian tới để sớm triển khai công tác khoan khảo sát và phối hợp tiến hành nghiên cứu báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt dự án trình Thủ tướng Chính phủ đàm phán vốn vay và tổ chức thi công công trình trong kế hoạch vốn trung hạn 2021- 2025”, Bộ GTVT nêu rõ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.