Xã hội

Vì sao công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án ở TP.HCM chậm?

28/04/2023, 16:55

Nhiều quận, huyện còn chậm xử lý hồ sơ về thẩm định và phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân.

Ngày 28/4, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất từ năm 2018 đến nay và thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.

Tỉ lệ giải ngân các dự án chỉ đạt 50%

img

Đường Lương Đình Của, TP Thủ Đức tạm dừng thi công nhiều năm nay do vướng mặt bằng

Theo báo cáo của UBND TP.HCM toàn thành phố có 190 dự án được ghi vốn bồi thường trong năm 2022 với tổng vốn là 12.580 tỷ đồng, hiện đã giải ngân được 6.855 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 54,49%.

Qua rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy có 2 nội dung lớn cần xử lý. Thứ nhất là nhiều UBND quận, huyện không thể ban hành quyết định thu hồi đất cho tất cả các trường hợp bị ảnh hưởng trong khi UBND TP đã ban hành quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường. Đơn cử như một số quận, huyện TP Thủ Đức, Q.7, huyện Bình Chánh có nhiều dự án, quy mô lớn, số lượng hộ dân bị ảnh hưởng khá nhiều nên thực hiện công tác chuẩn bị chưa tốt.

Thứ hai là các địa phương còn chậm trong quá trình xử lý hồ sơ trình, thẩm định và phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường. Do đó các dự án đang thực hiện bồi thường sẽ chậm và lâu.

Ông Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm trễ GPMB trong đó có việc xác định pháp lý sử dụng đất, nhà công trình vật kiến trúc trên đất của những trường hợp không hợp pháp hoặc vi phạm pháp luật đất đai. Hay nhiều trường hợp chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay gây khó khăn thực hiện bồi thường, tái định cư.

Bên cạnh đó, có yếu tố nguyên nhân chủ quan, chưa thống nhất trách nhiệm của các cơ quan trong việc đảm bảo các quy định bắt buộc trước và trong khi triển khai bồi thường và thu hồi đất của dự án theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Một số dự án chưa được bố trí đủ vốn để chi trả bồi thường, người dân không đồng ý giá bồi thường đã phê duyệt trước đây.

Rà soát các dự án, đẩy nhanh bồi thường GPMB

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tính đến thời điểm hiện nay, các sở ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức về cơ bản đã hoàn thành 32 giải pháp, nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đúng pháp luật, rút ngắn thời gian thực hiện và kéo giảm khiếu kiện, khiếu nại của người dân. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chỉ đạt 50% công tác xử lý bồi thường các dự án.

Cụ thể, từ cuối năm 2017 đến nay, thành phố đã chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 38.883 trường hợp nhưng chưa chi trả bồi thường tới 24.365 trường hợp; đã thu hồi đất: 20.754.904,8m2; chưa thu hồi đất: 27.718.836,40m2.

Thành phố có 824 dự án được HĐND TP thông qua thu hồi đất thì hiện có 348 dự án đã triển khai, 476 dự án chưa triển khai.

Bà Phạm Thị Ngọc Diệu, Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cho rằng, để đẩy nhanh công tác GPMB, công tác chuyên môn của các cán bộ cần nắm rõ, giải thích về luật, đất đai cho người dân hiểu. Thành lập tổ công tác pháp lý để hỗ trợ người dân kịp thời, tạo sự lan tỏa cho các hộ dân khác. Tìm nhân tố tích cực, ủng hộ thì sự lan tỏa nhanh trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan chức năng. Quận cũng kiến nghị sớm xây dựng cơ sở luật đất đai cho phù hợp, ban hành bảng giá đất...

img

UBND TP.HCM khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác bồi thường, GPMB hỗ trợ tái định cư dự án Vành đai 3

Phát biểu hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trong những năm qua công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án nêu trên là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, phải có sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị để vừa ổn định cuộc sống của người dân, vừa tạo điều kiện để thực hiện công tác chỉnh trang và phát triển đô thị của thành phố một cách có hiệu quả.

Do vậy, công tác bồi thường GPMB là một trong những nhiệm vụ được Thành ủy, UBND TP đặc biệt quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm chăm lo và đảm bảo cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, đồng thời cũng nhằm giảm bớt vấn đề khiếu kiện, khiếu nại của người dân.

Xác định công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là khâu rất quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, ông Mãi đề nghị các sở ngành, quận huyện từ nay đến cuối năm rà soát tổng hợp các dự án còn đang vướng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc kịp thời báo cáo UBND TP xem xét, giải quyết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.