Cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng không bị còng tay khi đến tòa
Còng tay chỉ là biện pháp bảo đảm an ninh, không phải là hình phạt
Sáng 18/1, TAND TP Hà Nội mở lại phiên sơ thẩm xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công thương và TPHCM.
Trưa 18/1, sau thời gian dài hội ý, HĐXX tuyên bố hoãn phiên tòa vụ cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đây là lần thứ 2 phiên tòa bị hoãn vì nhiều người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không đến tòa.
Trong cả hai phiên tòa sáng 18/1 và ngày 8/1, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đến trụ sở TAND TP Hà Nội trên chiếc xe 4 chỗ hiệu Mercedes màu đen, xách cặp cùng luật sư, tay không bị còng.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, người bào chữa cho cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, chiếc Mercedes màu đen ông Hoàng ngồi trên đường đến tòa là xe ô tô của ông Thiệp, ông Thiệp cho ông Vũ Huy Hoàng đi nhờ.
"Do sức khoẻ thân chủ tôi không đảm bảo nên tôi đưa ông ấy đến toà. Khi đến tòa, ông Hoàng đang tại ngoại và theo luật khi tòa chưa tuyên bản án có hiệu lực thì ông Hoàng vẫn là một công dân bình thường nên không bị còng tay", luật sư Thiệp giải thích.
Trước đó, trong phiên sơ thẩm xét xử cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh cùng các đồng phạm trong vụ án đánh bạc trực tuyến ngàn tỉ, ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa cũng không bị còng tay tại tòa.
Trong khi đó, giữa tháng 12/2020, tại phiên xét xử sơ thẩm vụ đấu thầu thu phí tuyến cao tốc TP. HCM - Trung Lương, ông Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường bị còng tay khi đến trụ sở TAND TP Hồ Chí Minh.
Lý giải về việc có bị can, bị cáo bị còng tay, có người lại không khi đến tòa, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc còng tay hay xích chân bị can, bị cáo khi xét xử không phải là hình phạt mà chỉ là biện pháp nhằm mục đích đảm bảo an ninh, trật tự xét xử, ngăn chặn và răn đe những hành vi chống đối, quá khích, bảo vệ những người tiến hành tố tụng và những người đến dự phiên tòa.
Thực tế đã xảy ra các trường hợp bị cáo rượt đánh HĐXX, luật sư, những người tham dự phiên tòa, gây náo loạn, mất trật tự tại phiên tòa, nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác rất lớn.
Nếu không có biện pháp bảo vệ và ngăn chặn bị cáo như vậy, lỡ bị cáo liều mình tự vẫn, bỏ chạy… thì rất khó lường trước được hậu quả.
"Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 không quy định về biện pháp còng tay/xích chân bị can, bị cáo. Tuy nhiên, đây vẫn có thể được coi là một biện pháp để ngăn chặn việc bị cáo bỏ trốn cũng như giữ gìn an ninh trật tự tại phiên tòa xét xử.
Việc còng tay, xích chân bị cáo khi dẫn giải, xét xử là quyết định của lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp. Họ sẽ xây dựng phương án, báo cáo, trao đổi với HĐXX để quyết định có sử dụng biện pháp thích hợp", luật sư Cường cho hay.
Nên hạn chế việc còng tay, xích chân bị cáo
Tuy nhiên, luật sư Cường cho rằng, không nên áp dụng biện pháp còng tay với những người không có nguy cơ bỏ trốn, gây mất trật tự như ông Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường...
Bởi biện pháp này hạn chế quyền tự do của con người, ảnh hưởng đến quyền lợi chính trị của con người. Cho nên, khi áp dụng phải có mục đích, có căn cứ, chỉ áp dụng khi thực sự cần thiết, không được tùy tiện.
Theo luật sư Cường, tại Khoản 3 Điều 8 Quyết định số 810/2006/QĐ-BCA-C11 thì việc mở khóa tay, mở xích chân bị cáo tại nơi xét xử khi có yêu cầu của Chủ tọa phiên tòa.
Thông thường, khi bắt đầu phiên tòa, bao giờ Hội đồng xét xử cũng yêu cầu lực lượng dẫn giải mở còng cho bị cáo, trừ một số trường hợp bị cáo ở phiên tòa sơ thẩm bị tuyên tử hình nên đến phiên tòa phúc thẩm có thể tháo còng tay nhưng không tháo xích chân vì sợ xảy ra nguy hiểm.
Hoặc có những trường hợp bị cáo đã bị kết án tử hình, liên quan đến vụ án khác bị trích xuất ra tòa mà bản án tử hình trước đó đã có hiệu lực, chờ thi hành án thì Hội đồng xét xử không thể mở còng tay lẫn xích chân vì có thể dẫn đến nguy hiểm.
"Như vậy, tùy theo tính chất từng trường hợp, từng vụ án mà chủ tọa phiên tòa có quyết định phù hợp có mở khóa tay, xích chân cho bị can, bị cáo hay không. Việc còng tay, xích chân bị cáo trong quá trình xét xử là hình ảnh không được khuyến khích trong xu hướng xét xử minh bạch, văn minh", luật sư Đặng Văn Cường phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận