Hạ tầng

Vì sao Đà Nẵng nên làm cảng Liên Chiểu thay vì phát triển Tiên Sa?

07/11/2019, 19:46

Nhiều chuyên gia cho rằng Đà Nẵng nên làm cảng Liên Chiểu, thay vì tập trung phát triển cảng Tiên Sa như đề xuất của Tư vấn.

img
Hoạt động khai thác hàng hóa tại cảng Tiên Sa

Khó mở rộng cảng Tiên Sa

Theo quy hoạch, giai đoạn khởi động 2022, cảng Liên Chiểu gồm 2 khu bến đảm bảo khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU, năng lực thông qua cảng năm 2022 khoảng 5 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư: 7.378 tỷ đồng.

Giai đoạn 2030 gồm 5 khu bến, tổng chiều dài tuyến bến mở rộng thêm 880m; năng lực thông qua cảng năm 2030 khoảng 17 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư: 7.857 tỷ đồng.

Giai đoạn 2050, tổng chiều dài tuyến bến mở rộng thêm 2.280m, nâng số bến lên 12 bến, chiều dài tuyến bến 3.740m, tuyến bến dự phòng có chiều dài 2.040, năng lực hàng hóa thông qua cảng năm 2050 khoảng 46 triệu tấn. Tổng mức đầu tư: 17.626 tỷ đồng.

Tại hội thảo “Phương án quy hoạch cảng biển trên địa bàn TP Đà Nẵng" chiều 7/11, nhiều chuyên gia băn khoăn với phương án mở rộng cảng Tiên Sa và không xây dựng cảng Liên Chiểu của tư vấn Singapore.

Theo phương án của tư vấn Singapore (Surbana Jurong), chiều dài cầu tàu khi mở rộng cảng Tiên Sa là 5,8km với 14 cầu cảng. Sau khi nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa sẽ có cả chức năng Logistics và du lịch. Cảng Tiên Sa có vị trí tốt hơn vì nằm dưới chân bán đảo Sơn Trà, tránh làm hỏng môi trường của vịnh Đà Nẵng.

Đại diện Surbana Jurong cho biết thêm, nếu xây dựng cảng Liên Chiểu, việc đầu tư xây dựng sẽ phải nạo vét, khơi thông luồng, xây dựng đê chắn sóng… Các hoạt động này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của các loài động vật thủy sinh, nguy cơ làm suy giảm đa dạng sinh học, mất nguồn lợi khai thác, nuôi trồng thủy hải sản.

Đồng thời, gia tăng nguy cơ ô nhiễm do trong quá trình hoạt động nếu xảy ra sự cố tràn dầu, phát tán chất thải vào nguồn nước sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm vùng vịnh Đà Nẵng, ảnh hưởng đến du lịch và đời sống người dân...

Theo ông Lê Tấn Đạt, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn XDCT Hàng hải (CMB), về việc mở rộng cảng Tiên Sa, tư vấn chưa đánh giá quỹ đất sau cảng để mở rộng dịch vụ hậu cần cảng, đảm bảo cho việc phát triển Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng Logistic tại miền Trung với vai trò trung tâm, đáp ứng lượng hàng thông qua gần 28 triệu tấn/ năm vào năm 2030 và các năm tiếp theo.

img
Ông Nguyễn Hữu Sia cho rằng cần thiết khởi công cảng Liên Chiểu ngay từ bây giờ

Phương án cảng Tiên Sa của Tư vấn gồm 14 bến với tổng chiều dài 5,8km đường bờ bao gồm cả vùng đất, vùng nước quốc phòng, hệ thống kho cảng, nơi cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân... “Chúng tôi quan ngại với quy mô này sẽ không đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, an ninh năng lượng, trật tự an toàn xã hội...”, ông Đạt nói.

Đại diện Công ty CP cảng Đà Nẵng cho biết, cảng Tiên Sa có vai trò quan trọng nhưng cũng có nhược điểm rất lớn. Mùa mưa sa bồi ở cảng rất lớn, bùn rất loãng. "Nếu nâng cấp từ 40.000 tấn lên 100.000 tấn thì rất băn khoăn", vị này nói.

Cần thiết đầu tư cảng Liên Chiểu

img
Quy hoạch dự án cảng Liên Chiểu được TP. Đà Nẵng đề xuất

Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch (Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014), sau năm 2020 sẽ từng bước phát triển Cảng Liên Chiểu để đảm nhận vai trò khu bến chính của cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, cho phép tiếp nhận tàu hàng tổng hợp đến 100.000 tấn và tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.

Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng, mở rộng cảng Tiên Sa hiểu đơn giản là thành phố sẽ quản lý cảng ở một điểm. Tuy nhiên trong quy mô lớn hiện nay, GPMB là vấn đề vì mất rất nhiều thời gian do vùng Tiên Sa hiện nay rất hẹp.

img
Phương án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa của tư vấn Singapore

“Quy trình pháp lý cảng Liên Chiểu đã nằm trong quy hoạch chung của T.Ư, nếu thay đổi lại cần xem xét suy nghĩ rất kỹ mới thay đổi được quy hoạch rồi trình Thủ tướng phê duyệt. Đồng thời, đường nối vận chuyển hàng từ cảng Tiên Sa đến 2020 đã lên 10 triệu tấn/năm, cảng Tiên Sa công suất tối đa 12 triệu tấn/ năm, vài năm nữa hết công suất lại phải thay đổi quy hoạch rất mất thời gian”, đại diện JICA đánh giá.

Theo đại diện Công ty CP cảng Đà Nẵng, không thể phủ nhận vị trí thuận lợi của cảng Tiên Sa nhưng sớm muộn gì cũng phải làm cảng Liên Chiểu nếu Đà Nẵng muốn trở thành một thành phố cảng hiện đại như Yocohama, Busan, Thẩm Quyến...

Ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP cảng Đà Nẵng thẳng thắn: "Muốn giàu thì phải làm dịch vụ Logistic. Du lịch có làm giỏi lắm cũng chỉ đóng góp 10 - 15% GDP của thành phố, chỉ là hình thức. Logistic kéo theo bức tranh kinh tế rất tốt, hội nhập rất nhanh mà không tốn quá nhiều tiền, chỉ cần đất và nhân lực tốt.

Tóm lại nên khởi công cảng Liên Chiểu ngay từ bây giờ để đến năm 2025 có thể chuyển hàng từ cảng Tiên Sa. Từ nay đến 2025 cảng Tiên Sa nên giữ sản lượng và nên chốt hàng container, hạn chế hàng tổng hợp kết hợp tàu khách để trở thành một cảng xanh, còn lại để cho cảng Liên Chiểu”, ông Sia nói.

Dự án xây dựng cảng Liên Chiểu đã được đưa vào Nghị quyết 43 ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030. Thời gian qua, các cơ quan liên quan của Đà Nẵng đã tích cực làm việc với Bộ GTVT và Bộ Kế hoạch - Đầu tư để đưa dự án vào kế hoạch đầu tư giai đoạn trung hạn 2021 - 2025.

Theo đề xuất của TP Đà Nẵng, dự án cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn.

Gần đây, thông tin với báo chí tại buổi họp báo quý 3/2019, ông Thái Ngọc Trung, PGĐ Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, mới đây, đơn vị tư vấn Singapore đưa ra 2 phương án để thành phố lựa chọn trong nghiên cứu quy hoạch chung: làm cảng Liên Chiểu hoặc tập trung đầu tư phát triển cảng Tiên Sa thay vì làm cảng mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.