Xã hội

Vì sao kêu gọi từ thiện phải thông báo với chính quyền?

06/01/2021, 06:00

Dự thảo Nghị định mới cho phép cá nhân vận động, tiếp nhận nguồn từ thiện, tuy nhiên phải thông báo với chính quyền địa phương.

img

Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) nhận hàng cứu trợ trong đợt lũ lụt lịch sử hồi tháng 10/2020

Bộ Tài chính đã hoàn tất dự thảo Nghị định của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thay thế Nghị định 64/2018. Dự thảo mới cho phép cá nhân vận động, tiếp nhận nguồn từ thiện, tuy nhiên phải thông báo với chính quyền địa phương.

Băn khoăn “phải thông báo cho chính quyền”

Dự thảo Nghị định mới mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đã bổ sung thêm quy định cho phép các cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cá nhân được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn tiền từ thiện.

Theo đó, khi cá nhân vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp từ thiện phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động.

Khi phân phối, sử dụng nguồn đóng góp từ thiện, phải thông báo với chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ để được hướng dẫn, phối hợp phân phối cũng như đảm bảo an toàn, trật tự xã hội.

Trao đổi với PV về dự thảo Nghị định mới, chị Lê Thị Thanh Xuân (ở TP Tuyên Quang) - một cá nhân thường xuyên đứng lên kêu gọi làm từ thiện cho biết, nếu quy định cá nhân được “chính danh” kêu gọi, vận động từ thiện, thì sẽ tạo điều kiện cho những tấm lòng hảo tâm được nhân rộng ra cộng đồng.

Tuy nhiên, chị Xuân cũng băn khoăn với nội dung phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú và nơi sẽ phân phối về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (hiện vật).

Bởi theo chị Xuân, các đợt kêu gọi từ thiện, bản thân người kêu gọi cũng chưa xác định được từ đầu rằng phạm vi kêu gọi những ai, ở đâu và địa điểm phân phối cụ thể. “Trong bối cảnh mưa lũ, tai nạn, rất cần sự linh hoạt, nhanh nhất có thể, mà cứ báo cáo nhiều như thế kia thì có cần thiết không?”, chị Xuân đặt câu hỏi.

Dự thảo Nghị định quy định mở rộng thêm đối tượng được quyên góp làm từ thiện là các tổ chức, cá nhân, phần còn lại cơ bản không có mấy khác biệt với những quy định từ trước. Kể từ khi hoàn thiện, công khai lấy ý kiến góp ý, tới nay cơ quan soạn thảo vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ các bộ ngành và các tổ chức, đoàn thể liên quan. Viêc trình Chính phủ phê duyệt sớm hay muộn phụ thuộc vào công tác tổng hợp tiếp thu ý kiến phản hồi.
Ông Võ Thành Hưng (Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài Chính)


Tương tự, chị Trịnh Thanh Tâm (Chủ nhiệm CLB Thiện nguyện Thanh Tâm ở Hà Nam) cho rằng, quy định như vậy sẽ khá mất thời gian, nhất là nếu chính quyền nơi nào cố tình gây khó dễ. “Trong thiên tai, cụ thể vùng lũ lụt, nếu áo phao mà đến muộn vài giờ có khi đã không còn tác dụng”, chị Tâm ví dụ.

Ủng hộ quy định “chính danh hóa” cho cá nhân làm từ thiện, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, quy định thông báo cho chính quyền chưa giải quyết được bài toán minh bạch nguồn tiền thiện nguyện.

Còn tại dự thảo Nghị định chỉ đưa chung chung: “Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu” thì tình hình cũng sẽ vẫn như cũ.

Anh Hoàng Hoa Trung, Điều hành dự án “Nuôi Em” và “Sức Mạnh 2000” thì cho rằng, việc có chế tài để minh bạch nguồn tiền từ thiện là điều rất cần thiết, vì hiện nay không ít người lợi dụng việc từ thiện để trục lợi cá nhân. Nhưng muốn quản lý nguồn tiền từ thiện của cá nhân thì nên bổ sung quy định phải công khai những người gửi tiền, hàng hóa vào người đứng lên kêu gọi. Còn minh bạch tiền từ thiện không phải là chạy tới báo cáo chính quyền nơi này, nơi kia.

Giám sát để đảm bảo quyền lợi người đóng góp

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài Chính) cho biết, dự thảo Nghị định không đưa chế tài giám sát, xử lý hành vi không minh bạch từ thiện vào, bởi hiện đã có chế tài xử lý sai phạm này. Nếu để thất thoát thì cá nhân phải chịu trách nhiệm dân sự; còn cố tình lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì lại quy chiếu sang trách nhiệm hình sự.

Về quy định người kêu gọi từ thiện phải thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú cũng như nơi sẽ tiếp nhận, ông Hưng cho biết mục đích của quy định là để ràng buộc trách nhiệm cá nhân làm từ thiện.

Cụ thể, nếu bị phát hiện hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc không đúng mục tiêu, cam kết ban đầu thì người đóng góp tiền từ thiện có quyền kiện người kêu gọi từ thiện. Căn cứ tùy từng mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ ra quyết định xử lý phù hợp.

“Khi soạn thảo, chúng tôi cố gắng làm sao các quy định phải hài hòa cả 2 yếu tố. Thứ nhất phải đảm bảo sự thuận tiện trong việc huy động nguồn lực từ các luồng tài trợ. Ngược lại, cũng phải bảo đảm quyền lợi của người đóng góp làm từ thiện. Từ xưa tới nay, người đóng góp cơ bản đều trên tinh thần tự nguyện, nhưng khi xảy ra vấn đề thì lại không có cơ sở để xử lý. Chính vì thế, quy định cá nhân làm từ thiện phải thông báo với chính quyền, công khai danh tính là để có cơ chế giám sát cam kết và mục tiêu từ thiện ban đầu”, ông Hưng giải thích.

Ông Hưng cho biết thêm, khi liên hệ với địa phương, đại diện chính quyền sẽ đứng ra hướng dẫn, tư vấn, các đoàn từ thiện có thể nghe theo hoặc không, đó là quyền của họ. “Quan trọng, họ thực hiện đúng với cam kết ban đầu khi kêu gọi ủng hộ”, ông Hưng nói.

Dự thảo Nghị định cho phép kéo dài thời gian mỗi đợt tổ chức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp từ thiện lên 90 ngày (thay vì tối đa 60 ngày như hiện nay) và bổ sung quy định chi sửa chữa cơ sở hạ tầng vùng thiên tai cũng bị thiệt hại, đặc biệt là thủy lợi nội đồng; giao thông thôn, xã - những công trình chủ yếu được đầu tư từ nguồn huy động nhân dân đóng góp nên khó khăn trong việc sửa chữa, khôi phục.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.