Xã hội

Vì sao khu dân cư được đầu tư hàng trăm tỉ vẫn ế sau nhiều lần đấu giá?

29/07/2022, 07:00

Trải qua các lần đấu giá, hạ tầng khu dân cư Đông Nam huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) được đầu tư trên 130 tỉ đồng nhưng không ai mua.

Vào năm 2016 Trung tâm Phát triển quỹ đất - Sở TNMT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, khởi công Dự án hạ tầng khu dân cư đô thị, thương mại và dịch vụ tổng hợp Đông Nam huyện Kỳ Anh có diện tích 17ha, thuộc địa bàn các xã Kỳ Thư, Kỳ Văn và Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh.

img

Được đánh giá là khu đô thị đầu tư bài bản, tọa lạc ở vị trí đắc địa (bám đường QL 1A) nhưng trải qua các lần đấu giá nhưng ít người tham gia do áp giá "trên trời".

Dự án được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh gồm các hạng mục: San nền; Kè mương thoát nước; Hệ thống đường giao thông; Hệ thống thoát nước mưa, thoát thải; Hệ thống cung cấp điện, nước... Tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng, nguồn vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển Hà Tĩnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Sau khi hoàn thiện hạ tầng, ngày 14/12/2017, Trung tâm phát triển quỹ đất đã tiến hành ký hợp đồng với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Hà Tĩnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất lần một đối với 88/160 lô.

Theo Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt, giá khởi điểm bán đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án có mức giá từ 6 - 11 triệu đồng/m2, tùy diện tích và vị trí từng lô đất.

img

Đầu tư hàng trăm tỉ đồng từ nguồn vốn vay ngân sách nhà nước nhưng chỉ để chăn thả trâu, bò

Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, trải qua 5 lần đấu giá, đến nay dự án vẫn chưa bán được bộ hồ sơ nào. Bởi theo người dân, giá khởi điểm quá cao so với mặt bằng chung tại thời điểm đó.

Anh K. (trú tại thị xã Kỳ Anh) cho biết, thời điểm đưa vào đấu giá, dự án này được người dân đánh giá là một trong những khu hạ tầng được đầu tư bài bản, nằm ở vị trí đắc địa nhất so với những khu hạ tầng khác. Tuy nhiên, khi họ công bố bảng giá thì chẳng có ai tham gia vì quá đắt đỏ.

Trước thực trạng trên, để thu hút khách hàng tham gia đấu giá, thu hồi vốn và tăng ngân sách tỉnh, Trung tâm Quỹ đất đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo xem xét, điều chỉnh giảm giá.

Thế nhưng, trải qua những lần điều chỉnh giá, những phiên đấu giá sau đó đều không thành công vì quá ít người tham gia. Đến nay dự án đã trở nên hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm, người dân xung quanh tận dụng để chăn thả trâu bò. Hàng trăm tỉ đồng ngân sách đầu tư chưa thể thu hồi khiến nguồn vốn Nhà nước bị ứ đọng, lãng phí.

Đại diện đơn vị thi công dự án cho biết, dự án cơ bản đã hoàn thiện các hạng mục để người trúng đấu giá có thể xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án vẫn còn vướng mắc với phần đất của một doanh nghiệp khác nên nhà thầu cũng đang kẹt cứng vì chưa được giải ngân hết nguồn vốn.

“Do dự án còn vướng, chậm giải ngân nên chúng tôi còn phải thuê người trông coi tại đây, mỗi tháng chi phí phát sinh tiền thuê nhân công, tiền dọn dẹp vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị...”, vị này nói.

img

Khu hạ tầng được các tổ chức, cá nhân tạm trưng dụng để dạy lái xe

Theo lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất và Kỹ thuật địa chính, dự án này được đầu tư đồng bộ từ điện, đường, nước... nên khi xây dựng giá thì đương nhiên phải cao hơn các khu hạ tầng khác.

Thời điểm đem vào đấu giá thì tình hình kinh tế lại trầm lắng, sức mua bị ảnh hưởng. Do vậy, công tác khảo sát, xây dựng giá tại các thời điểm đó được cho là chưa sát với thị trường, giá đất tại dự án còn cao hơn so với các hạ tầng quỹ đất khác trong khu vực lân cận.

"Chúng tôi đang trình phương án đấu giá tiếp, theo hướng ngoài các cá nhân thì có thể cho các tổ chức tham gia đấu giá. Hi vọng, với lần điều chỉnh thành phần tham gia đấu giá và mức giá thấp hơn sẽ thu hút nhiều đối tượng đến đấu giá”, đại diện chủ đầu tư nói.

img

Bộ Y tế vào cuộc vụ bệnh nhân tử vong bất thường tại bệnh viện ở Hà Tĩnh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.