Bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc trả lời chất vấn đề việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn huyện
Giải ngân chậm do đâu?
Chiều 13/12, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã kết thúc kỳ họp sau 3 ngày làm việc. Ông Mai Ngọc Thuận, Phó chủ tịch HĐND tỉnh BR-VT, chủ tọa kỳ họp cho biết: Năm 2020, đầu tư công tại tỉnh BR-VT chỉ đạt 57% vốn bố trí (4.567 tỷ đồng). Đây là một trong những chủ đề được các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm.
Theo ông Thuận, tỷ lệ giải ngân này còn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước và “trở thành thời kỳ vốn đợi dự án chứ không phải dự án đợi vốn”.
“Trong năm 2020 vốn ngân sách bố trí để 42 dự án khởi công mới. Cho đến hết năm, mới chỉ có 27 dự án được khởi công. Hàng loạt dự án chuyển tiếp cho thấy sử dụng vốn không hết phải đưa sang năm khác (133 dự án chuyển tiếp với số vốn 3.800 tỷ đồng, gần bằng mức giải ngân trong năm 2020). Về việc triển khai các chương trình, đề án, có đề án được cấp vốn năm 2020 nhưng chưa giải ngân được, như kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội cho 3 xã tại huyện Xuyên Mộc và chương trình này theo dự kiến thì hết năm 2021 cũng chỉ giải ngân được 15%...”, ông Thuận nói.
Đường Nguyễn Tri Phương (TP. Vũng Tàu) được đầu tư xây dựng nhanh nhờ có giải pháp linh hoạt
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh BR-VT (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) giải trình: Nguyên nhân giải ngân thấp nguồn vốn công là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thủ tục giải phóng mặt bằng kéo dài, thủ tục đấu nối kéo dài, một số dự án việc chuyển giao quản lý gặp vướng mắc…
Trong số này, khó khăn lớn nhất vẫn là bồi thường giải phóng mặt bằng, trong đó vấn đề trọng tâm là khảo sát giá đất.
Ông Mai Ngọc Thuận cho rằng, giá trị giải ngân năm nay đặc biệt thấp cho thấy nếu không có giải pháp cụ thể của các ngành chức năng thì sẽ tiếp tục kéo sang năm khác, kéo sang kỳ họp khác vẫn không giải quyết được. Ông nhận định nguyên nhân chính là sự phân bổ vốn đầu tư công chưa hợp lý.
Chậm giải ngân đầu tư công tác động đến toàn bộ ngành kinh tế nên ông Thuận đề nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng phải có kế hoạch cụ thể ngay khi triển khai dự án, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, rà soát từng dự án để triển khai hiệu quả.
Giải pháp thế nào?
Tại kỳ họp, nhiều đại biểu đã nêu lên giải pháp giải ngân vốn cho tỉnh, trong đó xoáy mạnh vào vấn đề giải phóng mặt bằng.
Ông Hoàng Vũ Thảnh, quyền Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu đưa ra nhóm 3 giải pháp để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng vì đa phần những dự án công vướng trên địa bàn TP. Vũng Tàu đều do giải phóng mặt bằng.
Một là, về khảo sát giá đất, TP. Vũng Tàu sẽ có những hội thảo và tăng cường khảo sát giá đất ở vùng lân cận nhằm tìm ra giải pháp để giá đất sát nhất với thực tế nhất.
Hai là, Sở Xây dựng đang xây dựng các quỹ nhà ở xã hội và đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đáp ứng yêu cầu của dự án.
Ba là, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND thành phố Vũng Tàu đang rà soát các khu đất để làm quỹ đất tái định cư.
Đại biểu Nguyễn Văn Trình hiến kế
Đại biểu Nguyễn Văn Trình cho rằng, để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng thì phải hoàn chỉnh ngay từ khâu đầu tiên là kiểm kê giải phóng mặt bằng cho đúng. Sau bồi thường, người dân phải có nơi ở ổn định, phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì họ mới an cư lạc nghiệp.
Nhiều đại biểu khác cũng đồng quan điểm trong việc phải tính toán thế nào cho người dân không bị thiệt thòi, không cảm thấy mình bị đuổi ra khỏi nơi ở cũ mà không thấy được sự hoán đổi công bằng.
Cũng về vấn đề hoán đổi sao cho công bằng, ông Mai Ngọc Thuận lấy một ví dụ cụ thể, về việc giải phóng đoạn đầu đường Nguyễn Tri Phương - TP. Vũng Tàu. Theo đó, tuyến đường này đã chịu tình trạng nút cổ chai trong vòng 22 năm, trên đoạn đường chưa tới 500m.
Ngay sau khi lãnh đạo TP. Vũng Tàu quyết định sử dụng ngay khu đất Phòng Văn hóa và Thông tin TP làm địa điểm hoán đổi cho dân, người dân đã lập tức đồng ý giải phóng mặt bằng, biến đoạn nút cổ chai rộng 4,5 m thành 26 m.
Cũng về vấn đề giải phóng mặt bằng, ông Nguyễn Công Vinh thừa nhận những thiếu sót trong khâu quản lý của nhà nước: Công tác quản lý các khu đất quy hoạch chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng người dân xây dựng nhà ở trong khu quy hoạch, gây ra những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và phát sinh những khiếu kiện kéo dài.
Việc ra quyết định bồi thường, bố trí tái định cư quá chậm so với bảng giá đất đã được UBND tỉnh ban hành có khi đến vài, ba năm nên không còn phù hợp, buộc phải khảo sát lại về giá đất, khiến một số dự án phải điều chỉnh…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận