Thần Tài là một vị gia thần của người Việt. (Ảnh minh họa) |
Vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch năm nào, người dân cũng đổ xô đi mua vàng, làm lễ về cúng Thần Tài. Vậy Thần Tài là ai, và tại sao nhiều người Việt lại thờ Thần Tài như vậy?
Theo nhiều tài liệu, Thần Tài là một trong những vị thần nổi tiếng của tín ngưỡng Đông phương. Ông Thần Tài khi cắt nghĩa Thần có nghĩa là vị thần, là tinh thần là thiêng liêng màu nhiệm, còn tài là trí phi thường và cũng có nghĩa là của cải, tiền bạc.
Thần Tài là vị thần cai quản những công việc liên quan đến tiền bạc và của cải. Riêng ngày vía Thần Tài hiện vẫn lưu truyền một câu chuyện đậm chất dân gian. Chuyện kể rằng trong một lần đi chơi uống rượu, Thần Tài say quá nên rơi xuống trần gian, đầu va vào đá nằm mê mệt không biết gì. Đến khi tỉnh dậy thì quần áo vừa bị lột sạch, vừa mất trí nhớ chẳng còn biết mình là ai.
Thần Tài không biết làm việc nên đi lang thang xin ăn khắp nơi. Cửa hàng nào có Thần Tài vào ăn thì khách kéo đến nườm nượp. Mọi người thấy vậy nên ai cũng giành mời cho bằng được Thần Tài đến quán của mình ăn, vậy nên mới có câu “Thần Tài gõ cửa”.
Để tưởng nhớ, người ta chọn ngày vía Thần Tài là ngày Thần Tài bay về trời: Ngày mùng 10 tháng giêng âm lịch. Theo quan niệm dân gian thì Thần Tài mang của cải cho mỗi gia đình. Chính vì thế nhiều gia đình, đặc biệt là những người tham gia vào lĩnh vực buôn bán, kinh doanh đều thờ cúng Thần Tài với mong muốn có được nhiều tiền bạc, cuộc sống sung túc, dư dả tiền bạc.
Ở Việt Nam, vài năm trở lại đây, cứ đến ngày mùng 10 tháng Giêng, người dân lại chen lấn, đổ xô đi mua vàng để về thờ Thần Tài, cầu mong một năm làm ăn sung túc, suôn sẻ.
Chia sẻ trên báo Thanh Niên, Thạc sĩ Dương Hoàng Lộc, Giảng viên Bộ môn Văn hóa dân gian, khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, Thần tài là một vị thần của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, được thờ cúng phổ biến ở trong gia đình. Hay nói cách khác Thần tài là một vị gia thần của người Việt.
“Người Việt thờ Thần tài với mong muốn mang đến tài lộc cho gia đình, gia đình sung túc, giàu có, thịnh vượng. Ở Nam Bộ Thần tài được thờ chung với ông địa đặt ở dưới đất trong nhà nhìn ra cửa chính. Tượng thần tài là một ông già ngồi trên ngai vàng, tóc trắng râu dài, người mặc áo gấm thắt đai ngọc, một tay cầm gậy, một tay cầm những thỏi vàng”, thạc sĩ Lộc cho biết.
Thạc sĩ Lộc cũng cho rằng, từ việc tín ngưỡng Thần tài dẫn đến việc người dân hình thành nên những văn hóa thờ cúng ông Thần tài. Nhiều người tin rằng việc tôn thờ, tin tưởng vào Thần tài sẽ mang lại tiền bạc, lợi lộc, sự giàu có.
Theo bài báo của ông Nguyễn Mạnh Linh - Trưởng Phòng Phong thủy Kiến trúc, Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị của Đại học Xây dựng đăng trên báo Vnexpress, cúng vía có thể là cúng ngày giỗ hoặc cúng ngày thành đạo của một vị thần.
Ông Linh cho rằng, những năm gần đây xuất hiện trào lưu người dân đổ xô đi mua vàng trong ngày "vía Thần Tài" mùng 10 tháng Giêng, mong được may mắn tài lộc trong năm mới. Thực tế, ngày này chỉ là do một số người kinh doanh tuyên truyền nhằm thúc đẩy việc bán hàng đầu năm, chứ không có tài liệu nào ghi chép, cũng như phong tục trong dân gian. Người dân có thể đi mua bán nhưng không nhất thiết phải chen lấn, mua giá cao trong ngày này”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận