Trước thông tin thiếu nhiều loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở nhiều địa phương, đại diện Bộ Y tế đã có câu trả lời tại buổi gặp mặt báo chí chiều 15/12.
Gần 500.000 liều vắc xin "5 trong 1" về Việt Nam tối nay
PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết có thực trạng thiếu vaccine "5 trong 1" từ tháng 2/2023 và vaccine DPT-VGB-Hib phòng 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván từ tháng 4/2023.
Để bảo vệ trẻ em trước các bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã vận động nhà tài trợ và từ tháng 7/2023, Việt Nam đã nhận nguồn tài trợ của Liên hợp quốc khoảng hơn 258.000 liều vaccine và đã kịp thời phân bổ trong tháng 9, 10.
Tối nay (15/11), 490.600 liều vắc xin "5 trong 1" do Chính phủ Australia tài trợ thông qua Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF sẽ về Việt Nam. Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục tiếp nhận, kiểm định vắc xin phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố tổ chức tiêm chủng.
Lý giải về nguyên nhân thiếu vắc xin thời gian vừa qua, bà Hồng cho biết giai đoạn năm 2016-2022 chương trình tiêm mở rộng được bố trí kinh phí mua vắc xin từ nguồn Chương trình mục tiêu (CTMT) Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020. Ngoài nguồn mua vắc xin theo hình thức hoạt động của Dự án, vắc xin được hỗ trợ từ Tổ chức GAVI và các tổ chức nước ngoài khác viện trợ.
Trong những năm gần đây, sự hỗ trợ nguồn lực từ GAVI và các tổ chức quốc tế có sự chuyển dịch cách thức hỗ trợ do Việt Nam nằm ngoài danh sách các nước có thu nhập thấp, kinh tế kém phát triển, một số loại vắc xin viện trợ cần phải đối ứng sau khi tiếp nhận.
Năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách, các địa phương phải thực hiện các thủ tục mua sắm vắc xin từ ngân sách của địa phương. Tuy nhiên có những gặp khó khăn trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt giá cũng như kinh nghiệm triển khai...
Trước yêu cầu thực tiễn, Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết giao kinh phí để Bộ Y tế thực hiện mua tập trung các loại vắc xin, trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi Nghị định số 104 theo hướng bố trí kinh phí của Trung ương để mua vắc xin.
Song song với các giải pháp về pháp lý, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị, địa phương, phối hợp Bộ, ban ngành liên quan, đẩy mạnh hợp tác, đề xuất hỗ trợ, viện trợ với các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước để cung ứng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Sắp hoàn thành việc mua vắc xin đặt hàng trong nước
Trả lời câu hỏi liệu có còn tình trạng thiếu vắc xin trong năm 2024, Tiến sĩ Dương Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ Y tế, cho biết để giải quyết căn cơ, lâu dài, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu sửa đổi Nghị định số 104 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng, trong đó cho phép bố trí ngân sách trung ương để bảo đảm kinh phí mua vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đối với vắc xin có khả năng sản xuất trong nước (10 loại vắc xin), Bộ Y tế đã rà soát các quy định của pháp luật và thực hiện mua theo hình thức đặt hàng (quy trình gồm 9 bước). Bộ Y tế đã thẩm định, gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt phương án giá tối đa, trên cơ sở đó Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể. Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để giải quyết.
Dự kiến tháng 1/2024, hoàn thành việc mua sắm các vắc xin đặt hàng trong nước (10 loại) theo số lượng tỉnh, thành phố đề xuất nhu cầu đến tháng 6/2024, nhờ đó sẽ bảo đảm hoạt động cung ứng vắc xin năm 2024 trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, đáp ứng nhu cầu của người dân hiện nay cũng như theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành.
Nếu được giao ngân sách sớm hơn, Bộ Y tế sẽ sớm tiến hành đặt hàng hoặc đấu thầu mua sắm vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ rà soát nguồn vắc xin, tích cực làm việc với các nhà tài trợ trong nước và nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho Chương trình tiêm chủng mở rộng và chỉ đạo các địa phương chủ động trong giám sát, phát hiện dịch và đáp ứng, triển khai các biện pháp về tiêm chủng vắc xin cho đối tượng nguy cơ cao tại ổ dịch để khoanh vùng, không để bệnh lây lan...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận