Ngày 27/8, UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về tình hình triển khai thực hiện và đề xuất thống nhất chủ trương điều chỉnh tăng nguồn vốn đối ứng ngân sách Trung ương, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, kéo dài thời gian bố trí vốn, gia hạn Hiệp định vay dự án Liên kết vùng miền Trung, tỉnh Quảng Nam.
Chi phí bồi thường, GPMB vượt tổng mức đầu tư
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, dự án Liên kết vùng miền Trung, tỉnh Quảng Nam gồm 2 hợp phần là phần giao thông và hệ thống đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông. Tổng vốn đầu tư hơn 34,5 triệu USD, tương đương hơn 768 tỷ đồng (theo tỷ giá ngoại tệ tháng 4/2017).
Khởi công từ 19/7/2023 đến nay, dự án mới chỉ thực hiện được hơn 17% giá trị hợp đồng của gói thầu thi công hạng mục giao thông.
UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, dự án được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2017, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đăng ký danh mục và mức vốn trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 2020.
Tuy nhiên, dự án chưa được đàm phán ký kết Hiệp định với Nhà tài trợ nên kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của dự án chưa được giao, không có cơ sở triển khai.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng nêu ra các yếu tố khiến dự án chậm trễ như: vướng mặt bằng, vướng hạ tầng điện cao thế, thiếu nguồn đất đắp, thời tiết cực đoan ở vùng núi.
Ngoài ra, dự án phải điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 phức tạp, kéo dài làm chuỗi phối hợp với nhân sự nước ngoài bị đứt gãy.
Các gói thầu phải tổ chức đấu thầu quốc tế nên thời gian các thủ tục khác dài hơn đấu thầu trong nước; việc quy định ở mỗi bước thực hiện phải xin ý kiến nhà tài trợ dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu...
Đáng chú ý, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc phát sinh xây dựng các điểm tái định cư, phát sinh diện tích bồi thường, GPMB dẫn đến chi phí dự án tăng cao, vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Cụ thể, năm 2017 chi phí bồi thường, GPMB tạm tính là hơn 125 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện dự án kéo dài nhiều năm, đến nay các khoản mục chi phí bồi thường, GPMB điều thay đổi và tăng giá.
"Tổng nhu cầu thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án theo đề nghị của UBND các huyện là gần 340 tỷ, vượt hơn 200 tỷ so với giá trị tạm tính tại quyết định phê duyệt dự án đầu tư", UBND tỉnh Quảng Nam cho biết thêm.
Đề xuất thêm 13 triệu USD bù trượt giá
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay tất cả các hoạt động của dự án Liên kết vùng miền Trung đã và đang triển khai. Trong đó, gói thầu thi công xây dựng phần giao thông đang thi công; gói thầu thi công xây dựng phần điện chiếu sáng chưa lựa chọn nhà thầu thi công do trượt giá vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt.
UBND các huyện vùng dự án đang đẩy nhanh thực hiện công tác bồi thường, GPMB nhưng chi phí tăng vượt tổng mức đầu tư nên chưa có cơ sở thực hiện cho phần phát sinh, ảnh hưởng đến tiến độ và làm gián đoạn một số công việc thực hiện dự án.
Do đó, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng hơn 13 triệu USD, tương đương hơn 290 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo chủ trương đầu tư dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì dự án có hiệu lực 4 năm kể từ khi Hiệp định vay vốn của dự án có hiệu lực (ngày 28/10/2020). Thời gian hoàn thành dự án là tháng 10/2024.
"Như vậy, thời gian thực hiện dự án theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt sẽ không đảm bảo để thi công hoàn thành dự án. Vì vậy, nhằm đảm bảo thời gian để dự án thi công hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng và quyết toán hoàn thành, đáp ứng được mục tiêu đầu tư đã được phê duyệt", báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam nêu.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị điều chỉnh thời gian bố trí kế hoạch vốn đến năm 2026 và điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến năm 2024 thành từ năm 2020 đến năm 2026.
Hợp phần 1 sẽ đầu tư xây dựng gần 28km đường, gồm 2 đoạn tuyến: Từ ngã ba Tài Da (xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước) đi theo đường ĐH1.TP đến thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước) dài hơn 8,8km.
Đoạn 2 là điểm đầu nối vào điểm cuối đường tránh thị trấn Tiên Kỳ đi theo QL40B đến vị trí giao với điểm đầu đường tránh thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My) dài 18,2km. Đoạn vuốt nối từ Km 35+305 (QL40B, đi theo QL40B về phía thị trấn Tiên Kỳ) dài gần 1km.
Hợp phần 2 sẽ đầu tư xây dựng gần 4km đường, gồm 2 đoạn tuyến. Đoạn 1 từ đường Thanh niên ven biển (nay là đường ĐT613B) đến đường cứu hộ cứu nạn (nay là đường ven biển 129, đường Võ Chí Công) dài hơn 2km.
Đoạn 2 từ Km 987+625 QL1A đến Km 11+100 tỉnh lộ 615 dài gần 1,9km. Tại hợp phần 2 sẽ có thêm hệ thống điện chiếu sáng và đèn tín hiệu giao thông.
Mục tiêu của dự án nhằm hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông khu vực miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên; kết nối Cửa khẩu quốc tế Bờ Y với Cảng biển Kỳ Hà, Cảng hàng không quốc tế Chu Lai, Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu kinh tế Dung Quất theo chủ trương "Kết nối ASEAN"; phát triển kinh tế - xã hội khu vực dự án thông qua tiếp cận thị trường, phát triển phi nông nghiệp, phát triển công nghiệp trên cơ sở hợp lý hóa việc sử dụng đất và giảm chi phí đi lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận