Ngày 24/5, theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, tổng kế hoạch vốn thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 (bao gồm năm 2023 chuyển sang) tại tỉnh Cà Mau là hơn 937 tỷ đồng.
Trong đó, vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới 748 tỷ đồng, giảm nghèo bền vững gần 120 tỷ đồng và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gần 70 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh còn khá chậm.
Cụ thể, chỉ mới giải ngân được gần 72 tỷ đồng (đạt 7,7% kế hoạch). Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 3,3 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương gần 69 tỷ đồng.
Nguyên nhân do việc triển khai các dự án, tiểu dự án trên thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, chưa huy động được sức dân tham gia vào các dự án phát triển sản xuất. Công tác đào tạo nghề cho người trong độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ thu nhập thấp còn nhiều khó khăn.
Cùng với đó, một số dự án phải lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu mất nhiều thời gian… Ngoài ra, mức hỗ trợ mua đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt còn thấp.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, đối với dự án 1 (hỗ trợ mua đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt), mức hỗ trợ để mua đất ở, nhà ở và đất sản xuất cho hộ nghèo là 44 triệu đồng/hộ là khó thực hiện được.
"Bởi thực tế giá đất chuyển nhượng cao, hộ nghèo không có khả năng góp tiền vào để mua. Về hỗ trợ chuyển đổi nghề 10 triệu đồng/hộ, nước sinh hoạt 3 triệu đồng/hộ là thấp, khó thực hiện", ông Thanh lý giải.
Bên cạnh đó, đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, thực hiện Nghị quyết số 15/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh trong việc vận động người dân đóng góp và huy động phần còn lại 35% là khó khăn, không thực hiện được.
Trước những vướng mắc đó, các địa phương trong tỉnh Cà Mau cũng đề xuất, tiêu chí văn hóa yêu cầu có trung tâm văn hóa và học tập cộng đồng nằm ngoài khuôn viên của UBND xã, nếu di dời rất khó, mỗi trung tâm 5-7 tỷ đồng, cần được hướng dẫn để địa phương thực hiện. Về thí điểm phân cấp huyện quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia thì đây là nội dung lớn, cần hướng dẫn cụ thể để huyện thực hiện.
Theo ông Trần Công Khanh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cà Mau, đã đề nghị UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư các dự án, công trình, sớm triển khai thực hiện và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao theo quy định.
Cùng đó là tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc phát sinh, gửi về các cơ quan chủ trì quản lý từng chương trình để tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận