Showbiz

Vì sao trẻ em hát nhạc người lớn trong gameshow?

06/06/2017, 21:15

Ca sĩ Đoan Trang, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thừa nhận, thiếu ca khúc thiếu nhi khiến trẻ em phải vất vả trong gameshow.

Đoan trang

Ca sĩ Đoan Trang, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thừa nhận thiếu ca khúc thiếu nhi khiến trẻ em phải vất vả trong gameshow. Trong ảnh, ca sĩ Đoan Trang và con gái trong MV Soleil - Mặt trời của mẹ vừa ra mắt dịp 1/6.

 Các gameshow nhí xuất hiện ngày càng nhiều với đủ kiểu tìm kiếm tài năng. Dư luận dã không ít lần ngao ngán trước những màn thể hiện già hơn tuổi của các thí sinh nhí, cũng như lắc đầu bất lực khi chứng kiến các em nhỏ thể hiện những bài nhạc không đúng lứa tuổi của mình. Đoan Trang - ca sĩ từng ngồi ghế nóng không ít gameshow thiếu nhi và nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - người dành nhiều tâm huyết cho âm nhạc thiếu nhi, đã có những tâm sự thẳng thắn xung quanh vấn đề này.

Ca sĩ Đoan Trang: “Nếu các bé có khả năng, cứ cho phát triển ở gameshow”

Mỗi giai đoạn sẽ có một sự khác biệt về cách giải trí và phát triển, bồi bổ tinh thần cho trẻ em. Bây giờ, không có nhiều sản phẩm âm nhạc dành cho thiếu như như bài hát, MV… nhưng các em nhỏ vẫn có những chương trình và loại hình giải trí khác như gameshow, các chương trình dành cho thiếu nhi. Những gameshow phát triển tài năng nhí cũng rất hay, vì trẻ em thời nay lanh lẹ, thông minh hơn thời trước.

Thời trước, thiếu nhi hồn nhiên, vô tư hơn thì xem những chương trình đơn giản, trong sáng hơn. Còn thời nay, các em có nhiều thứ hỗ trợ xung quanh, nếu mình ngăn cản sẽ làm giảm tính sáng tạo và phát triển theo xã hội hiện đại của các bé. Công nghệ hiện đại giúp các em học hỏi được rất nhiều thứ.

Còn về việc các em hát quá nhiều bài hát không phù hợp với lứa tuổi trong các gameshow truyền hình, là người làm gameshow thiếu nhi nhiều, cũng là người ngày xưa từng thi nhiều chương trình thiếu nhi, tôi thấy thực ra do kho tàng nhạc thiếu nhi không còn nhiều, không gây nhiều sức lan tỏa nên gameshow không làm được. Hơn nữa, những bài hát ngày xưa muốn phát triển lại cũng phải khéo léo, nhưng không nhiều bài như vậy.

Vả lại, các bé hiện nay được học tập nên giỏi hơn nhiều. Nếu mình nhìn một cách bao quát sẽ thấy có những trẻ em được phát triển đúng với khả năng của mình. Có thể có những bài không phải của thiếu nhi nhưng nếu nói về tình yêu quê hương, đất nước, làn điệu dân ca, dân gian thì vẫn có thể cho các em hát được. Nếu các bé có khả năng thì cứ phát triển, vì gameshow mang tính giải trí là chủ yếu.

Bản thân là một nghệ sĩ, tôi thấy sản phẩm âm nhạc nào cũng luôn có những cái khó như nhau, kể cả dành cho thiếu nhi. Nếu mình đi đúng hướng sẽ dễ thành công sau khi phát hành, còn không thì sẽ rất nhanh bị trôi đi, không để lại ấn tượng nào. Với sản phẩm dành cho thiếu nhi, nếu mình đánh không đúng tâm lý và không dành tâm huyết thực sự thì khi ra mắt sẽ không ai chú ý tới sản phẩm. Làm sản phẩm cho trẻ em không cần quá màu mè, sang trọng mà làm đơn giản, đặt tình cảm của mình vào trong đó, làm với những gì chân thật nhất xung quanh đời sống thì mình sẽ dễ và đạt hiệu quả.

Và khi ai đó làm sản phẩm âm nhạc cho thiếu nhi, chắc chắn họ chỉ nghĩ cho thiếu nhi thôi bởi sẽ rất khó thu được lợi nhuận. Đa số họ làm để làm kỷ niệm cho gia đình, cho con và cho những đứa trẻ. Còn những nghệ sĩ mà chỉ nghĩ tới lợi nhuận, chúng ta cũng không thể trách họ được vì họ phải đầu tư nhiều.

Nhưng cũng có những người làm với sự chân thành. Như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vừa ra mắt cuốn sách "100 bài hát thiếu nhi", chắc chắn phải đặt rất nhiều tâm huyết của mình. Họ có tấm lòng dành cho âm nhạc, có trách nhiệm với xã hội. Ai cũng có gia đình và có con, khi nghệ sĩ viết bài hát với những tình cảm như vậy tôi tin sẽ được nhiều người ủng hộ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: “Nhà sản xuất làm gameshow cho người lớn xem”

nguyen-van-chung

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vừa ra mắt cuốn sách "100 bài hát thiếu nhi" với những bài hát do anh sáng tác và biên soạn. 

Những gameshow thiếu nhi mà không sử dụng nhạc thiếu nhi thực chất là do bản thân ban tổ chức thấy rằng những bài hát thiếu nhi là không phù hợp. Không có bất cứ văn bản hay quy định nào nói rằng bài hát thiếu nhi không được sử dụng, trừ những người biên tập. Những gameshow bắt các bé gánh áp lực trên vai khi thể hiện những bài hát người lớn, phải giả gái, giả trai, hầu đồng… Các bé không hiểu gì thì thực sự tội nghiệp. Lỗi này là ở những người làm chương trình. Họ làm chương trình cho người lớn xem, tăng rating là nhờ người lớn, tạo nên những câu chuyện xúc động về các bé cũng làm làm cho người lớn.

Còn chuyện thiếu nhi hiện nay hay hát những bài hát không phù hợp với lứa tuổi lại xuất phát từ cách giáo dục của gia đình. Gia đình cho các bé ở trong môi trường đó, hàng ngày nghe những bài của người lớn thì chúng sẽ hát những bài như vậy. Thấy bạn bè hát bài hát tình yêu, nó cũng suy nghĩ là mình phải hát được. Thấy các thí sinh hát những bài “khủng” cũng buộc bé nhà mình phải hát được để chứng tỏ kỹ thuật, chứng tỏ nhiều điều. Lỗi này đi theo dây chuyền.

Tôi thừa nhận hiện nay đang quá thiếu những bài hát thiếu nhi. Đó cũng là một trong những lý do khiến các sân chơi trẻ em không có nhiều bài nên tôi mới thực hiện dự án “100 bài hát thiếu nhi” dành tặng cho các em. Tôi muốn làm điều cốt lõi nhất và tiên phong, bởi nếu không ai làm thì sẽ đi vào vòng xoáy thị trường. Tôi nghĩ dù mình có thành công hay không nhưng cũng sẽ có tác động nào đó đến những nghệ sĩ có cùng suy nghĩ, lý tưởng và trái tim như mình. Họ sẽ can đảm hơn để dấn thân vì tôi đã chứng minh cho họ rằng mình dám làm.

Để thực hiện dự án này, tôi đã phải thiết lập môi trường thiếu nhi xung quanh mình suốt 3 năm qua. Mỗi tuần tôi có 4 ngày để dạy các em học hát, tôi buộc mỗi ngày mình phải tiếp xúc với một em nhỏ để biết chúng thích gì, có suy nghĩ thế nào ở mỗi độ tuổi. Để làm điều ấy, tôi phải hy sinh hoàn toàn thời gian viết bài hát về tình yêu. Thứ nữa, tôi phải đấu tranh nội tâm vì lĩnh vực này có thể tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ thất bại. Tôi cũng như người khác, có lúc thấy yếu đuối, ganh tị với những nhạc sĩ được vinh danh bài nọ bài kia. Tôi cũng thấy tủi thân và nhiều khi tự hỏi mình làm vậy có sai không, liệu có hối hận không?

Nhưng khi nhìn thấy các bé học trò tiến bộ hơn mỗi ngày, được nghe phụ huynh khen ngợi, tôi cảm thấy mình được củng cố thêm niềm tin để đi tiếp, dù mình có thành công hay không. Tôi cũng thấy những bài hát người lớn nếu nổi thì chỉ được vài tháng, còn những bài thiếu nhi sẽ được hát năm này qua năm khác, đây là điểm rất đặc biệt.

 >>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.