Thời sự Quốc tế

Vì sao Trump kiên quyết bác bỏ kết quả bầu cử, ngày 6/1 sẽ rõ

31/12/2020, 07:34

Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn còn một cơ hội nữa để đảo ngược cuộc bầu cử.

img

Một hội nghị liên tịch của Quốc hội Mỹ

Những ngày vừa qua, dù kết quả bỏ phiếu quan trọng nhất của các Đại cử tri Mỹ đã rõ ràng nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp tục những động thái kiện cáo, không chấp nhận kết quả bầu cử Mỹ.

Trong động thái gần nhất, ngày 30/12, đội pháp lý của ông Donald Trump tiếp tục nộp đơn lên Toà án Tối cao kêu gọi bác bỏ phán quyết của toà án tại bang Wisconsin: “Toà án Tối cao gần như là tổ chức duy nhất của chính phủ có thể giải quyết những tranh cãi trong cuộc bầu cử này”.

Các luật sư của ông Trump yêu cầu toà đưa vấn đề này vào lịch trình giải quyết nhanh, ra quyết định trước khi Quốc hội kiểm lại phiếu đại cử tri vào ngày 6/1.

Về lý thuyết, đến thời điểm này, ông Trump vẫn còn một cơ hội nữa để lật ngược thế cờ. Trong ngày 6/1 tới, Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị liên tịch, chính thức kiểm phiếu đại cử tri được gửi lên từ các bang.

Sau khi các thành viên Quốc hội xem xét các lá phiếu, Phó Tổng thống, kiêm vai trò là Chủ tịch Thượng viện sẽ tuyên bố người thắng cử.

Theo kết quả kiểm phiếu trước đó của các bang, ông Biden đã giành được 306 phiếu đại cử tri trong khi ông Trump giành được 232 phiếu.

Cơ hội duy nhất dành cho ông Trump lật ngược thế cờ chính là ở khoảnh khắc này. Sau khi Phó Tổng thống Mỹ công bố người chiến thắng, nếu có ít nhất 1 Hạ Nghị sĩ và 1 Thượng Nghị sĩ phản đối kết quả, Quốc hội Mỹ phải tranh luận khoảng 2 giờ và bỏ phiếu quyết định.

Thượng Nghị sĩ tuyên bố thách thức kết quả bầu cử

Hiện tại đã có một số Hạ Nghị sĩ đảng Cộng hoà bao gồm Hạ nghị sĩ Jody Hice đại diện bang Georgia tuyên bố sẽ phản đối kết quả bầu cử của bang này.

Về phía Thượng viện, theo thông tin mới nhất, đến sáng 31/12, (theo giờ VN), Thượng Nghị sĩ Đảng Cộng hoà Josh Hawley, đại diện bang Missouri, cam kết sẽ đứng ra thách thức trước Quốc hội.

Theo ông Hawley, “một số bang, đặc biệt là Pennsylvania đã không tuân thủ luật bầu cử của bang. Ít nhất Quốc hội cần điều tra lại”. Song, ông Hawley chưa đưa ra bằng chứng xác thực.

Giới phân tích chính trị Mỹ cho rằng, dù các Nghị sĩ có thách thức Quốc hội, khả năng cao chỉ kéo dài thời gian chứ không mang lại kết quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.