Phân định rõ khái niệm để thuận tiện trong thu thuế, đăng kiểm
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 của Bộ GTVT vừa ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 có nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là xe tải dưới 1,5 tấn sẽ không được xem là xe con như quy định tại QCVN 41:2016.
Giải thích cho sự thay đổi này, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, trong QCVN 41:2016 trước đây, xe tải nhỏ dưới 1,5 tấn được quy ước coi loại xe này là xe con trong tổ chức giao thông. Tuy nhiên, đối với cơ quan đăng kiểm, thuế và khái niệm người tham gia giao thông, loại xe này lại được quy định là xe tải. Trong quá trình sửa đổi quy chuẩn, cơ quan CSGT có kiến nghị phân định rõ, đưa về đúng khái niệm xe tải để thuận tiện trong thu thuế, thời gian đăng kiểm xe và xử phạt.
Đối với xe bán tải, ông Lăng cho biết, quy chuẩn mới không có thay đổi, loại xe này vẫn được quy ước là xe con trong tổ chức giao thông. Còn đối với các vấn đề về thuế, đăng kiểm, niên hạn sử dụng vẫn phải chấp hành quy định xe bán tải.
Không bắt buộc treo biển báo trên giá long môn?
Lý giải về thắc mắc quy định không bắt buộc treo biển báo trên giá long môn, cột cần vươn sẽ gây khó cho người tham gia giao thông, ông Lăng cho lý giải, QC41:2016 quy định về vị trí đặt biển báo hiệu giao thông trên những tuyến đường mà mỗi chiều xe chạy có từ 2 làn đường trở lên, biển được treo trên giá long môn hoặc cột cần vươn. Tuy nhiên, ông Lăng cho rằng, qua thời gian thực hiện QC41:2016 trong thực tế cho thấy không phải ở tuyến đường nào cũng có điều kiện về kinh phí để thực hiện.
"Có nhiều đoạn tuyến là đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã xuống thôn, cũng có từ 2 làn xe trở lên, lưu lượng xe ít không cần thiết phải gắn biển trên giá long môn hay cột cần vương sẽ gây lãng phí nguồn lực", ông Lăng nói.
"Có một bộ phận người tham gia giao thông mặc dù đã nhìn thấy biển nhưng vẫn cố tình viện lý do không gắn biển trên giá long môn hay cột cần vươn để tranh cãi với lực lượng chức năng", ông Lăng nói và cho biết: "Quy chuẩn mới không bắt buộc chứ không phải là cấm. Đối với các tuyến đường có lưu lượng xe lớn, tùy từng điều kiện lưu lượng xe trên từng tuyến đường lớn hay nhỏ mà cơ quan quản lý giao thông sẽ lắp biển ở đâu cho phù hợp với mục tiêu là gắn biển sao cho người tham gia giao thông dễ quan sát nhất".
Trước đó, Bộ GTVT đã ban hành theo Thông tư số 54/2019 về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 thay thế QCVN 41:2016.
Điểm thay đổi đáng chú ý trong Quy chuẩn mới lần này là xe tải dưới 1,5 tấn sẽ không được xem là xe con; không bắt buộc đặt biển báo hiệu giao thông trên những đường mà mỗi chiều xe chạy có từ 2 làn đường trở lên, biển được treo trên giá long môn hoặc cột cần vươn.
Cụ thể, Quy chuẩn 41:2019 quy định ôtô con là ôtô được xác định theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, để chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả chỗ người lái.
Còn ô tô tải (hay còn gọi là xe tải) là ôtô có kết cấu và trang bị chủ yếu để chuyên chở hàng hóa bao gồm cả ôtô đầu kéo, ôtô kéo rơmoóc và các loại như xe pick-up, xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 950 kg trở lên.
Trong khi đó, Quy chuẩn 41:2016 hiện hành quy định ô tô con là: xe để chở người không quá 9 chỗ ngồi, kể cả lái xe hoặc ô tô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1,5 tấn; ô tô con bao gồm các loại xe có kết cấu như xe máy 3 bánh nhưng có tải trọng bản thân xe lớn hơn 400kg và tải trọng toàn bộ xe cho phép nhỏ hơn 1,5 tấn. Xe bán tải (xe pick-up) có khối lượng chuyên chở cho phép nhỏ hơn 1,5 tấn và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống được xem là xe con. Còn ô tô tải là ôtô để chở hàng hoặc thiết bị chuyên dùng có khối lượng chuyên chở từ 1,5 tấn trở lên.
Xe bán tải (xe pick-up), xe tải VAN có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 950kg, xe 3 bánh có khối lượng bản thân lớn hơn 400kg, trong tổ chức giao thông, được xem là xe con.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận