Xã hội

Vỉa hè bị tái lấn chiếm: Có thể hạ thi đua cán bộ phụ trách, người đứng đầu

Nhiều ý kiến cho rằng, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cấp cơ sở khi để hiện tượng vỉa hè bị chiếm dụng tràn lan.

Có thể cắt thi đua, hạ thi đua

Hiện tại, TP Hà Nội đang triển khai kế hoạch xử lý vi phạm trật tự ATGT, công cộng và đô thị, trong đó có nội dung giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Đây không phải lần đầu tiên trong nhiều năm qua, chính quyền Thủ đô đặt quyết tâm trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, đến nay việc đòi lại vỉa hè cho người đi bộ vẫn chưa thành công, vỉa hè chỉ phong quang được vài tuần, thậm chí vài ngày sau khi lực lượng chức năng ra quân, sau đó đâu lại vào đấy.

img

TP Hà Nội triển khai kế hoạch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ

Không ít ý kiến cho rằng, muốn lập lại trật tự vỉa hè, thì cần phải gắn trách nhiệm đối với người đứng đầu của từng phường (xã), từng quận (huyện).

Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên - môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, trước sự chỉ đạo của TP Hà Nội thì các quận, huyện, phường, xã cần phải thực hiện nghiêm việc lấy lại vỉa hè cho người đi bộ.

Sau đó cần phải có tổng kết, đánh giá xem nơi làm đã làm tốt, nơi nào chưa làm tốt từ đó có những điều chỉnh kịp thời, tránh hiện tượng "cào bằng", chỗ làm tốt như chỗ làm hời hợt.

img

Bà Bùi Thị An

Theo bà An, tiếp đó mới tìm rõ, phân loại, đánh giá nguyên nhân, tại sao có nơi thực hiện được và có nơi không thực hiện được. Đích thân Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo mà người đứng đầu ở cấp dưới không làm tốt thì tất nhiên sẽ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo, nhân dân thành phố.

"Lãnh đạo xã, phường nào không đảm đương được trách nhiệm quản lý vỉa hè vì những nguyên nhân chủ quan thì đề nghị thành phố xử lý, nhẹ thì cắt thi đua, hạ thi đua. Nếu có sai phạm đến mức kỷ luật thì phải kỷ luật nghiêm theo đúng Luật Công chức, viên chức và các quy định hiện hành", bà An nói.

Xử lý khi cấp dưới không thực hiện đúng chỉ đạo của cấp trên

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, khi đã có chỉ đạo của cấp trên, ở đây là lãnh đạo Chủ tịch thành phố thì cấp dưới phải chấp hành nghiêm. Nếu cấp dưới không thực hiện đúng quy định cần xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi đó và những người trực tiếp phụ trách.

img

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa

"Nếu để tái diễn hiện tượng lấn chiếm vỉa hè tràn lan tôi cho rằng cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu ở cấp phường, cấp quận đã thiếu tinh thần trách nhiệm, lơ là trong công tác quản lý. Có thể người đứng đầu này không có thi đua khen thưởng và không được xếp loại thi đua tốt ở cuối năm", ông Hòa đề xuất.

Theo luật sư Trần Minh Quân, Giám đốc Công ty Luật Trần Nguyên, Nghị định 112/2020/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức quy định, việc công chức không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cấp có thẩm quyền; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng tùy trường hợp cụ thể như trên thì có thể bị khiển trách hoặc là bị cảnh cáo.

"Nếu công chức được giao quản lý vỉa hè mà không thực hiện nhiệm vụ, để tái lấn chiếm, thì có thể bị các hình thức kiểm điểm như khiển trách, cảnh cáo. Còn khi thực hiện nhiệm vụ nhưng chưa tốt, xảy ra tái lấn chiếm, theo quy chế cơ quan, có thể áp dụng xếp loại thi đua", luật sư Quân cho hay.

Tại lễ ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng đầu tháng 3, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội đã yêu cầu cấp, ngành theo dõi kết quả thực hiện của các đơn vị, tập hợp tồn tại hạn chế, phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định như hạ thi đua, cắt thi đua.

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, Ban Chỉ đạo 197 của quận đưa nội dung quản lý trật tự đô thị vào hoạt động theo dõi, kiểm tra hàng tuần đối với các đơn vị liên quan.

Theo đó, trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm trước UBND quận về công tác giải quyết các điểm vi phạm lớn, phức tạp về trật tự đô thị. Quận sẽ đánh giá, chấm điểm thi đua đối với Công an 18 phường.

Đối với UBND các phường, quận Hoàn Kiếm chỉ đạo căn cứ vào thực tế địa phương, phân công nhiệm vụ xử lý trật tự đô thị cụ thể, rõ người, rõ việc tới từng lãnh đạo, viên chức.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.