Theo thông cáo mới nhất từ Viconship, DN này không thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vào ngày 29/4 vừa qua do không đủ điều kiện tiến hành theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành và Điều lệ của Viconship.
Cụ thể, tính đến 9h15 sáng cùng ngày, chỉ có 85 cổ đông với tổng số gần 133,4 triệu cổ phiếu VSC, tương đương 36% cổ phần có quyền biểu quyết của Viconship đến tham dự Đại hội. Trong khi theo quy định, đại hội cần phải có trên 50% số cổ phần có quyền biểu quyết tham gia để đủ điều kiện tiến hành.
Trong báo cáo tài chính mới nhất gửi cổ đông trước Đại hội đồng cổ đông thường niên, Công ty Cổ phần Container Việt Nam (Viconship) cho biết: Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận mức doanh thu 2.108 tỷ đồng, bằng 96,93%, tăng 8,65% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 265,1 tỷ đồng, bằng 55,5% so với thực hiện năm 2022.
Theo lãnh đạo Viconship, 2023 là năm có nhiều khó khăn và cạnh tranh khốc liệt. Khối lượng hàng hóa container thông qua cảng biển suy giảm.
Thời điểm cuối năm, vận tải biển còn gặp nhiều khó khăn nhưng những kết quả cho thấy thị trường vận tải biển đang dần có những khởi sắc.
Lượng hàng thông qua cụm cảng Hải Phòng đã có tín hiệu cải thiện rõ rệt từ giữa năm 2023 do các cảng ở đây ít phụ thuộc vào các tuyến tàu đi Mỹ, châu Âu so với các cảng ở miền Nam. Thị trường nội Á đóng góp cao hơn, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia có chính sách tiền tệ lỏng hơn Mỹ, châu Âu và hoạt động giải phóng hàng tồn kho ít mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, xét về lợi nhuận, mức lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của các doanh nghiệp cảng biển trong 3 quý đầu năm 2023 đã giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do sản lượng giảm.
Năm 2024, nhận định tình hình vẫn tiếp tục khó khăn. Căng thẳng trên thế giới như khủng hoảng Biển Đỏ, vấn đề hạn hán, thiếu nước ở kênh đào Suez làm giảm lượng tàu bè thông qua tuyến này, tàu bè phải đi vòng xa hơn dẫn đến việc tình hình giao nhận hàng hoá bị chậm trễ hơn.
Nhiều hãng tàu cơ cấu lại tuyến do tình hình kinh doanh thua lỗ, không thuận lợi. Rủi ro với triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn còn cao.
Theo lãnh đạo Viconship, công ty cũng phải đối mặt với những cạnh tranh trong các mảng dịch vụ chính của doanh nghiệp, nhất là mảng khai thác cảng biển tại Hải Phòng. Chưa kể, khách hàng hãng tàu kinh doanh vẫn gặp khó khăn, một hãng tàu phải tạm thời dừng hoặc tái cơ cấu lại tuyến dịch vụ tại Hải Phòng.
Do đó, kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp cũng sẽ chú trọng đầu tư mở rộng sản xuất, khai thác hiệu quả các hạng mục cơ sở hạ tầng gắn chặt với các mảng kinh doanh cốt lõi của công ty để phát triển cho năm 2024 và các năm tiếp theo vào các yếu tố cốt lõi để đảm bảo hiệu quả.
Trong đó, doanh nghiệp lên kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại Cảng Nam Hải Đình Vũ lên tới 100% vốn điều lệ, đưa công ty này từ công ty liên kết thành công ty con. Trước đó, năm 2023, Viconship đã hoàn tất mua mới 35% vốn tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ với giá trị khoảng 1.049 tỷ đồng.
Với việc có thêm Cảng Nam Hải Đình Vũ, Viconship sẽ có 3 cảng biển lớn tại Hải Phòng, bên cạnh Cảng Xanh (Green Port), Cảng Xanh VIP (VIP Greenport). Hiện doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư, nâng cấp hạ tầng, trang thiết bị cho các cảng biển này.
Trong đó, Cảng Xanh VIP sẽ tiến hành nâng cấp luồng đoạn từ Cảng Nam Đình Vũ đến Cảng Nam Hải Đình Vũ đạt cao độ -8.5m. Tại Cảng Nam Hải Đình Vũ, sẽ thiết kế bản vẽ thi công và thi công cầu tàu nối liền 2 cảng VIP Greenport và Nam Hải Đình Vũ.
Ngoài ra, một trong những kế hoạch đáng chú ý của doanh nghiệp còn là khởi công dự án cảng nước sâu tại Hải Phòng trong giai đoạn 2024-2025. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đầu tư cảng nước sâu tại Đà Nẵng, Vũng Tàu cùng các khu hậu cần logistics tiềm năng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận